Từ một sắc phong thời Tây Sơn

LÊ VĂN HUÂN 05/01/2019 04:24

Phong trào Tây Sơn có mặt tại Quảng Nam, Quảng Ngãi khá sớm. Nhiều trận chiến lớn giữa Tây Sơn và các thế lực đã diễn ra ở phố Hội An, Câu Đê, Cẩm Sa, Tiên Đỏa (Quảng Nam), Bình Sơn (Quảng Ngãi)... Nhiều chủ trương, chính sách của chính quyền Tây Sơn cũng đã được thực thi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, do ý đồ “nhổ cỏ tận gốc” nhằm xóa sạch dấu tích của triều đại Tây Sơn nên nhà Nguyễn đã cấm sử dụng, lưu hành các tư liệu giấy tờ thời Tây Sơn, dẫn đến sự mất mát, tiêu hủy gần hết. Các bộ chính sử thì được chỉ đạo biên soạn theo nhãn quan của thế lực cầm quyền, vì vậy rất ít  ghi chép khách quan, chính xác về thời Tây Sơn.

Tấm sắc phong trong tự đường họ Nguyễn phái 2 ở Tam Nghĩa.
Tấm sắc phong trong tự đường họ Nguyễn phái 2 ở Tam Nghĩa.

Thế nhưng trong dân gian ở Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn lưu giữ một số tư liệu văn tự về thời Tây Sơn. Một điều lạ là cho dù triều Nguyễn quy định nghiêm ngặt không được lưu giữ các văn bản, giấy tờ liên quan đến Tây Sơn, ngay cả văn bia cũng phải đục bỏ nhưng nhiều làng xã ở Quảng Nam, Quảng Ngãi hiện vẫn còn những giấy tờ có niên hiệu Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh. Các tư liệu này cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tổ chức bộ máy, tình hình quản lý đất đai, dân số, các chính sách về kinh tế, văn hóa, xã hội thời Tây Sơn ở Quảng Nam.

Trong số tư liệu này, may mắn tôi đã thấy một sắc chỉ của thời Tây Sơn do vua Quang Toản ban cho ông Nguyễn Văn Cháu - một chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn ở huyện Bình Sơn, phủ Hòa Nghĩa (bây giờ thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Văn Cháu trong chiến đấu đã lập nhiều công tích, được sắc phong Anh liệt Tướng quân chỉ huy sứ và tước Bá vào năm 1793 (năm Cảnh Thịnh thứ nhất).

Bản sắc phong có nội dung phiên âm như sau: “Sắc Hòa Nghĩa phủ, Bình sơn huyện, An Lộc thôn, Hữu bật đạo thiên khai nhất vệ, nhất hiệu cai cơ Nguyễn Văn Cháu, lịch tòng chiến trận, phả hữu cần lao, đặc chuẩn ban Chỉ huy sứ, Quyền Tài bá, suất bổn phân quân sai bát. Thoảng quyết chức phất cần, triều chương cụ tại. Khâm tai cố sắc - Cảnh Thịnh, nguyên niên, chánh nguyệt, nhị thập bát nhật”. Dịch nghĩa: “Sắc ban cho thôn An Lộc, huyện Bình Sơn, phủ Hòa Nghĩa. Ông Nguyễn Văn Cháu, cai cơ hiệu thứ nhất, vệ thứ nhất, đã trải qua nhiều trận chiến đấu rất có công lao, được đặc biệt chuẩn ban chức Chỉ huy sứ, tước Bá. Nay đáng được gia phong chức Chỉ huy sứ Anh liệt tướng quân tước Quyền tài Bá, để sai bát cánh quân trong bộ phận này. Nếu không cần mẫn với chức vụ ấy thì phép nước đã có ghi sẵn. Hãy kính cẩn vâng mệnh! Vậy nay ban sắc. Ngày 28 tháng giêng, năm đầu niên hiệu Cảnh Thịnh”.

Hiện nay, bản sắc phong này được lưu giữ tại nhà thờ chính họ Nguyễn ở xã Bình Thanh, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Còn tại thờ phái hai ở thôn Định Phước xã Tam Nghĩa huyện Núi Thành, Quảng Nam lưu giữ bản sao. Tại từ đường phái hai (Quảng Nam), tôi được con cháu trong họ giới thiệu về nguồn gốc họ Nguyễn và cho xem bản gia phả, do ông Nguyễn Tập (còn có tên khác là Nguyễn Phùng) chấp bút. Bản gia phả này cho biết về nguồn gốc, niên đại và thế hệ cũng như sự sinh tồn, phát triển của dòng tộc Nguyễn. Nơi lập nghiệp đầu tiên của Cao tổ Nguyễn Duy Bình là thôn Đông Phước và An Lộc, lúc bấy giờ thuộc phủ Hòa Nghĩa, xứ Quảng Nam, nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, đến thế hệ thứ 7 hình thành 3 phái, tỏa ra sinh sống ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và truyền nối đến ngày nay.

LÊ VĂN HUÂN

LÊ VĂN HUÂN