Tượng giữ làng của người Cơ Tu
Từ lâu, tộc người Cơ Tu sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, ở họ có một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú mang tính nhân văn rất cao. Ngoài phong tục, tập quán và các lễ hội gắn liền với tinh thần đoàn kết dân tộc, làng bản, tộc người Cơ Tu nơi đây còn có tục làm tượng giữ làng rất đặc trưng.
Người Cơ Tu thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang tái hiện nghi thức rào và đặt tượng giữ làng tại Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi năm 2018. Ảnh: G.P |
Theo truyền thống, người Cơ Tu sống quây quần thành từng làng nhỏ, có chừng 30 - 40 nóc nhà xếp theo hình tròn hoặc hình bầu dục. Mỗi làng của người Cơ Tu có một ranh giới nhất định, tách biệt với các làng khác. Ranh giới giữa các làng thường là một khu rừng, cây cổ thụ, hay con suối lớn. Làng thường hội tụ nhiều yếu tố như: có đất sản xuất, đất ở của từng gia đình, đất làm kho thóc, máng nước, đất làm nghĩa địa, đất rừng chung để cả làng săn bắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu hái lâm sản, những khúc sông, con suối chảy qua làng. Trong làng có nhiều dòng họ cùng sinh sống, mỗi dòng họ có một sự tích, truyền thuyết và có tập quán kiêng cữ riêng liên quan đến dòng họ mình. Sự tích, câu chuyện cổ, truyền thuyết ấy có thể là một sự kiện đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, đời sống của họ.
Xưa, mỗi làng Cơ Tu có một tên gọi riêng, lấy theo tên của người đứng ra lập làng, hoặc theo đặc điểm tự nhiên trong vùng. Quan hệ giữa các làng là bình đẳng với nhau, nhiều làng trong vùng còn kết nghĩa để xây dựng mối đoàn kết. Xưa kia, người Cơ Tu coi làng là khu dân cư tập trung phòng thủ kiên cố, rào kín xung quanh, có hào sâu, đặt bẫy, cắm chông để bảo vệ làng trước thú dữ và sự xâm nhập từ bên ngoài. Mỗi làng chỉ có một số cổng ra vào nhất định, cổng chính án ngữ đường đi thường quay ra phía cửa rừng, được bảo vệ cẩn mật, bên cạnh đó còn đặt một tượng gỗ giữ làng. Theo quan niệm của người Cơ Tu, đặt tượng gỗ còn nhằm cho con ma, hay người chết xấu không vào phá làng, lấy lúa, để con sâu, con mối không phá lúa giống đã tỉa… Nói chung, theo tín ngưỡng dân gian của người Cơ Tu là để ngăn cản những thế lực xấu.
Tượng giữ làng của người Cơ Tu. Ảnh: G.P |
Ông Bh’ling Hạnh (70 tuổi), ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, cho biết, phong tục rào làng và làm tượng giữ làng của đồng bào Cơ Tu đã có từ xa xưa. Tùy theo từng nơi mà việc rào làng và đặt tượng giữ làng được thực hiện hai hoặc ba năm một lần. Ngày nay, do những yếu tố tác động từ ngoại cảnh và thay đổi trong nếp sống của một bộ phận người Cơ Tu, chỉ còn rất ít làng duy trì tập tục này.
Để tổ chức lễ rào làng và làm tượng giữ làng, già làng sẽ tiến hành chọn ngày và lấy ý kiến để nhận được sự thống nhất của cộng đồng làng. Sau đó, thành viên trong làng được phân công vào rừng chặt các loại cây, lồ ô, mây về làm cổng, làm tượng - công việc này thường dành cho đàn ông. Tượng được thể hiện trên khúc gỗ là một nhân vật đàn ông có chân, đôi tay liền vào thân. Gương mặt bức tượng này khá dữ, mắt trợn tròn, răng dữ tợn. Đây là tác phẩm nghệ thuật do chính tay người đàn ông Cơ Tu trong làng thể hiện chỉ bằng cái rìu, rựa đi rừng.
Người Cơ Tu từ bao đời nay luôn tin vào các đấng siêu nhiên, các vị thần linh để cầu mong sự bảo hộ cho cuộc sống của họ luôn được yên lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Tượng giữ làng dù đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, được làm thủ công nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người con của cộng đồng Cơ Tu. Tượng giữ làng không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi, mà nó đánh thức sức sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu trên vùng Trường Sơn từ bao đời nay.
Trước khi tiến hành làm lễ rào làng, và đặt tượng giữ làng, lễ vật mà người dân chuẩn bị bắt buộc phải có cua, cá và trứng gà luộc chín, tùy từng làng mà có số lượng khác nhau. Phụ nữ thường được phân công ra sông, suối bắt cua, cá và chuẩn bị các món ăn để cúng thần linh và để cả làng ăn uống. Nếu trong làng có người lạ hoặc người ở làng khác đến chơi thì dân làng nhất định phải chờ cho khách ra khỏi làng và mọi thành viên trong làng mình tập trung đầy đủ thì mới rào. Bởi, nếu không chờ cho khách về thì khi rào làng xong họ sẽ không được ra khỏi cổng làng. Tất cả lối đi của làng từ đường đi rừng; đường đi rẫy; đường đi sang làng khác đều được làm cổng, xung quanh làng thì được bao bọc bằng dây lạt được chẻ từ cây nứa và treo thòng lọng. Các cổng phụ thì được làm đơn giản, riêng cổng chính thì được làm công phu hơn, được trang trí tượng giữ làng.
Tổ chức lễ rào làng và đặt tượng, già làng sẽ đứng tại cổng chính của làng khấn mời thần linh chứng giám phù hộ cho dân làng được khỏe mạnh, làm ăn được mùa, không để con ma vào phá làng, gây ốm đau, bệnh tật và cái chết cho dân làng. Đồng thời qua đây người dân trong mỗi cộng đồng thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm bảo vệ làng. Sau khi rào làng và đặt tượng, mọi thành viên trong làng không được ra ngoài và người ngoài cũng không được vào làng, vì làm vậy có thể mang đến những điều xấu, điều không may. Nếu vi phạm họ sẽ bị làng phạt.
Ông Bh’ling Hạnh cho biết thêm, từ xa xưa truyền lại, tượng giữ làng là hình thức trang trí thẩm mỹ của tổ tiên, ông bà Cơ Tu, mà nó còn có khả năng dò xét, xua đuổi ma quỷ, biết ai trong làng có cái bụng xấu, cái tâm không trong sáng. Thật kỳ lạ, khi những người xấu nhìn vào bức tượng sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, cảm giác bất an và có lẽ không dám đặt chân tới làng. Người làng khác khi đến làng người Cơ Tu thấy có tượng giữ làng phải kiêng dè, nể trọng. Vì thế, tượng giữ làng được xem là một biểu tượng thiêng liêng vững bền và đã ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của bao thế hệ người Cơ Tu.
SƠN GIA PHÚC