Bài chòi ở phố

QUỐC TUẤN 01/12/2018 04:10

Hình thức nào để khuyến khích kế thừa truyền thống diễn xướng dân gian? Chất xúc tác nào làm cho tình yêu và trách nhiệm bảo tồn nghệ thuật bài chòi ngày càng lan tỏa trong cộng đồng? Đó vẫn là nỗi trăn trở của những người yêu mến loại hình nghệ thuật này tại Đà Nẵng.

Hô hát bài chòi trong dịp lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Hô hát bài chòi trong dịp lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Chật vật “giữ lửa”

Rải rác trên địa bàn TP.Đà Nẵng vẫn còn những người am tường và gắn bó nhiều thập kỷ với bài chòi. Hiện nay, Đà Nẵng có tổng cộng 10 nhóm/đội, câu lạc bộ bài chòi nhưng trong đó có đến 7 nhóm tự phát không có sự hỗ trợ nào. Bà Ngô Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng thông tin: “Đối với các nhóm hô hát bài chòi tự phát, các thành viên đều có nghề nghiệp riêng, chủ yếu họ gia nhập vì yêu thích nên cũng chỉ biểu diễn ở các đợt lễ hội, tết ở địa phương. Họ phần lớn đều đã lớn tuổi và rất khó tìm được thế hệ trẻ đủ tố chất để duy trì hoạt động về sau này”. Đến nay, một “Liên hoan sân khấu dân ca bài chòi không chuyên” vẫn chỉ là nỗi khắc khoải của những ai tâm huyết với bài chòi tại Đà Nẵng.

“Khi chưa tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đi đâu cũng nghe hát dân ca bài chòi. Chương trình sân khấu truyền thanh vào tối thứ Bảy hàng tuần cũng phát chương trình sân khấu bài chòi. Thậm chí lãnh tụ các quốc gia ghé thăm địa phương cũng được thưởng thức bài chòi do các đội Thông tin lưu động biểu diễn” - nghệ nhân bài chòi Nguyễn Hữu Mai chia sẻ.

Về cơ bản, lực lượng nghệ nhân và người biết hô hát bài chòi ở Đà Nẵng vẫn còn trên dưới 200 người, có thể độc diễn bài chòi dân gian, chơi đàn bài chòi, làm anh hiệu... Được biết các bài bản, tích tuồng đang được truyền dạy tại địa phương gồm 4 điệu chính: xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò quảng. Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hô hát bài chòi Sông Yên nói: “Hiện các nội dung kịch bản vẫn sử dụng chủ yếu những câu hát cổ, những tác phẩm có sẵn để biểu diễn bởi gần như không có tác giả, người viết kịch bản để nội dung phong phú dễ đi vào lòng người mê thể loại này”. Theo ông Cao Tấn Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh TP.Đà Nẵng, để bảo tồn và phát huy di sản bài chòi thì cần phải bảo tồn không gian diễn xướng. “Không gian diễn xướng theo nghĩa hẹp là địa điểm cụ thể nơi diễn ra hô hát bài chòi, còn theo nghĩa rộng là bài chòi phải “sống” được trong không gian mà nó vốn thuộc về: hoạt động văn hóa - nghệ thuật dân gian truyền thống. Nghĩa là phải làm cho bài chòi thẩm thấu vào cộng đồng để ai cũng biết cách chơi, cách hô, cách hát. Hiện nay, chúng ta mới chỉ chú trọng đến không gian diễn xướng bài chòi theo nghĩa hẹp, chủ yếu để trình diễn và bảo tồn là chính”.

Tìm giải pháp quảng bá rộng rãi

Hiện nay cứ 3 tháng/lần, câu lạc bộ Sông Yên phối hợp với đội Thông tin lưu động của huyện Hòa Vang tổ chức biểu diễn dân ca, hô hát bài chòi ở 11 xã trên địa bàn huyện để phục vụ nhân dân. Còn tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, câu lạc bộ Sông Hàn cũng tổ chức hô hát bài chòi ở bờ đông Cầu Rồng (quận Sơn Trà) để đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với thị dân và du khách. Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết: “Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên đảm nhiệm biên soạn tài liệu và giảng dạy kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca khu V cho giáo viên, học sinh đến nay đã phổ biến tại 42 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố”.

Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, những người tâm huyết với bài chòi Đà Nẵng đã đóng góp không nhỏ để bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đơn cử như việc góp 2 tham luận quan trọng với đầy đủ tư liệu quý, có tính khoa học để bổ sung vào hồ sơ gửi UNESCO xem xét công nhận di sản bài chòi. Nhạc sĩ Trần Hồng - một trong 2 người Đà Nẵng thực hiện tham luận này cho rằng: “Việc được vinh danh là một niềm tự hào lớn nhưng lo hơn là làm sao giữ gìn và phát huy bài chòi đi sâu vào cộng đồng”. Ths. Đặng Thị Kim Thoa - Khoa Du lịch (Đại học Đông Á) đề xuất: “Cần khuyến khích hoặc yêu cầu các đơn vị lữ hành khi đưa ra các tour du lịch nên lồng ghép nội dung thưởng thức bài chòi tại các điểm tham quan hoặc gợi mở cho khách du lịch cùng tham gia loại hình nghệ thuật này tại các điểm du lịch hiện có”.

Theo nhạc sĩ Trần Hồng, Sở VH-TT Đà Nẵng cần xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm về bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. “Chúng ta có thể mời các nhà nghiên cứu, tác giả cùng xây dựng một chương trình (giáo án) có tính khoa học, sát thực với “Đặc trưng nghệ thuật bài chòi ở Quảng Nam Đà Nẵng” - ông Hồng gợi ý. Còn nghệ nhân Nguyễn Hữu Mai thì cho rằng: “Hiện nay số lượng người sáng tác lời bài chòi còn rất ít và tuổi đã cao; các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch phục dựng các vở kịch bài chòi kinh điển và khuyến khích ngành giáo dục tổ chức cuộc thi làm anh/chị hiệu “nhí” ở các trường”.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN