Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch miền núi: Cần hiểu và làm đúng để phát triển

XUÂN HIỀN 30/11/2018 02:25

Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) đang đứng trước rất nhiều nguy cơ phai nhạt. Vì vậy, UBND  tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” và “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”. Các dự thảo đề án khi đưa ra lấy ý kiến, phản biện xã hội để hoàn thiện trình Kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới đã nhận được nhiều góp ý từ người trong cuộc.

Các hoạt động trong đời sống hằng ngày - vốn tri thức bản địa, cũng đồng thời là bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi.    Ảnh: X.H
Các hoạt động trong đời sống hằng ngày - vốn tri thức bản địa, cũng đồng thời là bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi. Ảnh: X.H

TỪ GÓC NHÌN... DỰ THẢO

Hơn 106 tỷ đồng bảo tồn di sản

Dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” được xây dựng dựa trên sự phong phú, đa dạng của diện mạo văn hóa miền núi xứ Quảng với hơn 130 nghìn người đồng bào DTTS của 4 thành phần tộc người là Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng và Co đang sinh sống. Đối tượng áp dụng đề án là toàn bộ không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng các DTTS. Trong đó, ưu tiên cho việc bảo tồn, phát huy những di sản đang có nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp; những di sản có thể xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Phạm vi triển khai đề án thuộc các huyện miền núi có số lượng đồng bào DTTS chiếm số đông, gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và Hiệp Đức. Mục tiêu của đề án là huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của cộng đồng, lấy cộng đồng dân tộc các thôn làm chủ thể trong việc bảo tồn. Đồng thời, theo Sở VH-TT&DL - đơn vị được giao xây dựng dự thảo, đề án nhằm góp phần nêu bật sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn văn hóa, giữa công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch cộng đồng…

Hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án  “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các DTST tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức. Ảnh: NHƯ THỦY
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các DTST tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức. Ảnh: NHƯ THỦY

Theo đó, một trong những nội dung hỗ trợ của đề án là đầu tư xây dựng Làng truyền thống tại các xã, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, địa phương. Làng truyền thống được xây mới sẽ bao gồm không gian văn hóa làng, không gian trưng bày các giá trị văn hóa, không gian biểu diễn và hệ thống các công trình phụ trợ. Đối với nhà làng truyền thống của thôn sẽ được tận dụng các gươl, nhà rông và đầu tư hỗ trợ các không gian trưng bày, biểu diễn. Mức hỗ trợ với một Làng truyền thống xây mới là 5 tỷ đồng; hỗ trợ trưng bày không gian các nhà làng đã có sẵn là 3,5 tỷ đồng. Cùng với đó, đề án đưa ra mức hỗ trợ mua sắm cồng/trống chiêng cho 120 thôn và 8 trường phổ thông dân tộc nội trú với mức 60 triệu đồng/bộ.

Ngoài ra, hỗ trợ bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm truyền dạy kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch (100 triệu đồng/1 di sản/huyện/năm); hỗ trợ quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc (100 triệu đồng/huyện); phục dựng bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống (100 triệu đồng/huyện). Đối với hoạt động của các câu lạc bộ, đội nghệ thuật truyền thống sẽ được hỗ trợ hằng năm với mức 10 triệu đồng/câu lạc bộ. Cũng theo dự thảo đề án, việc đưa di sản văn hóa các DTTS vào giảng dạy tại trường phổ thông sẽ nhận mức hỗ trợ 200 triệu đồng/năm... Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 106 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn 2019 - 2020 và 2021 - 2025.

Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi

Cùng lúc với đề án về bảo tồn văn hóa các DTTS, Sở VH-TT&DL cũng đã xây dựng dự thảo đề án "Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025". Về sự cần thiết phải xây dựng đề án, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, ngoài những thế mạnh về địa hình khí hậu phù hợp với phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, mạo hiểm, việc đầu tư phát triển du lịch miền núi cũng nhằm để chia sẻ lượng khách đã quá tải tại các khu di sản như Hội An, Mỹ Sơn.

"Để tiếp tục phát huy những lợi thế về du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa miền núi, việc xây dựng đề án Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam đến năm 2025 là một nhiệm vụ cần thiết và ý nghĩa" - ông Tường chia sẻ.

Theo dự thảo đề án, sẽ có 6 nội dung được hỗ trợ, với nguyên tắc mỗi điểm du lịch chỉ được ngân sách hỗ trợ 1 lần. Trường hợp được hỗ trợ là các khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển và kết nối thành tuyến; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn 9 huyện miền núi. Trong đó, đề án hướng đến đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng bằng cách mở các đợt tập huấn, với mức kinh phí hỗ trợ thực hiện khoảng 5 tỷ đồng; công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các điểm du lịch cũng sẽ được hỗ trợ ở mức 13 tỷ đồng. Riêng việc đầu tư hạ tầng tại các điểm, khu du lịch, bao gồm hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng, biển báo hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng phòng lưu trú chiếm kinh phí lớn nhất với mức hơn 87 tỷ đồng. Dự thảo đề án còn tính đến việc hỗ trợ 4 tỷ đồng để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm; triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực với tổng mức kinh phí dự trù khoảng 7,4 tỷ đồng và hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gần 5 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án lên đến hơn 121 tỷ đồng cho 20 điểm du lịch.

DU LỊCH CHƯA DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG

Ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, đừng làm du lịch miền núi theo kiểu phần vỏ thì có mà phần ruột thì rỗng. Lấy ví dụ từ Làng truyền thống Tây Giang, ông Bằng nói, đây giống như một ngôi làng “mồ côi” vì thiếu hơi ấm, thiếu bếp lửa, thiếu nếp sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu. “Ở Đông Giang đã xuất hiện tình trạng làm nhà làng truyền thống nhưng phải xuống Hội An mua lá dừa nước về lợp. Khi làm du lịch miền núi phải xác định lấy yếu tố gốc là phát huy từ văn hóa bản địa của cộng đồng, chứ không phải dựng lên những khu du lịch thật đẹp nhưng vô hồn” - ông Bằng nói.

Các hoạt động trong đời sống hằng ngày - vốn tri thức bản địa, cũng đồng thời là bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi. Ảnh: X.H
Các hoạt động trong đời sống hằng ngày - vốn tri thức bản địa, cũng đồng thời là bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi. Ảnh: X.H

Cũng như vậy, lấy thực tế từ địa phương và cộng đồng đồng bào người Co của mình, nhạc sĩ Dương Trinh nói, lâu nay văn hóa đã có nhiều nghị quyết rồi đầu tư phục hồi, nhưng lại mang tính  dàn trải, kể cả du lịch miền núi cũng hoạt động không hiệu quả. Đồng bào không được mấy người đi học về văn hóa. Vai trò về văn hóa quần chúng đang mất dần, nếu đồng bào đi học thì lại học về quản lý văn hóa hoặc du lịch.  

“Ai cũng học về du lịch, nhưng nếu không có điểm văn hóa thì làm thế nào để du lịch? Nguồn nhân lực thiếu hụt lớn, trong khi đó, ở các khu tái định cư, nhà làm ra đồng bào không ở vì đó không phải là nhà theo văn hóa của họ” - nhạc sĩ Dương Trinh nói. Theo ông Trinh, khi muốn lấy du lịch làm kinh tế chủ lực cho bà con, thì phải giúp họ biết cách đứng ra giao lưu, buôn bán, tham gia hoạt động dịch vụ để cải thiện thu nhập cho mình. Để họ hiểu là bản thân họ đang làm du lịch dựa trên bản sắc của mình, chứ không phải mình chỉ là người biểu diễn phục vụ.

Dù mang yếu tố chia sẻ áp lực du lịch cho các khu di sản cũng như tận dụng lợi thế bản địa ở miền núi, nhưng khi phát triển du lịch miền núi, cần phải tính toán đến rất nhiều yếu tố, trong đó tôn trọng các yếu tố văn hóa gốc, không để du lịch “xâm lăng” văn hóa dẫn đến các biến dạng trong đời sống đồng bào là điều nhiều người lo lắng. TS. Mai Thanh Sơn nói, từ các tri thức, làm sao để lượng hóa được những vốn văn hóa của đồng bào miền núi, từ đó mới khiến mục tiêu  biến văn hóa thành vốn phát triển, vốn kinh tế của đồng bào miền núi thành hiện thực. Và mọi điều, đều cần phải xuất phát từ thực tế, từ chính cộng đồng làng đang dần mất đi ở các địa phương miền núi, mới mong việc đầu tư hỗ trợ không rơi vào tình trạng lãng phí.

BẢO TỒN VĂN HÓA PHẢI SÁT THỰC TẾ

Rất nhiều góp ý từ những nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các già làng, trưởng bản để dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” sát với thực tế hơn.

Việc đầu tư xây dựng nhà làng cần khảo sát nhu cầu của cộng đồng địa phương.  TRONG ẢNH: Nhà sinh hoạt truyền thống tại xã Đắc Ôốc (Nam Giang). Ảnh: X.H
Việc đầu tư xây dựng nhà làng cần khảo sát nhu cầu của cộng đồng địa phương. TRONG ẢNH: Nhà sinh hoạt truyền thống tại xã Đắc Ôốc (Nam Giang). Ảnh: X.H

Những lỗ hổng

Nhà nghiên cứu dân tộc học - TS. Mai Thanh Sơn tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức mới đây chia sẻ, cần xác định rằng bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS miền núi phải gắn với rừng, với quyền điều hành và sử dụng rừng. “Nếu xét trên bình diện sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tộc người, hiện nay vốn văn hóa của các tộc người thiểu số đã bị mất đi rất nhiều. Sự sáng tạo/thụ hưởng/trao truyền các giá trị văn hóa tộc người vốn dựa trên 3 điểm tựa căn bản: tự nhiên, cộng đồng thôn làng, ngưỡng hành vi. Đáng tiếc, cả 3 điểm tựa đó đã cơ bản bị triệt tiêu. Và vì thế, họ không còn điều kiện để sáng tạo và hưởng thụ văn hóa truyền thống theo cách của họ. Một thời gian dài, các giá trị văn hóa truyền thống của họ bị coi là cổ hủ/lạc hậu/cần phải loại bỏ, do đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã mai một, khó có khả năng phục hồi/tái tạo” - TS. Mai Thanh Sơn nói.

Cũng theo TS. Mai Thanh Sơn, vốn văn hóa là những gì đồng bào đã có, đang có, như nghề truyền thống, cây trồng bản địa, chứ không chỉ có cồng, chiêng hay trang phục. “Thổ cẩm của người Cơ Tu đã vượt ra biên giới quốc gia để tham dự các cuộc trưng bày, triển lãm tại châu Âu. Cây sâm Ngọc Linh cũng như vậy. Phải nghĩ thoát ra rằng đồng bào DTTS không chỉ có cồng chiêng hay trang phục, mà vốn văn hóa còn có một lượng lớn tri thức bản địa về sản xuất, sinh kế của họ. Do đó đề án cần phải rộng ra hơn về việc nhìn nhận vốn liếng văn hóa của đồng bào” - TS. Mai Thanh Sơn nói.

Cũng như vậy, về việc dự thảo đề án nêu lên chuyện “bảo tồn các lễ hội tiêu biểu”, TS. Mai Thanh Sơn thắc mắc rằng như thế nào mới là lễ hội tiêu biểu, và “huy động cộng đồng tham gia bảo tồn” thì phải làm rõ cộng đồng tham gia từ khâu nào; xác định yếu tố ra sao mới được gọi là làng truyền thống...

Đồng quan điểm trên, TS. Trần Tấn Vịnh (Trường Đại học Quảng Nam) nói, dự thảo đề án chưa nêu rõ việc hỗ trợ bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể làm nên kho tàng di sản đặc sắc của các tộc người. Ngoài các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các dân tộc miền núi Quảng Nam còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh hoa, bản sắc tộc người, đó là lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình... Theo ông Vịnh, dự thảo đề án mới chỉ đề cập việc hỗ trợ phục hồi các lễ hội truyền thống và mỗi huyện chỉ phục dựng một lễ hội tiêu biểu trong mỗi giai đoạn, như vậy là thiếu quan tâm đến các loại hình di sản khác...

Trăn trở từ người miền núi

Góp ý vào việc phân kỳ đầu tư và định mức hỗ trợ trong nội dung dự thảo đề án bảo tồn văn hóa miền núi, TS. Lê Anh Tuấn - Phân viện phó Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế nói, nội dung hỗ trợ còn nhiều bất hợp lý, nặng về việc xử lý kinh phí, thiếu căn cứ và không bền vững. Cụ thể: Con số thống kê 333 làng chưa có cồng chiêng là thiếu thực tế; từ đó đề xuất trang bị cho mỗi làng một bộ (và 8 trường học) là không khả thi và không hiệu quả khi chưa khảo sát thực tế về nhu cầu của từng làng, thôn. Việc hỗ trợ 68 câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống là quan điểm chủ quan, cào bằng, thiếu tính khoa học. Hơn nữa, dự thảo đưa ra lộ trình trong giai đoạn 2019 - 2020 hỗ trợ cho 21 câu lạc bộ, giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ 47 câu lạc bộ khác; như vậy sẽ có 47 câu lạc bộ không được hỗ trợ trong 2 năm đầu và 21 câu lạc bộ không được hỗ trợ trong 5 năm tiếp theo, điều này khó khả thi và không bền vững. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng của đề án là xây dựng làng truyền thống, tuy nhiên dự thảo cho thấy việc chuẩn bị chưa chu đáo, thiếu căn cứ thực tiễn, khoa học và không khả thi. Nội hàm xây dựng làng truyền thống mà dự thảo đề án nêu chưa thực sự rõ và còn khá đơn giản, nhất là chưa cụ thể những hạng mục cần phải đạt được sau đầu tư; thiếu sự liên kết với làng văn hóa, làng định canh định cư, làng thanh niên lập nghiệp, làng tái định cư thủy điện...(Như Thủy ghi)

Tại hội nghị tham vấn cộng đồng ở 2 huyện miền núi Đông Giang và Bắc Trà My do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức lấy ý kiến của 40 già làng, trưởng bản đến từ 7 huyện miền núi góp ý vào dự thảo đề án cũng đã vỡ vạc nhiều trăn trở. Hầu hết già làng đều phấn khởi với chủ trương phục hồi khẩn cấp vốn văn hóa miền núi bởi đã có rất nhiều sự mai một; tuy nhiên đối với nội dung dự thảo đề án, nhiều người tỏ ra thiếu niềm tin. Các già làng cùng chung quan điểm rằng dự thảo đề án chưa nêu được đặc trưng cụ thể của từng nhóm dân tộc, nội dung xây dựng chưa xuất phát từ nhu cầu cần thiết, thực tế ở cơ sở. “Dự thảo đề án chỉ nêu vấn đề hỗ trợ kinh phí mua sắm, xây dựng là chủ yếu, trong khi mỗi nhóm dân tộc hiện nay có nhu cầu khác nhau, bảo tồn và phát huy văn hóa khác nhau. Nên chăng cần rà soát lại ngay ở các thôn, bản, tham khảo ý kiến của nghệ nhân để có cơ sở đánh giá đúng hiện trạng thực chất, nhu cầu của từng nhóm dân tộc, từng làng, từng bản để đầu tư cho chính xác, trọng điểm” - một già làng đến từ huyện Đông Giang góp ý.

Đa số già làng cho rằng, nhu cầu bức thiết hiện nay là sưu tầm các loại hình văn hóa dân gian của 4 nhóm dân tộc; cần có cơ chế chính sách cho nghệ nhân để họ truyền bá, hướng dẫn từng loại hình nghệ thuật cho dân tộc mình thông qua các loại hình câu lạc bộ gắn với tính bản địa. Nhạc sĩ Dương Trinh - dân tộc Co cho rằng, phải để các mô hình này cho người dân tự quản, tự truyền, và việc này đưa vào học đường ở đồng bằng còn có thể hiệu quả chứ trường học miền núi không thể nào làm được như dự án đã nêu. Trong khi đó, điều cần gắn với học đường hiện nay là một số nhóm dân tộc có tiếng nói, chữ viết đã mai một, do vậy cần đầu tư, sưu tầm, giảng dạy trong trường học; và việc này nên giao lại cho địa phương gắn với nhà trường thực hiện. Một số già làng của huyện Tây Giang cho rằng, dự thảo đề án mới chỉ chú trọng hỗ trợ kinh phí mua sắm, xây dựng các hạng mục, trong khi vấn đề cấp thiết là hỗ trợ cho nghệ nhân để họ truyền dạy di sản văn hóa cho thế hệ sau, cũng như việc thống kê danh mục di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào miền núi, khảo sát cộng đồng, địa phương... lại mờ nhạt.

Thêm vào đó, nhiều đại diện miền núi cho rằng, việc mua sắm, xây dựng phải xuất phát từ nhu cầu cơ sở, đừng để xảy ra tình trạng nhu cầu một đường lại cấp phát một nẻo nên không phát huy được hiệu quả. Từ nhiều góp ý của người dân địa phương, Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, dự thảo đề án hỗ trợ bảo tồn văn hóa cần rà soát lại từ thực tế của cơ sở để tránh việc tổ chức không hợp lý, lãng phí và không thực hiện được các mục tiêu bảo tồn.

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN