Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Làm mặt nạ phải có tấm lòng

QUỐC TUẤN 24/11/2018 04:02

(QNO) - Sáng 23.11, tại Bảo tàng Đà Nẵng diễn ra chương trình "Nghệ nhân trao truyền" với sự tham gia của nghệ nhân Bùi Quý Phong (TP.Hội An) cùng hơn 30 sinh viên Khoa Kiến trúc Đại học Duy Tân Đà Nẵng.

Nghệ nhân Bùi Quý Phong tham gia chương trình vào sáng 23.11 tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Nghệ nhân Bùi Quý Phong truyền đạt nghệ thuật làm mặt nạ tại chương trình. Ảnh: Q.T

Chương trình diễn ra nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11) để tôn vinh, bảo tồn, phát huy và truyền dạy văn hóa truyền thống của xứ Quảng đến thế hệ trẻ muốn tiếp cận. Tại đây, nghệ nhân Bùi Quý Phong đã chia sẻ nhiều tâm tư cũng như giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ về nghề làm mặt nạ truyền thống.

Điều phân biệt hẳn hoi mặt nạ giấy truyền thống với mặt nạ nhựa nằm ở đôi mắt, đôi mắt của mặt nạ giấy truyền thống tạo ra thần thái riêng trong khi mặt nạ nhựa lại không có điều này. "Ngoài ra, điều quan trọng không kém với những người làm mặt nạ truyền thống là phải tuân theo quy tắc âm dương và không vượt quá 5 màu chủ đạo: đỏ, đen, trắng, vàng đậm, xanh lá cây" - nghệ nhân Bùi Quý Phong chia sẻ.

Hướng dẫn các bạn trẻ về cách phân biệt mặt nạ tuồng và mặt nạ dân gian. Ảnh: Q.T
Điều quan trọng khi làm mặt nạ truyền thống là phải tôn trọng quy luật âm dương. Ảnh: Q.T

Phân tích về sự khác nhau giữa mặt nạ tuồng và mặt nạ dân gian, nghệ nhân Bùi Quý Phong cho rằng: "Mặt nạ dân gian tươi trẻ hơn, đưa những thông điệp gần gũi giàu chất nhân văn đến cộng đồng và đặc biệt khi vẽ mặt nạ dân gian không đưa những điều dữ, điều ác vào nó".

Đằng sau mỗi mặt nạ là một tâm hồn và không có mặt nạ nào giống mặt nạ nào. Mỗi mặt nạ mang trong mình một câu chuyện thấm đẫm cảm xúc, như câu chuyện về khuôn mặt người phụ nữ mặt sạm lại vì chờ chồng đi biển dài ngày hồn treo cột buồm mà nghệ nhân Đặng Quý Phong muốn mô tả về lòng thủy chung của người vợ.

Nghệ nhân Bùi Quý Phong trao đổi với một sinh viên. Ảnh: Q.T
Nghệ nhân Bùi Quý Phong trao đổi với một sinh viên. Ảnh: Q.T

Theo nghệ nhân Bùi Quý Phong, những người đã theo nghề làm mặt nạ phải có sự tách bạch trong thiết kế để không lẫn lộn với văn hóa ngoại lai và cũng là để xây dựng niềm tự hào cho dân tộc. Ông nói: "Tôi luôn mong muốn trao truyền cho những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật mặt nạ để một nét văn hóa đẹp đẽ của cha ông ngày càng phát triển hơn".

Sinh viên hào hứng tham gia vẽ mặt nạ dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Bùi Quý Phong. Ảnh: Q.T
Sinh viên hào hứng tham gia vẽ mặt nạ dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Bùi Quý Phong. Ảnh: Q.T

Nghệ nhân Bùi Quý Phong cho biết thêm, nhờ vào du lịch phát triển mạnh tại Hội An, ông đã sống được với nghề và hạnh phúc khi có một không gian riêng về mặt nạ truyền thống. Tuy nhiên vẫn còn đau đáu về việc phát triển nghề cho mai sau. "Tôi đi nhiều nơi thấy người ta chỉ làm mặt nạ trẻ em chơi với giá rất rẻ mà chưa chú trọng đến việc nâng tầm nó để phát huy tinh hoa của thế hệ trước, và cũng là để nghệ nhân sống được với nghề" - nghệ nhân Bùi Quý Phong bộc bạch.

Sinh viên kiến trúc tập vẽ mặt nạ tại chương trình. Ảnh: Q.T
Sinh viên kiến trúc tập vẽ mặt nạ tại chương trình. Ảnh: Q.T

Khi một sinh viên thắc mắc về những phẩm chất cần hội tụ để trở thành một người thợ vẽ mặt nạ lành nghề, nghệ nhân Bùi Quý Phong không ngần ngại khẳng định: Tấm lòng là yếu tố cốt yếu. "Tôi vẽ mặt nạ 40 năm qua là bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình để không có mặt nạ nào trùng lặp nhau. Đây cũng là tiền đề để tôi gắn bó với nghề đến hôm nay" - ông nói.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN