Trăn trở trùng tu di tích

QUỐC TUẤN 22/11/2018 01:54

Thời gian qua, công tác quản lý, tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dấu ấn đáng kể, tuy nhiên vai trò của xã hội hóa trong lĩnh vực này vẫn còn rất mờ nhạt.

Dù đã có phương án bố trí vốn nhưng do vướng mắc mặt bằng nên chưa thể trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương. Ảnh: Q.T
Dù đã có phương án bố trí vốn nhưng do vướng mắc mặt bằng nên chưa thể trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương. Ảnh: Q.T

Thực hiện Quyết định 3486/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành năm 2015, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh, nhất là các di tích đang bị xuống cấp đã có sự hỗ trợ, can thiệp bài bản và hiệu quả. Theo số liệu của Sở VH-TT&DL, sau 3 năm (2016 - 2018) triển khai, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 40,7/80 tỷ đồng đạt 50,9% kế hoạch vốn bố trí cho đề án trùng tu, tu bổ di tích. Dự kiến đến hết năm 2018 có 5 di tích cấp quốc gia và 100 di tích cấp tỉnh được bố trí vốn tu bổ và dựng bia di tích.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, điều đáng mừng là từ năm 2011 đến nay không có di tích bị hủy hoại hay sụp đổ. Đặc biệt, trong quá trình tôn tạo, tu bổ, các đơn vị chức năng đã linh động giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách để bảo vệ giá trị của di tích. Đơn cử như di tích cấp tỉnh vụ thảm sát Phước Châu (huyện Thăng Bình) theo kế hoạch đến năm 2020 mới được bố trí vốn tu bổ nhưng do di tích có nguy cơ hư hại nặng nên từ năm 2016 HĐND tỉnh đã bố trí kinh phí tu bổ khẩn cấp. Với di tích căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam (tại huyện Tiên Phước) dù theo Đề án được bố trí vốn tới 10 tỷ đồng để trùng tu (từ năm 2017 - 2020) nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai, do khi khảo sát trong phạm vi di tích không còn yếu tố gốc, chỉ còn nền một số phế tích vì vậy năm 2015 - 2016 ngân sách tỉnh đã bố trí kinh phí xây dựng nhà bia và hỗ trợ xây dựng tuyến đường vào khu di tích.

Tính đến tháng 9.2018, Quảng Nam có 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 61 di tích cấp quốc gia, 331 di tích cấp tỉnh gồm các loại: khảo cổ học, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh thắng.

Riêng di tích Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình), dù đã có phương án bố trí vốn tu bổ từ năm 2016 nhưng do vướng mắc về mặt bằng nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Dự kiến, trong năm 2019 tiến hành khai quật và trùng tu di tích này. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng nói: “Một số ít di tích cấp tỉnh khác nằm trong danh sách tu bổ và sẵn sàng vốn nhưng chậm tu bổ do hồ sơ tu bổ di tích khá phức tạp, trong khi địa phương có di tích đó chưa nhiều kinh nghiệm nên gặp vướng mắc. Ngoài ra, một số di tích thuộc sở hữu tư nhân, nhưng nhận thức và lợi ích của các chủ di tích nhiều lúc không thống nhất dẫn đến khó khăn trong lập hồ sơ bảo tồn”.

Tuy công tác trùng tu di tích thời gian qua có nhiều thuận lợi nhưng điều mà những người quản lý lĩnh vực này trăn trở là việc chưa thể kêu gọi được xã hội hóa mạnh mẽ từ cộng đồng để chung tay bảo tồn và phát triển hệ thống di tích. Đơn cử như di tích sự kiện Hầm Hấn (huyện Duy Xuyên), để phục dựng nguyên trạng yếu tố gốc cần kinh phí hơn 3 tỷ đồng nhưng ngân sách tỉnh chỉ có 400 triệu đồng nên số tiền 2,6 tỷ đồng còn lại không thể cân đối. Hay như di tích Núi Chùa Quảng Phú (Tam Kỳ) để phát huy giá trị cần đầu tư đồng bộ với kinh phí rất lớn, khó khả thi trong điều kiện ngân sách nên cũng đang đề xuất xã hội hóa đầu tư theo hướng hình thành khu du lịch tâm linh. Ông Phan Văn Cẩm thông tin, các nơi khác vấn đề xã hội hóa trong trùng tu di tích rất phổ biến tuy nhiên ở địa phương còn hạn chế và chủ yếu chỉ trông chờ vào ngân sách là chính.

 QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN