Giữ bản sắc văn hóa vùng Trung Bộ
Dải đất miền Trung vốn có nguồn “nguyên liệu” văn hóa đa dạng từ dân tộc, làng nghề đến ẩm thực… Bảo tồn và phát huy đúng mức văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực này vẫn là câu chuyện dài hơi cần những định hướng chiến lược và cả sự vào cuộc thực tế. Hội thảo “Văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung Bộ” do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức tại TP.Đà Nẵng ngày 6.11 đã thảo luận, phân tích nhiều “nội hàm” của văn hóa khu vực Trung Bộ.
Nhiều lễ hội văn hóa ở khu vực Trung Bộ trở thành sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách. Ảnh: Q.TUẤN |
Nhận thức đúng vai trò của văn hóa
Tham dự hội thảo, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng: “Ngay từ tiêu đề của hội thảo đã cho thấy nhận thức văn hóa sẽ song hành với sự phát triển của kinh tế - xã hội chứ không chỉ lấy văn hóa làm nền tảng”. Còn theo PGS-TS. Nguyễn Ngọc Hòa - cán bộ Học viện Chính trị khu vực III, bên cạnh những mặt tích cực, lối sống, quán tính văn hóa truyền thống của cư dân miền Trung vẫn còn nhiều nếp khá tiêu cực ăn sâu vào sinh hoạt thường nhật cần phải thay đổi để phù hợp với thời đại. “Cộng đồng cư dân ven biển miền Trung lấy biển làm nguồn sống, là bạn đồng hành trong cuộc sống mưu sinh nên tính “cộng sinh” với tự nhiên ấy khiến nhiều nơi có thói quen phóng uế, xả rác thải gây ô nhiễm môi trường” - ông Hòa ví dụ.
Biển là nhân tố gắn chặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nên những năm gần đây, chính quyền địa phương các tỉnh, thành duyên hải Trung Bộ đang tích cực phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng của cư dân ven biển thông qua hình thức gắn kết với phát triển du lịch. Phổ biến nhất là việc tổ chức sự kiện văn hóa qua đó quảng bá hình ảnh đặc trưng của địa phương mình như: lễ hội bánh chưng, bánh dày ở biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” (Đà Nẵng), lễ đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Ngoài ra, trong khu vực cũng đã bước đầu tổ chức được những làng biển bích họa ở Cảnh Dương (Quảng Bình), Tam Thanh (Quảng Nam) đóng góp hiệu quả vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều đại biểu nhận định, cộng đồng địa phương chính là lực lượng mấu chốt để quyết định việc bảo tồn của văn hóa, tín ngưỡng trước tác động của thời đại.
Tránh khai thác triệt để
Nhiều tỉnh, thành ở khu vực duyên hải miền Trung có thế mạnh về phát triển du lịch, trong đó hầu hết chú trọng khai thác thành tố văn hóa để tạo ra nét đặc sắc thu hút du khách. Sự chuyển biến mạnh mẽ của kinh tế các địa phương trong khu vực có dấu ấn không nhỏ của văn hóa, tuy nhiên khai thác vốn văn hóa hợp lý vẫn là câu chuyện thời sự. Ông Hồ Tấn Cường nêu vấn đề: “Trong điều kiện hiện tại mà mỗi ngày Cù Lao Chàm đón hơn 3.000 khách du lịch thì có còn là phát huy nữa không hay đã chuyển thành khai thác triệt để?”. Còn theo Ths. Nguyễn Thị Thanh Xuyên - đến từ Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, các nghiên cứu về du lịch trong thời gian qua thường quan tâm đến khía cạnh vĩ mô mà ít chú ý đến trải nghiệm và quá trình tái kiến tạo của cá nhân trong cộng đồng chủ và khách.
Một điểm đáng chú ý khác được nêu ra tại hội thảo là việc một số cộng đồng dân tộc thiểu số dù có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương nhưng lại tỏ ra không mặn mà với chính văn hóa của mình mà trang phục truyền thống của đồng bào thiểu số là một điển hình. Ông Hồ Tấn Cường thông tin thêm: “Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác đã và đang thực hiện bố trí, sắp xếp lại cư dân đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi lần tác động đến quần thể cư dân của đồng bào cũng cần quan tâm đến việc bảo tồn, văn hóa kiến trúc của họ”. Còn theo TS. Phú Văn Hẳn - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, các địa phương trong vùng cần tăng cường sưu tầm, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc truyền thống đang dần mai một, các công cụ lao động, lễ hội truyền thống… điều này phục vụ rất tốt cho việc phát triển bền vững và đa dạng du lịch văn hóa trong tương lai.
QUỐC TUẤN