Thêm đôi ba cách giữ tuồng
Vẫn còn đó những người yêu mê tiếng trống chiến, trống chầu. Vẫn ở đó những lớp nghệ sĩ khởi từ những nhà hát chuyên nghiệp, hay họ - chỉ là nông dân chân lấm tay bùn, nhưng vẫn trọn một lòng với từng chi tiết của tuồng. Hẳn, tuồng vẫn là một bộ môn nghệ thuật ăn sâu vào đời sống của người xứ Quảng…
Nghệ thuật tuồng chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống cũng như là các giá trị nghệ thuật đỉnh cao... |
Một cuộc hội thảo để khẳng định những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật tuồng vừa được ngành văn hóa tổ chức hồi tuần qua, ngõ hầu góp thêm những tiếng nói nhằm tìm phương cách bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này…
Niềm tin
Cụ ông Nguyễn Quỳnh – Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên, kể câu chuyện về một đêm diễn của Đoàn Tuồng Sông Thu và một số em năng khiếu trong chương trình “Sân khấu học đường” của huyện Duy Xuyên. Ông nói, mình vẫn còn nhớ mãi một khán giả ở thôn Mậu Hòa (xã Duy Trung), ngồi xem tuồng, thấy diễn viên diễn hay quá, muốn vãi tiền lên sân khấu để thưởng nhưng trong túi lại không có, vậy là họ lập tức chạy về nhà bắt ngay cặp vịt chạy lên sân khấu tặng cho diễn viên. “Có rất nhiều trường hợp cảm động như vậy, bởi tuồng thật sự như là cơm ăn, nước uống đối với người dân mình” - cụ ông Nguyễn Quỳnh bồi hồi.
“Chúng ta cần kêu gọi các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết và cả sự quan tâm của lãnh đạo ban, ngành liên quan chung sức bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng. Cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho tuồng, phát triển hoạt động nghệ thuật tuồng không chuyên; có chính sách đãi ngộ, đối với nghệ sĩ, diễn viên tuồng; đưa nghệ thuật tuồng cùng các nghệ thuật sân khấu truyền thống khác thành sản phẩm du lịch để tuồng lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân và bạn bè quốc tế. Chúng tôi đang xúc tiến cùng với tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ kiến nghị UNESCO công nhận nghệ thuật tuồng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để bảo tồn và phát huy bộ môn này”. (GS-TS. Trương Quốc Bình) |
Lần gặp lại NSND Trần Đình Sanh – Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, ông vẫn giữ cho mình tình yêu nguyên vẹn với tuồng cổ: “Tuồng kỳ lạ lắm, là sân khấu đấy, nhưng cũng là không gian của cuộc đời. Nó phô bày mọi thứ. Hay, dở, xấu, tốt… được phân định rõ ràng. Người đi xem tuồng là xem những chuyện đã xảy ra rồi, đã thuộc rành rẽ cả rồi, nhưng phải xem, để coi cái anh kép, ả đào kia diễn như thế nào. Nên người diễn tuồng, tưởng đơn giản, hóa ra lại vô cùng khó. Phải phơi bày những nếm trải, phải đủ sắc sảo và kiêu hãnh, phải vừa vặn với tâm thức thời đại mình, phải đau, phải bi đến độ quỵ ngã, nhưng khi cần thì phải oai, phải bừng bừng uy lực trước vận mệnh của đất nước…”.
“Cái đẹp, cái trữ tình trong văn chương của tuồng làm tỉnh lại những ai đó có phút xao lòng về sự tồn vong của tuồng. Tôi tin rằng, một điều bất di bất dịch, hát bội là bản sắc văn hóa dân tộc, là hồn cốt văn hóa truyền thống của vùng đất xứ Quảng này, nó là thứ đặc sản, vừa là vật thể, vừa phi vật thể, như mỳ Quảng vậy, gần nó mà không thưởng thức nó, thì lại nhớ, lại mong, lại thiết tha. Nên sẽ vẫn còn đó lâu dài nghệ thuật tuồng xứ Quảng” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Hương Việt chia sẻ thêm.
Giữ tuồng
Bằng niềm mê đắm những trích tuồng cổ, những hồi trống chầu, những giai điệu xưa, họ - bằng nhiều cách, đã để tuồng không bị chìm vào quên lãng. Dẫu chỉ đôi ba lần gióng lên tiếng trống trong cả năm dài, nhưng một khi người dân quê còn yêu tuồng, còn muốn nghe tuồng, thì tuồng sẽ không lụi tàn. Cụ Nguyễn Quỳnh nói tuồng từ xưa đã gắn với những ngôi làng nên nó sống trong làng. Chỉ ở hai vùng Duy Xuyên, Quế Sơn, đã có đến hơn 20 câu lạc bộ, đội, nhóm diễn và hát tuồng. Hội bảo trợ Tuồng Duy Xuyên ra đời đầu tiên ở Quảng Nam, đã ngót nghét 30 năm. Chừng ấy năm, nhiều lớp người trẻ trưởng thành, có em là diễn viên chuyên nghiệp, có em không theo tuồng, nhưng ở đó, điều quý giá nhất được lan truyền. “Chỉ cần các em biết yêu quý tuồng, biết trọng cái vốn văn hóa truyền thống của mình, biết cách giữ tư thế ngồi xem một đêm diễn tuồng thì đã là một sự thành công. Nên tôi nghĩ, nhất thiết phải có hướng đi đưa tuồng vào trường học, chương trình “sân khấu học đường” cần phải được phát triển mạnh hơn nữa. Bởi hiện nay, trong nhân dân, lực lượng nghệ nhân đã phần lớn có tuổi, sức khỏe có hạn, dù họ có hát hay chừng nào đi nữa thì vẫn không thể đảm bảo vai diễn thành công được” - cụ Nguyễn Quỳnh nói thêm.
NSND Nguyễn Xuân Hợi cho biết, để nghệ thuật tuồng đến gần hơn với thế hệ trẻ, cần phải giúp họ hiểu hơn về đặc trưng của loại hình nghệ thuật này, bằng cách phải tăng cường tuyên truyền giới thiệu, quảng bá. “Tôi nghĩ cần quan tâm hơn tới các hội thi, hội diễn, liên hoan. Đây sẽ điểm mốc để tuồng không chuyên chú trọng vào đầu tư chất lượng, nâng cao sự hiểu biết cũng như sẽ làm người dân yêu hơn bộ môn này. Quảng Nam cần phải xây dựng một đội ngũ những người biểu diễn để hình thành một đoàn tuồng chuyên nghiệp” - NSND Nguyễn Xuân Hợi nói.
Năm 2015, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã thực hiện chương trình đưa tuồng xuống phố, với các buổi biểu diễn vào cuối tuần ở bờ đông sông Hàn. Ngay sau đó, năm 2016, Hội An cũng bắt đầu khơi mở các chiếu tuồng tại một số tuyến phố, cũng như thành lập lớp truyền vai tuồng cổ cho các em lứa tuổi thiếu niên. Thế nhưng các chiếu tuồng do 2 nghệ nhân Lê Phú Hải và chị Hồ Thị Ánh Hoa vắng dần do số lượng khán giả tham dự ít ỏi. Cũng như vậy, các CLB tuồng đang hoạt động ở các huyện thị luôn kêu khó vì thiếu kinh phí sắm phục trang, đạo cụ cũng như tổ chức biểu diễn.
Hẳn con đường giữ tuồng, không phải chỉ cần có tình yêu quý…
SONG ANH