Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Lòng vòng tìm đường đi

Thực hiện chuyên đề: SONG ANH – VĨNH LỘC 28/10/2018 01:22

Dẫu đã có rất nhiều cuộc bình xét lẫn tham gia các dự án khôi phục, nhưng đường hướng phát triển của sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp vẫn còn khá luẩn quẩn. Bắt đầu từ đâu, đi theo hướng nào, như thế nào để kết nối cùng thị trường du lịch… luôn là dấu hỏi từ phía người làm nghề.

Gốm đỏ được Hội An lựa chọn là sản phẩm chủ đạo để phát triển thị trường.Ảnh: ANH LỘC
Gốm đỏ được Hội An lựa chọn là sản phẩm chủ đạo để phát triển thị trường.Ảnh: ANH LỘC

LOAY HOAY TÌM CHỖ ĐỨNG

Chỉ có 50% sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hội An là nguồn hàng sản xuất tại địa phương. Trong khi đó, tại các cơ sở sản xuất ở rất nhiều làng nghề, hàng ngàn sản phẩm mỹ nghệ lưu niệm dồn vào góc xưởng vì không bán được. Thị trường của dòng sản phẩm này tại Quảng Nam hầu như là một khoảng không… dù đã có rất nhiều dự án từ chính quyền lẫn các tổ chức quốc tế.

Đánh mất thị trường

Câu chuyện về sản phẩm truyền thống làng nghề chật vật tìm đầu ra hẳn đã quá cũ. Dù bằng rất nhiều phương kế, tham gia nhiều cuộc hội chợ, hội thảo, triển lãm, nhưng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn rất khó để có thị trường ổn định. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ con số thống kê toàn tỉnh có 44 làng nghề (gồm cả làng nghề truyền thống) với tổng cộng 3.005 cơ sở sản xuất tham gia hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 6.000 lao động tại nhiều nơi với mức thu nhập bình quân dao động từ 2 đến 6 triệu đồng/người/tháng.“Tuy nhiên số cơ sở sản xuất vừa nêu chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như trồng rau củ quả, chế biến nước mắm, hải sản, làm hương, bánh tráng, phở sắn, dệt vải, dệt thổ cẩm, dệt chiếu cói, gốm sứ, gỗ gia dụng, mây tre đan, chổi đót, rèn, đóng tàu... Mặc dù những năm qua UBND tỉnh cùng chính quyền một số địa phương đã ban hành không ít cơ chế nhằm tạo đòn bẩy cho việc khôi phục, phát triển các làng nghề và làng nghề truyền thống nhưng thực tế cho thấy lĩnh vực này vẫn chưa thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ” - ông Muộn nói.

Ngay tại Hội An - nơi được cho là thiên đường của sản phẩm thủ công truyền thống, nhưng khảo sát ngay trong tháng 9.2018 từ tổ chức JICA, các sản phẩm được bày bán tại Hội An quá nửa là hàng từ các địa phương khác, hàng nước ngoài hay thậm chí hàng không rõ nguồn gốc. Cơ sự nào dẫn đến thực trạng như vậy? Ông Fumio Kato - Giám đốc dự án JICA tại Quảng Nam cho biết, thực trạng này không chỉ có riêng ở Hội An. “Hầu như bất cứ vùng đất du lịch nào tại Việt Nam cũng đều bán chung một mặt hàng như vậy, từ khăn thổ cẩm đến áo quần may sẵn, các loại hàng lưu niệm bằng gỗ hay gốm… Như vậy thì các bạn đã tự mình đánh mất cơ hội cho hàng thủ công của chính các bạn.  Ngoài ra còn có các hệ lụy khác, như việc sẽ không khuyến khích được sản phẩm địa phương phát triển, nên mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề không đạt, người làm nghề không sống được với nghề. Xét ở yếu tố kinh tế, việc hàng hóa nơi khác đến Hội An bán sẽ mang lợi nhuận đi nơi khác, thất thu thuế, Hội An cũng không được hưởng lợi” - ông Fumio Kato chia sẻ.

Làng nghề truyền thống muốn tham gia vào thị trường du lịch cần phải để du khách trải nghiệm về hành trình sản xuất...Ảnh: ANH LỘC
Làng nghề truyền thống muốn tham gia vào thị trường du lịch cần phải để du khách trải nghiệm về hành trình sản xuất...Ảnh: ANH LỘC

“Các sản phẩm tồn tại đều do thị trường quyết định, nếu không xác định như vậy khi xây dựng chính sách sẽ đi lạc hướng, tốn tiền bạc vừa không hiệu quả. Nói chung sự tồn tại của hàng hóa chịu sự điều tiết của các quy luật như quy luật cung cầu và quy luật bản sắc, không ai có thể tránh được” - ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An lý giải về thị trường hàng truyền thống tại đô thị này. Theo ông, việc nhiều hàng thủ công mỹ nghệ xuất xứ nơi khác được bày bán chiếm số lượng lớn ở Hội An là tất yếu, không thể ngăn cản được. “Đây là thực tế xuất phát từ quy luật cung cầu. Dĩ nhiên mình phải có chính sách để hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương đứng được trên thị trường. Hiện nay Hội An tập trung vào 4 mặt hàng chính gồm lồng đèn, gốm đỏ (thô và gốm tinh như con tò he, gốm trang trí…), tre dừa nước và may mặc. Còn lại tùy nhu cầu của khách như khách Hàn, Trung Quốc, Việt Nam lại thích đồ tinh xảo của các nơi chế tác. Khách mua thì người dân nhập về bán thôi” - ông Sơn nói thêm.

Chật vật từ nhiều phía

Kể câu chuyện về hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mặt tại Nhật Bản, ông Fumio Kato cho biết, trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản do sự mới lạ và giá rẻ, nhưng gần đây sức hấp dẫn đó đã bị giảm nhiều. Nguyên nhân chính là nhiều mẫu mã đã không có sự thay đổi trong suốt thời gian dài. Thực trạng này được bà Hamada Haruko - Viện trưởng kiêm Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển sản phẩm Nhật Bản M&D lý giải: “Truyền thống lâu đời, tay nghề, tính nghệ thuật, sự độc đáo, ý nghĩa văn hóa của sản phẩm, các thiết kế sản phẩm mang tính độc nhất và của riêng làng nghề hay doanh nghiệp làm nghề vẫn là điều được đề cao. Tuy nhiên, các bạn phải xem xét đến khả năng ứng dụng và tính thương mại của sản phẩm, điều này chưa được chú ý nhiều. Nếu chỉ đề cao tính nghệ thuật, tính độc bản của sản phẩm thì đó chỉ là những mặt hàng lưu niệm đơn thuần, đối tượng mua hàng phần lớn chỉ là những người khách du lịch. Loại hàng này hầu như không có cơ hội nhận được những đơn hàng lớn” - bà Hamada Haruko nói. Không chỉ với các sản phẩm xuất khẩu, ngay tại thị trường nội địa, qua các dự án JICA đã thực hiện, các chuyên gia Nhật cũng đều nhìn nhận chất lượng sản phẩm của Việt Nam ngày càng tốt hơn nhưng mẫu mã các sản phẩm thì hầu như chưa cải thiện. Đây cũng chính là điểm yếu của hàng thủ công mỹ nghệ, từ cả thông tin thị trường đến kiểu dáng mẫu mã.

Trong một lần JICA tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, người làm nghề cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hội An hồi tháng 8 năm nay, các sản phẩm của hơn 10 làng nghề được sự hỗ trợ của JICA đã mang đến nhiều thích thú cho người xem. Nhìn vào một sản phẩm mỹ nghệ cụ thể, từ gốm sứ hay mây tre đan hoặc đồ gỗ, người ta có thể dễ dàng nhận ra sản phẩm đó do làng nghề hoặc vùng nào sản xuất, có thể hình dung được những đặc trưng cơ bản thể hiện trên sản phẩm. “Thậm chí sự cá biệt của sản phẩm có thể riêng có cho từng nghệ nhân. Chính điều đó đã góp phần tạo ra bản sắc riêng cho thương hiệu của từng cơ sở sản xuất cũng như thương hiệu chung của làng nghề. Cũng mây tre đan, nhưng sản phẩm từ làng nghề ở Hà Nội của chúng tôi lại khác với mây tre ở các xưởng của Quảng Nam” - nghệ nhân Nguyễn Văn Tình (Làng nghề mây tre đan Hà Nội) chia sẻ. Không riêng Quảng Nam gặp khó ở khâu tìm kiếm thị trường, đa số sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều bị “ách” lại ở đầu ra. Xây dựng thương hiệu từ bản sắc của nghề, khai thác các tri thức truyền thống để phát triển sản xuất và thương mại… vẫn còn là một đường dài với các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

TRÔNG CHỜ VÀO DU LỊCH

Kỳ vọng vào thị trường du lịch để kiếm tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một đường hướng tốt được nhiều chuyên gia nhìn nhận. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều thách thức để hiện thực hóa phương kế này.

Muốn tiếp cận du lịch nghệ nhân phải cải thiện sản phẩm lẫn không gian làm việc của mình. Trong ảnh: Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp cùng con trai hoàn thiện một sản phẩm từ gỗ.Ảnh: ANH LỘC
Muốn tiếp cận du lịch nghệ nhân phải cải thiện sản phẩm lẫn không gian làm việc của mình. Trong ảnh: Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp cùng con trai hoàn thiện một sản phẩm từ gỗ.Ảnh: ANH LỘC

Hướng làng nghề gắn với du lịch. Kích cầu từ chính lượt khách tìm đến với các câu chuyện về sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, ông Fumio Kato - Giám đốc dự án JICA tại Quảng Nam, cho biết, trước thực tế sản phẩm thủ công mỹ nghệ một số làng nghề không đáp ứng được yêu cầu mẫu mã, nhất là đầu ra, đòi hỏi phải có sự đồng hành của Nhà nước, cụ thể là các cấp, sở, ngành liên quan. “Để gìn giữ và thúc đẩy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề phát triển bền vững thì một yếu tố quan trọng là hướng làng nghề gắn với du lịch, qua đó không chỉ tạo cơ hội cho sản phẩm ra thị trường nhanh nhất mà người dân cũng có thu nhập, tạo động lực gìn giữ phát huy giá trị sản phẩm làng nghề. Tất nhiên, để làm được điều này đòi hỏi nhiều yếu tố từ tài chính, kỹ thuật đến tay nghề chuyên môn, trong đó vai trò của nghệ nhân rất quan trọng và mang tính quyết định. Ở Nhật Bản, một số lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao chúng tôi đều cần các nghệ nhân. Nói chung, phải tận dụng vai trò và tài năng của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống” - ông Fumio Kato chia sẻ.

Để khuyến khích ngành thủ công mỹ nghệ nói chung, đặc biệt là thúc đẩy các làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, nhiều chuyên gia cho biết, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở vẫn giữ được các yếu tố văn hóa truyền trống trong sản phẩm. Bên cạnh đó, cần thành lập hợp tác xã kiểu mới, làm cầu nối giữa các cá nhân, tập thể trong làng nghề tạo mối liên kết bền vững trong quy trình sản xuất, tiêu thụ, huy động vốn, nguyên liệu, quảng bá sản phẩm, thị trường… Đồng thời gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ, tạo thương hiệu cho sản phẩm...

Tuy nhiên, không dễ để làm du lịch nếu bản thân người dân thờ ơ. Thêm một câu chuyện khác từ chính những người trong cuộc, khi các dự án hỗ trợ đã lựa chọn người bán hàng lưu niệm lẫn nghệ nhân để dần đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiệm cận đời sống, thì lại không nhận được sự hưởng ứng từ họ. Ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam kể câu chuyện về một lần mời gọi người làm nghề lẫn kinh doanh tham dự hội thảo hồi đầu năm 2018, trong khi phía chủ dự án tham gia đông đủ, cất công bay từ nước họ sang, tại Quảng Nam, danh sách mời 150 người thì chỉ có khoảng 40 người tham dự. “Từ nhân viên bán hàng thủ công mỹ nghệ lẫn hàng hóa phục vụ du lịch trong khu phố cổ, họ đều làm theo ý thích mà không hướng đến câu chuyện muốn chuyên nghiệp phải tham gia các lớp đào tạo” - ông Nguyễn Hai nói.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp cho biết, nghệ nhân và người làm nghề thừa hiểu rằng muốn tham gia thị trường du lịch thì phải cải thiện sản phẩm. “Muốn cải thiện nhưng để làm được sản phẩm nhỏ đòi hỏi công sức của người thợ phải đầu tư. Tuy nhiên, nghịch lý nếu đầu tư nhưng hàng bán không chạy hoặc không bán được thì sẽ gây khó cho các cơ sở, vì vậy các nghệ nhân phải bám vô những sản phẩm nào dễ tiêu thụ để có tiền sinh sống” - ông Tiếp nói. Bản thân ông cũng đã cố chuyển sang làm những sản phẩm thủ công nhỏ gọn theo kiểu hàng lưu niệm, nhưng làm ra xong cũng không thể tiêu thụ được. Trong khi đó, du lịch làng nghề vẫn chưa được như kỳ vọng của người dân, đơn cử tại cụm du lịch làng nghề Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn). Từ cơ sở hạ tầng, mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện để thu hút các cơ sở làng nghề vào làm hàng thủ công mỹ nghệ, nên dù muốn, các hãng lữ hành vẫn không thể nào đưa khách tới được. “Do đó, muốn đầu tư một nơi nào đó phải đầu tư hoàn thiện rồi mới triển khai sang nơi khác, tránh trường hợp chỗ nào cũng triển khai nhưng lại dở dang. Tôi mơ ước nếu Nhà nước có đầu tư thì đầu tư trọn gói sau đó giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Chưa kể, phải tập huấn cho dân làng nghề biết làm du lịch, coi du lịch là lối sống mới của họ, chứ bây giờ các làng nghề dù biết làm du lịch nhưng dân không ủng hộ thì hiệu quả cũng không cao” - ông Tiếp nói.

BỎ QUÊN CON DẤU XÁC THỰC

“Con dấu xác thực” - Crafted in Quang Nam ra đời năm 2015, để định vị cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đã không được xem trọng như mong muốn.

Các sản phẩm bày bán tại Hội An đều na ná các nơi khác. Ảnh: S.A
Các sản phẩm bày bán tại Hội An đều na ná các nơi khác. Ảnh: S.A

Với mục đích xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam, bảo vệ quyền và lợi ích của hộ sản xuất, làng nghề cũng như các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công trên địa bàn tỉnh, giúp du khách chọn lựa đúng các sản phẩm thủ công mang đặc trưng văn hóa điểm đến, tạo cơ hội phát triển sản phẩm làng nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương…, năm 2016, Sở Công Thương phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tổ chức công bố 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được dán “con dấu xác thực” (Crafted in Quang Nam). Bộ sản phẩm đầu tiên này gồm 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ 12 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thuộc các cơ sở làng nghề như Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (Điện Bàn), ghế tựa, thùng rác, bàn ghế giả mây của HTX Thương mại mây tre Điện Thọ (Điện Bàn), nhang trầm, trầm cảnh - Công ty TNHH Hương Tràm (Tiên Phước), vải lụa hoa văn nhuộm màu tự nhiên; váy từ lanh tơ tằm - HTX Tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên)… được tuyển chọn từ hơn 100 sản phẩm đăng ký đóng dấu xác thực. Con dấu được giao cho Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam quản lý.

Tuy nhiên, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống Việt Nam chia sẻ, từ khi ra đời đến nay, vấn đề triển khai, tiêu thụ, cung cấp con dấu xác thực rất hạn chế. “Từ năm 2016 đến nay hiệp hội mới chỉ bán ra vài nghìn con dấu cho hai đơn vị là Dầu phụng đất Quảng và Trầm hương, trong đó sản phẩm trầm hương hiện vẫn chưa thấy chuyển tiền. Còn các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ thì không quan tâm” - ông Tiếp nói.  Ngoài ra, theo ông Tiếp, có một số người làm nghề hay kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ đăng ký mua, nhưng mục đích sử dụng lại không phải theo tiêu chí của hiệp hội - nghĩa là con dấu này chỉ được gắn lên sản phẩm có xuất xứ từ Quảng Nam, chứ không phải mua hàng nơi khác về lấy mác hàng Quảng Nam. Vì vậy mức độ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng con dấu này rất ít.  “Nói chung hiệp hội quản lý nhưng các thông tin truyền thông thì chưa được quảng bá giới thiệu đến các làng nghề, cũng không có ai giám sát theo dõi việc triển khai con dấu dán lên sản phẩm khi dự án kết thúc, dẫn đến nếu có dán thì cũng không biết sản phẩm đó thật hay giả” - nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp nói.   

Việc dán con dấu xác thực được nhìn nhận là ý tưởng rất hay và thành công ở nhiều nước khác, nhưng với Việt Nam thì lại không mang đến hiệu quả. Chủ một hãng lữ hành tại Hội An chia sẻ, khách đến Hội An nếu là dòng khách châu Âu thường ít mua hàng thủ công mỹ nghệ, họ chỉ mua sản phẩm nào họ thích, phù hợp với nhu cầu. Ngược lại, khách Hàn, Trung Quốc, khách Việt thích mua hàng thủ công mỹ nghệ nhưng lại không quan tâm đến yếu tố bản sắc địa phương.  “Thẳng thắn nhìn nhận là sức lan tỏa của con dấu xác thực chưa nhiều nhưng chí ít cũng giúp du khách nhận biết được các sản phẩm của địa phương trong một mớ hỗn độn nhiều sản phẩm như hiện nay. Nói chung ý tưởng là đúng nhưng việc quản lý, giám sát con dấu sau khi triển khai thì vẫn chưa hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhận xét.

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng - làng mộc Kim Bồng thì cho rằng, khó thể dán con dấu lên sản phẩm của làng nghề, bởi thương hiệu mộc Kim Bồng cao hơn thương hiệu của một sản phẩm làng nghề truyền thống Quảng Nam đơn thuần. Chưa kể, mỗi cơ sở trong làng mộc Kim Bồng cũng có những thương hiệu riêng nên việc dán con dấu xác thực là không khả thi. Lý giải về chuyện này, ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, hiện tỉnh đã có chủ trương xây dựng “mỗi xã một sản phẩm” và giao cho Sở NN&PTNT làm đề án thực hiện, nếu đề án thành công hứa hẹn sẽ thúc đẩy “Con dấu xác thực” phát triển rộng rãi. Cũng theo ông Thông, con dấu chỉ là một phương tiện để hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm địa phương nên nếu doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tin dùng thì tốt còn không cũng chẳng ảnh hưởng gì. “Để thúc đẩy con dấu rộng rãi thì Sở VH-TT&DL phải quảng bá tại các khách sạn, những nơi có khách du lịch đông để khách biết được con dấu và mục đích ra đời của con dấu. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là khách hàng, nhà sản xuất khi họ nhận biết được con dấu để mua sản phẩm hay lúc sản xuất họ cần đến nó thì tự nhiên sẽ tác động qua lại thôi, nên ngành du lịch phải quảng bá việc này. Dĩ nhiên, để việc dán con dấu hiệu quả còn là cả một quá trình không phải một, hai năm là đạt được” - ông Thông phân tích.

Thực hiện chuyên đề: SONG ANH – VĨNH LỘC

Thực hiện chuyên đề: SONG ANH – VĨNH LỘC