Khi người đẹp viết văn
Có một dạo văn đàn Việt nổi lên một hiện tượng lạ: Sự xuất hiện nổi bật và đồng thời của các nhà văn nữ! Ở cực nam là Nguyễn Ngọc Tư, sáng chói với “Ngọn đèn không tắt” , rồi “Cánh đồng bất tận”…; miền Trung có Trần Thanh Hà với các tập truyện ngắn “Gió của mùa sau”, “Ơi đò ca kút”…; xa tít tận Hà Giang có Đỗ Bích Thúy với “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Bóng của cây sồi” và nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết khác.
Tác giả và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. |
1. Sau đó là sự lựa chọn dành cho các nữ nhà văn: Có nên về các trung tâm như Hà Nội hay Sài Gòn để tiếp tục viết? Một lựa chọn không hề dễ, bởi, họ từng viết nhờ vào chất liệu của chính mảnh đất mình đang sống, liệu sự chuyển dịch có làm mất đi sức sống của sự sáng tạo? Trần Thanh Hà và Đỗ Bích Thúy đã chọn về Hà Nội, riêng Nguyễn Ngọc Tư chọn ở lại quê nhà. Trần Thanh Hà có vẻ lắng xuống sau khi về Nhà xuất bản CAND. Nguyễn Ngọc Tư vẫn viết, như chưa hề có sự thay đổi nào. Cô vừa nhận giải thưởng văn học của Đức, giải LiBeraturpreis 2018 nhân hội chợ sách ở Frankfurt trao cho “Cánh đồng bất tận”, bản tiếng Đức và đang phát hành tập truyện “Cố định một đám mây”. Đỗ Bích Thúy về tạp chí Văn nghệ quân đội, nhận nhiệm vụ biên tập viên rồi Phó tổng biên tập, nhưng sức viết của Thúy không hề giảm đi. Ngoài đề tài miền núi quen thuộc làm nên “thương hiệu Đỗ Bích Thúy”, cô đã “nhập” được vào đề tài đô thị, “Cửa hiệu giặt là” là một ví dụ.
Bìa sách “Tôi đã trở về trên núi cao” của Đỗ Bích Thúy. |
Tôi chưa gặp được Trần Thanh Hà, gặp Đỗ Bích Thúy sớm nhất, ở Trại sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam mở năm 1995 ở Hà Nội khi cô còn là một cô nhân viên báo Hà Giang, gặp Nguyễn Ngọc Tư ở Hội nghị văn trẻ tại Hội An 2006, sau đó tại Cà Mau, rồi hè 2017 trong chuyến đi cùng đoàn nhà văn, nhà báo đến Quảng Nam do Thaco tổ chức qua sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Một. Ấn tượng dễ nhận ra là các nàng vẫn vậy, cứ như mới vừa gặp hôm qua! Vẫn trẻ trung như không hề có tuổi, đằm thắm và tràn đầy sức sống. Nhưng phía sau các nàng là những tác phẩm lớn. Nguyễn Ngọc Tư vẫn miệt mài với những sáng tác, cả truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn, rồi thơ, với độ đằm sâu theo thời gian và sự trải nghiệm rất đặc biệt của phụ nữ. Chỉ thấy ít nói, dường như muốn nhường hết cho cái “sự viết” của mình. Vì vậy nghe tin Nguyễn Ngọc Tư được trao giải ở Hàn Quốc, bây giờ là ở Đức tôi không hề ngạc nhiên. Nhờ các tác giả tài năng như Nguyễn Ngọc Tư văn học Việt Nam đã được kể tên bản đồ văn học thế giới!
2. Khi biết Đỗ Bích Thúy chọn về Hà Nội, lại về một địa chỉ văn chương vốn chỉ dành cho đàn ông và lính tráng là tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi nghĩ cô sẽ gặp không ít khó khăn. Không ngờ đây lại là mảnh đất nuôi dưỡng tài năng thực sự. Ở miền đất mới, Đỗ Bích Thúy tiếp tục viết truyện ngắn, tản văn và tiểu thuyết, chỉ thiếu thơ (mà biết đâu đấy?). Viết rất đều, rất chuyên nghiệp. “Tiếng đàn môi qua bờ rào đá” đã lột tả hết thân phận của người phụ nữ miền núi, qua tất thảy mọi thời. Những nỗi buồn lặp đi lặp lại, day dứt chồng lên bao số phận cứ hằn lên sau mỗi câu chữ của Thúy. Không ngạc nhiên khi chuyển sang phim với tên gọi “Chuyện của Pao”, câu chuyện của Thúy kể đã có thêm sức lan tỏa mới, lần lượt chạm đến trái tim nhiều người hơn. Bây giờ, nhà của Pao (nơi chọn làm phim trường) đã trở thành một địa chỉ du lịch.
3. Năm này Thúy ra mắt tập sách mới: tập tản văn “Tôi đã trở về trên núi cao”. Có cảm giác “Tôi đã trở về trên núi cao” như một cuốn phim dài kể về cuộc đời của Đỗ Bích Thúy. Thúy lựa chọn từng chữ cho những gì mình viết ở đây. Là ám ảnh tuổi thơ kéo dài đến mãi sau này bởi cái chết khi còn rất trẻ của chị Thùy của Thúy mà ý tưởng chọn tên tựa đã nói lên điều ấy: Vạn năm triệu năm… Bởi thỉnh thoảng lại nghe ai đó gọi “Thúy! Thúy!” như chị vẫn đang còn đâu đó khiến cô không khỏi giật mình… Có lẽ may mắn đã chọn Thúy với vùng đất đầy “màu sắc”, để sống nhiều năm trong đời, để viết. Về người bạn tên G. với những câu chuyện khó lòng lý giải nổi, tự hồi đó và mãi đến tận sau này. Về bà Đỉnh và những câu chuyện bịa tạc, “tin thì tin không tin thì thôi”, hình như phần nào giúp kích thích trí tưởng tượng của nhà văn sau này(?). Về bà cụ hàng xóm đã già, già đến độ “sống thêm một trăm tuổi nữa thì cũng không thể già hơn”. Hình ảnh bà cụ ám ảnh cô đến độ “mỗi khi viết đến bà lão nào đó tôi lại nhớ đến bà”… Là những chiêm nghiệm cô nhận ra về cuộc đời, những chiêm nghiệm còn quá sớm với tuổi của cô, thể hiện khá đầy đủ trong: Một chỗ vừa vặn, Buồn bã nhưng hạnh phúc, Và một quãng nghỉ…
Trong đó, cô còn viết về công việc viết văn của mình, về những người Đỗ Bích Thúy tự nhận một cách khiêm tốn: Bạn bè là những người thầy… Có lẽ đọc hết tập tản văn sẽ “nhận ra Đỗ Bích Thúy” dù có thể chưa gặp mặt tác giả(?)… Nghe có vẻ vô lý nhưng tôi nhận ra điều ấy sau khi đọc hết phần cuối cuốn sách có tựa: Đẹp tới lụi tàn… với “Tôi tặng tôi cho bạn, bằng vào những mến thương tha thiết mà chúng ta có thể chạm tới”. Mới hiểu vì sao các cô nàng xinh đẹp lại viết hay như thế!
4. Mặc kệ sự khắc nghiệt dành cho nghề này, phụ nữ tham gia viết văn ngày càng đông hơn. Càng ngày tài năng càng phát tiết sớm hơn. Trẻ và xinh đẹp. Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Di Li, Phong Điệp, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyệt Chu… Đó là những dấu hiệu đáng mừng cho văn đàn Việt!
LÊ TRÂM