Graffiti - vì đâu nên nỗi?
(QNO) - Graffiti là một hình thức nghệ thuật đường phố được thể hiện bằng hình thức viết, vẽ lên những bức tường bằng những chất liệu khác nhau như sơn, bút vẽ có chất liệu dầu, bút đánh dấu… Do bề mặt những bức tường to lớn lại xù xì khó viết, khó vẽ nên càng về sau người ta hay dùng những dụng cụ có đầu phun sơn để thực hiện. Hiện nay loại được dùng phổ biến là loại sơn lon cầm tay có đầu phun áp suất được gắn sẵn, do nó dễ di chuyển và sử dụng.
Một bức vẽ graffiti như bôi bẩn bức tường. Ảnh: T.N.N |
Là một môn nghệ thuật đường phố nên người chơi graffiti thường là ngẫu hứng, tự phát trên bất kỳ một bức tường nào ngoài phố. Những hình ảnh, màu sắc của những người chơi khác nhau nằm chồng đè lên nhau gây cảm giác nhức mắt khó chịu, trông như những vết bôi bẩn lên bộ mặt phố phường đã làm đau đầu không ít những chính quyền sở tại từ đông sang tây.
Hầu hết tại các quốc gia, hành động này được liệt vào tội hủy hoại tài sản công cộng hoặc tài sản cá nhân nếu không được các nhà quản lý đô thị hoặc chủ sở hữu cá nhân đồng ý. Hình phạt có thể là tù giam nhưng thông thường là phạt lao động công ích, phải khắc phục hậu quả và chịu phạt tiền.
Từ những thập niên 70 của thế kỷ 20, những nghệ sĩ của phong trào này đã nâng môn này lên tầm nghệ thuật bằng những tác phẩm lớn ở những ga tàu điện ngầm tại Mỹ. Graffiti trở thành một môn nghệ thuật được giới trẻ yêu thích, lan truyền trên toàn thế giới. Một số thành phố lớn đã công nhận sự hợp pháp của bộ môn này nhưng kèm theo những ràng buộc luật pháp rất khắt khe.
Graffiti đòi hỏi tính thẩm mỹ, tránh thể hiện theo kiểu nửa mùa. Ảnh: T.N.N |
Bộ môn này du nhập vào Việt Nam khoảng những năm cuối thế kỷ 20 bởi các du học sinh từ nước ngoài trở về có tư tưởng phóng khoáng, yêu nghệ thuật. Giới trẻ Việt Nam cuồng nhiệt đón nhận phong trào này. Tuy nhiên do phong cách thể hiện nửa mùa, lại không có căn bản về hội họa nên hầu hết chỉ có tác dụng bôi bẩn, làm xấu đi bộ mặt phố phường. Từ đó gây phản cảm trong dư luận xã hội đối với bộ môn nghệ thuật này.
Tại Hội An, cũng như những bộ môn nghệ thuật khác, graffiti xuất hiện rất sớm so với cả nước bởi những du khách trẻ từ nước ngoài mang đến. Thời kỳ đầu, thế hệ cuối 7X và 8X đang lớn là những người hưởng ứng nhiệt tình phong trào này. Lúc đó đã thấy những hình ảnh rải rác trên các bức tường trong những con hẻm phố. Thậm chí năm 2008, thị xã Hội An (cũ) đã từng tổ chức vẽ graffiti trên sông Hoài dưới hình thức căng vải ni lông trên các con thuyền trên sông cao 2m, dài gần 600m được vẽ bằng sơn lon cầm tay có đầu phun áp suất. Sự kiện này được báo chí đưa tin rầm rộ vào thời gian đó, bởi người thực hiện là những nghệ sĩ từ khắp nơi trên cả nước kết hợp với các nghệ sĩ tại địa phương.
Tuy nhiên vài năm sau đó do không hợp với không gian và tư duy người dân phố, lớp 7X, 8X đã qua tuổi bồng bột ham chơi nên phong trào này lắng dần. Đồng thời công nghệ internet phát triển, lớp trẻ 9X về sau có nhiều lựa chọn hơn để giải trí nên phong trào graffiti tạm chấm dứt tại Hội An khoảng 7 năm về trước, chỉ còn thấy lác đác vài điểm ở ngoại ô thành phố.
Nghệ thuật graffiti nếu không thể hiện đúng cách sẽ gây nên phản cảm. Ảnh: T.N.N |
Vài năm trở lại đây cách chơi này xuất hiện trở lại tại Hội An, phản cảm và xấu xí hơn ngày xưa. Những hình ảnh không còn được vẽ trong những con hẻm sâu vắng người qua lại. Bây giờ thậm chí nó được bôi bẩn lên những bức tường trên phố chính, làm thiệt hại đến hình ảnh và giá trị của cả khu di sản phố cổ. Theo những hình ảnh có được, đồng thời dựa vào kinh nghiệm của người viết trong bộ môn này, có thể cho rằng sự bôi bẩn này là phi nghệ thuật, do chủ đích của một số ít người muốn quảng cáo dịch vụ cá nhân tại địa phương và một số du khách đến từ các địa phương lân cận thực hiện theo một ý đồ phá phách cá nhân nào đó.
Trở lại việc gần đây khi loại hình này đã được phê phán trên các phương tiện thông tin đại chúng, sự việc đoàn thanh niên phải tập trung nhân lực để xóa bỏ những hình ảnh trên chỉ là những biện pháp chữa cháy nhất thời. Dựa vào những điều luật liên quan có thể, chính quyền địa phương cần quy định những biện pháp xử phạt nghiêm khắc và triệt để đối với những hành động này. Cần có biện pháp truyên truyền những quy định trên đến cộng đồng dân cư và du khách. Đồng thời nếu có điều kiện, nên mở ra một không gian riêng, có thu phí đối với loại hình này để du khách có nhu cầu có thể giải trí, đây cũng là một cách mở rộng dịch vụ giải trí tại Hội An. Hy vọng trong tương lai gần mọi người sẽ không còn phải thấy những hình ảnh nhố nhăng, kệch cỡm bôi bẩn lên di sản phố Hội nữa.
TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ