Trải nghiệm văn hóa xứ kim chi
Hai ngày cuối tuần này (12&13.10), “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An” sẽ có hàng loạt hoạt động, sự kiện mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân lẫn du khách.
Nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc biết cách để tạo sự thu hút. Ảnh: LÊ QUÂN |
Giao lưu văn hóa
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT TP.Hội An thông tin: “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An năm 2018” sẽ mang đến cho khán giả nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc, như giới thiệu, trưng bày nghệ thuật làm đẹp, biểu diễn nghệ thuật dân gian, biểu diễn võ Teakwondo, trình diễn trang phục truyền thống Hanbok, nhóm nhạc Coreyah và nhóm nghệ sĩ hài nổi tiếng ONGALS tham gia biểu diễn... Việc tiếp tục tổ chức những hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại phố cổ như một cách để giao lưu văn hóa giữa hai xứ sở, thêm các hoạt động nghệ thuật đặc sắc cho vùng đất Hội An.
Những năm gần đây, lượng du khách Hàn Quốc đến với Hội An ngày càng đông và việc tổ chức các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa giữa Hàn Quốc và Hội An phải trở nên thường xuyên hơn. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Làm sao mang lại sự thích thú, ấn tượng nhất cho người xem lẫn phía bạn Hàn Quốc là mục đích địa phương mong muốn. Lần thứ nhất tổ chức năm 2017, các hoạt động của Hội An từ trình diễn lồng đèn, biểu diễn nghệ thuật đương đại đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng như phần trưng bày các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của phía Hàn Quốc đã thật sự mang đến không gian lễ hội mới cho Hội An”.
Văn hóa Hàn Quốc gần như trở thành “cơn nghiện” với giới trẻ Việt Nam. Chính những đặc sắc từ nghệ thuật dân gian truyền thống đến tính chất giải trí hiện đại trong những hoạt động văn nghệ của người trẻ khiến xứ sở này luôn là một cái tên lôi cuốn... |
Các ngày hội giao lưu như thế này nằm trong chiến lược ngoại giao văn hóa mà Hội An lẫn Quảng Nam luôn chú trọng. Đây vừa là cơ hội để quảng bá các đặc sắc về vùng đất cũng như xúc tiến đầu tư trên nhiều lĩnh vực tại Quảng Nam, cũng là cách thức để chọn lọc và tiếp nhận các giá trị văn hóa của nước bạn.
Đề cao nghệ thuật truyền thống
Khác với lần đầu tiên tổ chức hồi năm 2017, lần này, “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An năm 2018” sẽ có sự tham gia biểu diễn của nhóm nhạc Coreyah và nhóm hài Ongals. Nhóm nhạc Coreyah khá nổi tiếng tại xứ sở kim chi vì sự phối kết giữa âm nhạc truyền thống và đương đại. Coreyah với các thành viên chuyên về đàn tranh 6 dây Geomungo, sáo trúc lớn Daegeum hay hát kể chuyện Pansori. Coreyah cũng đã từng đoạt giải nhất trong cuộc thi âm nhạc truyền thống do Đài phát thanh và truyền hình KBS tổ chức. Đây là nhóm nhạc đã xóa bỏ ranh giới giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc đại chúng hiện đại. Âm nhạc họ trình diễn mang nét nhạc truyền thống Gukak - được gọi là quốc nhạc của xứ Hàn.
Gần như trong bất cứ hoạt động, sự kiện văn hóa nào, người Hàn đều cố gắng chuyển tải nghệ thuật truyền thống của mình đến người xem. Lần thứ nhất, tại Hội An, họ mặc áo Hanbok, đi guốc gỗ, chơi nhạc cụ dân tộc của mình, trổ tài nấu nướng những món ăn - mà ít nhiều người dân Việt Nam đã biết, qua điện ảnh, các phương tiện truyền thông… Người Hàn Quốc thường mang những điều đặc sắc nhất của đất nước mình để phô diễn với sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại. Khi đó, ông Lee Dae Joong - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cho biết, việc quảng bá văn hóa của đất nước họ bằng cách đưa nghệ thuật truyền thống đặc trưng luôn là tiêu chí đầu tiên được lựa chọn. Và cũng như các quốc gia khác, nghệ thuật truyền thống là một viên ngọc mà họ buộc phải tìm mọi cách để bảo tồn.
Và chuyện bảo tồn nghệ thuật truyền thống Việt Nam
Từ câu chuyện của xứ Hàn lại nghĩ đến nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam. Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL từng chia sẻ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh này là việc làm khó khăn và cần sự đầu tư, quan tâm của tất cả địa phương. Theo ông, phải làm một cách chuyên nghiệp, lựa chọn những loại hình nghệ thuật đặc trưng của từng địa phương để từ đó có những giải pháp cụ thể. “Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chính sách đặc thù trong tuyển sinh, bởi bản chất nghệ thuật truyền thống là truyền nghề nên phải có lực lượng kế cận để tiếp nhận. Mặt khác, các môn nghệ thuật truyền thống trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay không đủ hấp dẫn đối với sinh viên nên cần phải có những chính sách và sự bảo trợ của Nhà nước” – ông Vương Duy Biên nói. Trong khi đó, từ Hội An, ngay ở nơi tạo mọi cơ hội để nghệ thuật truyền thống phát triển mạnh mẽ, lại gặp cảnh thiếu nhân lực nghệ thuật biểu diễn.
Quảng Nam từ lâu đã tìm cách để duy trì các bộ môn nghệ thuật truyền thống, như tuồng, dân ca bài chòi hay bả trạo, tâng tung da dá. Từ phía các nhà trường nhiều năm nay đã hình thành nên chương trình Sân khấu học đường hoặc Đưa di sản vào trường học, kích thích thế hệ trẻ hình thành sự hiểu biết hay kỳ vọng về tình yêu nghệ thuật dân gian. Cùng với đó, các địa phương miền núi cũng đã bắt đầu có nhiều hoạt động cộng đồng gắn kết giữa già làng, nghệ nhân và giới trẻ địa phương ngõ hầu đánh thức lòng tự hào về bản sắc của tộc người mình, từ đó có những phương kế để bảo tồn thích hợp...
LÊ QUÂN