Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam
“Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam” (NXB Hội nhà văn, 2018) của TS. Huỳnh Thu Hậu là công trình đầu tiên về đề tài này, một đề tài hay và khó.
Nghịch dị/grotesque hay còn gọi là kỳ quặc, thô kệch, trước hết là thế giới quan, là nghệ thuật, là thủ pháp. Đó là một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài; là sự hòa trộn của cái hài với cái kinh dị, cái giống như thực với cái biếm họa, bình thường và bất thường, lạ lùng, kỳ quặc. Nó công nhiên và chú ý trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên. Hạt nhân quan trọng nhất của nó là tính lưỡng trị, tính nước đôi, tính chưa hoàn kết.
Tác giả Huỳnh Thu Hậu đã nhạy bén và nắm bắt hiện thực nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại và mạnh dạn đi vào vùng đối tượng “ngoại biên” này để nắm bắt vấn đề và giải mã vấn đề một cách mới mẻ, theo tâm thức và cảm quan phê bình hiện đại, một phần hậu hiện đại. Thông qua đó, tác giả chứng minh sự hồi sinh mạnh mẽ của nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết nói riêng, văn học Việt Nam đương đại nói chung và xem đó là sản phẩm của tinh thần dân chủ, tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức của xã hội và của văn học bằng tiếng nói nghệ thuật đa dạng và độc đáo.
Thành công tổng thể của công trình là tác giả đã nắm vững đặc trưng thể loại tiểu thuyết và nghệ thuật nghịch dị, nghệ thuật trào tiếu bằng cái nhìn liên văn hóa, liên văn bản nên giải mã vấn đề một cách thuyết phục, khoa học xét ở tầm đón nhận đương đại mà mỹ học tiếp nhận văn học quan tâm. Tác giả đánh giá được “vai trò to lớn của nghệ thuật nghịch dị đối với sự đổi mới của văn học Việt Nam nói chung và tiểu thuyết nói riêng, góp phần đổi mới quan niệm về hiện thực, về con người, về thể loại. Có thể khẳng định rằng, có dòng tiểu thuyết nghịch dị bên cạnh những khuynh hướng tiểu thuyết khác. Qua đó, hướng đến đổi mới hệ hình mỹ học truyền thống qua lằn ranh của nghịch dị với tiếng cười, kỳ ảo, kinh dị, quái dị”.
Tác giả cũng đã làm rõ nghịch dị với các khái niệm liên quan. Sau khi khái lược quá trình phát triển của nghệ thuật nghịch dị trong văn học Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại, đặc biệt là trong tiểu thuyết của các nhà văn như: Vũ Trọng Phụng, Trần Dần, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương…, tác giả khẳng định đây là mạch nguồn trong văn học dân tộc. Vậy là, qua tiểu thuyết Việt Nam đương đại, nghịch dị mà các nhà văn miêu tả luôn có tính định hướng xã hội cụ thể, cho nên đằng sau những hình tượng nghịch dị đó, chính là nỗi đau nhân tình, thế thái mang tính nhân đạo và triết lý cao đẹp, muốn con người có ý thức vươn lên tự điều chỉnh hành vi lựa chọn đạo đức và hoàn thiện nhân cách của mình. Nhân tính phải được xem là chuẩn mực đạo đức tối thượng, luôn được quan tâm và thanh lọc hóa trong từng mối quan hệ từ đời tư nhỏ hẹp đến thế sự rộng lớn. Chính điều này mới thấy được chiều sâu của cái nhìn nghệ thuật, để đến một ngưỡng nào đó, hình thành nên tâm thức sáng tạo và cảm thức nhân bản.
PGS-TS. HỒ THẾ HÀ