Những cổ vật Chăm độc đáo ở làng Hạ Nông

LÊ THÍ 29/09/2018 02:29

Ở thôn Hạ Nông Trung thuộc xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tại di tích Miếu Bà (trong khuôn viên chùa Hồng Phúc) còn lưu giữ một số tác phẩm nghệ thuật Chăm, trong đó có hai bức phù điêu độc đáo.

Phù điêu Shiva-Gauri và phù điêu Vishnou- Garudasama ở di tích Miếu Bà.
Phù điêu Shiva-Gauri và phù điêu Vishnou- Garudasama ở di tích Miếu Bà.

Từ Hà Khúc đến Hạ Nông

Làng Hạ Nông (Hạ: mùa hạ, Nông: nghề nông, người làm ruộng) nay gồm các thôn Hạ Nông Đông, Hạ Nông Trung và Hạ Nông Tây của xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn. Đây là một trong những làng cổ của Quảng Nam. Trong tác phẩm Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18, TS.Huỳnh Công Bá cho rằng “Khá nhiều tộc họ ở các làng đã đến khai phá vùng bắc Quảng Nam vào cuối thế kỷ 15… cũng như 24 vị thuộc các họ Phan, Hà, Trần, Dương, Thân, Nguyễn, Huỳnh, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Đề, Hồ, Mạc, Tống, Lê đến khai phá vùng trung tâm Điện Bàn…”. Dù không khẳng định trực tiếp nhưng qua đoạn trên tác giả đã cho biết Hạ Nông  được 24 tộc họ thuộc lớp lưu dân “Bắc địa tùng vương” đến khai phá và lập làng vào cuối thế kỷ thứ 15 sau cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471.

Tài liệu cổ đề cập tên làng sớm nhất là Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555 với tên gọi là làng Hà Khúc, một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa và được tóm tắt bằng một câu đầy hình tượng “sông Hà Khúc chảy ra khuất khúc, đường Lại Bằng đi lại thẳng băng”.

Dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1776) trong Phủ biên tạp lục, Hà Khúc là một trong 24 xã của tổng Hà Khúc thuộc huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Sang thời nhà Nguyễn, dựa theo Địa bạ Quảng Nam soạn năm 1814, Hà Khúc được đổi tên thành Hạ Nông thuộc tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Khánh (sau đổi thành Diên Phước vào năm 1822, dưới thời Minh Mạng), phủ Điện Bàn. Sang cuối thời nhà Nguyễn, năm 1919, năm Khải Định thứ 3, theo Tạp chí BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hué - Tập san của Hội Đô thành hiếu cổ), làng Hạ Nông thuộc tổng Hạ Nông của phủ Điện Bàn.

Sau Cách mạng Tháng Tám, vào năm 1946, làng Hạ Nông thuộc xã Quý Cáp (tên danh nhân Trần Quý Cáp - lúc này Điện Bàn có 5/36 xã mang tên danh nhân). Lần hợp xã năm 1948, làng thuộc xã Điện Phước (Điện Bàn từ 36 xã hợp lại thành 10 xã và bắt đầu bằng chữ Điện). Sau năm 1954, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Hạ Nông thuộc xã Kỳ Ngọc, quận Điện Bàn. Sau 1975, Hạ Nông trở lại thuộc xã Điện Phước như giai đoạn 1948 - 1954 và cho mãi đến nay.

Di tích Chăm độc đáo

Trên cánh đồng ở làng Hạ Nông nay thuộc địa phận thôn Hạ Nông Trung, có khu đất rộng độ 1500m2 địa thế khá cao so với chung quanh, vốn là một khu di tích Chăm đã đổ nát chỉ còn lại một số gạch ngói và tượng Chăm. Dân làng đã xây một ngôi miếu rồi gom các tượng còn lại để thờ. Trong ngôi miếu có một bức phù điêu với hình một phụ nữ nên dân làng gọi là tượng Bà. Miếu thờ tượng Bà nên gọi là Miếu Bà. Sau này Miếu Bà bị tàn phá, người ta xây lên đó một ngôi chùa mang tên Hồng Phúc. Gần đây, trong khuôn viên ngôi chùa, một miếu nhỏ được phục dựng để thờ mấy pho tượng Chăm còn lại. Năm 2001 các nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, Nguyễn Chiều đã đến đây và phát hiện tại đây có hai bức phù điêu độc đáo. Đó là phù điêu Shiva - Gauri và phù điêu Vishnu - Garudasama.

Bức phù điêu Shiva - Gauri còn khá nguyên vẹn, đặt cao nhất giữa miếu, được tạc thẳng vào một phiến đá và có kích thước khá lớn, rộng 1,27m cao 1,45m dày 0,3m. Bức phù điêu gồm 2 phần, phần bệ là phần phụ nhỏ hơn chỉ cao 0,35m có khắc hình 6 người chia làm 2 nhóm 2 bên, ở giữa là 3 tháp hình trụ. Sáu người ở tư thế quỳ chắp tay cầu nguyện hướng vào 3 tháp hình  trụ ở giữa. Phần chính ở trên khắc hình thần Shiva cùng vợ (Gauri) ngồi trên bò thần Nandin.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh trong sách Nghệ thuật Chămpa - Câu chuyện của những pho tượng cổ (Nxb Mỹ thuật, 2016) thì đây là bức phù điêu vô cùng độc đáo vì “khó có thể tìm được trong điêu khắc cổ Chămpa hình một con bò nào được thể hiện vừa thực, vừa tự nhiên và sống động như trong tác phẩm điêu khắc ở Miếu Bà” (trang 237) và “lần đầu tiên trong nghệ thuật cổ Chămpa thần Shiva và vợ thần được thể hiện cùng ngồi trên lưng con bò thần Nandin nằm” (trang 240). Cũng theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh: “Cùng với bia ký ở Tháp Bà Nha Trang, tác phẩm điêu khắc Miếu Bà góp thêm một tư liệu quý về việc thờ phụng hình tượng kết hợp Shiva - Gauri trong đời sống tôn giáo của vương quốc Chămpa xưa” (trang 241). Hơn thế nữa “cách thể hiện Shiva - Gauri của Miếu Bà gần với những truyền thống nghệ thuật cổ Ấn Độ hơn là với các nền nghệ thuật cổ của Đông Nam Á” (trang 241)…

Về bức phù điêu Vishnu - Garudasama lại có cái độc đáo khác. Bức này được đặt bên trái của miếu, bị bể mất phần ở trên và có kích thước nhỏ hơn, rộng 0,8m và bề cao chỉ còn lại 0,65m. Phần còn lại của bức này có đầy đủ hình chim thần Garuda nhưng thông qua một số dấu tích trên hình chim thần (2 tay và 2 chân) có thể đoán ra phần bị mất ở trên là hình khắc thần Vishnu. Kết hợp 2 phần là tượng thần Vishnu đang cưỡi chim thần Garuda, một kiểu nghệ thuật truyền thống của Chămpa cổ, một trong 2 truyền thống của khu vực Đông Nam Á (truyền thống kia là của Hindu giáo trên đảo Java thuộc Indonesia).

Vishnu là một trong 3 vị thần tối thượng của Hindu giáo, chỉ sau thần Brahma (thần sáng tạo), đứng trên thần Shiva. Vishnu luôn là vị thần nhân bản nhất, bất kỳ ở nơi nào mà những thế lực độc ác bắt đầu thống trị thì Vishnu xuất hiện để cứu con người. Còn chim thần Garuda là hình ảnh mặt trời biểu hiện cho cái tinh thần bao trùm lên tất cả mọi vật do tạo hóa sinh ra.

Phù điêu Vishnu - Garudasama rất đặc biệt vì đây là bức độc nhất được phát hiện còn lại của nước ta, nó thể hiện sự tiếp nối có kế thừa của truyền thống nghệ thuật Vishnu - Garudasama của Chămpa cổ. Nói là độc nhất còn lại vì có hai bức khác cũng đã được phát hiện, một ở Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng (có niên đại thế kỷ thứ 8, theo phong cách cổ Mỹ Sơn E1) và một ở Quy Nhơn (có niên đại cuối thế kỷ thứ 9, theo phong cách Khương Mỹ). Nhưng cả hai bức này hiện nay được lưu giữ và trưng bày tại Viện Bảo tàng châu Á Guimet ở Paris (Pháp). Cả 3 bức phù điêu cho thấy tuy ít ỏi nhưng cả ba đã “kết thành một truyền thống khá liên tục và lâu dài của loại hình điêu khắc Vishnu - Garudasama của Chămpa” - theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh.

Bức phù điêu Vishnu – Garudasama Miếu Bà tuy ra đời sau nhưng được các nhà nghiên cứu đánh giá: “là tác phẩm điêu khắc thể hiện Garuda trong tư thế chuyển động thành công nhất và đẹp nhất không chỉ của nghệ thuật Chămpa mà còn của cả nền nghệ thuật Hindu trong khu vực Đông Nam Á”.

LÊ THÍ

LÊ THÍ