Nhớ Lưu Quang Vũ

QUỐC TUẤN 09/09/2018 05:41

Lưu Quang Vũ không chỉ xuất hiện với tư cách nhà biên kịch, có nhiều vở kịch phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội, trở thành một hiện tượng trong văn học sử Việt Nam, mà còn là một nhà thơ có sự cách tân, trong đó đáng chú ý là mảng thơ trữ tình của ông.

Những tư liệu về tác giả Lưu Quang Vũ được bạn đọc quan tâm bên lề hội thảo. Ảnh: Q.TUẤN
Những tư liệu về tác giả Lưu Quang Vũ được bạn đọc quan tâm bên lề hội thảo. Ảnh: Q.TUẤN

Hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp văn học của tác giả Lưu Quang Vũ được tổ chức tại Đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng) hôm 29.8 đã gợi mở ra nhiều nét mới về tài năng xuất sắc của nhà thơ, nhà soạn kịch này.

1. Ở tuổi 15, Lưu Quang Vũ đã bắt đầu viết nhật ký. Theo nhà văn Bùi Việt Thắng: “Khi còn ngồi trên ghế giảng đường phổ thông, Lưu Quang Vũ đã có ba niềm say mê lớn: ghi nhật ký, vẽ tranh và làm thơ. Khác với giai đoạn sau, ở giai đoạn đầu đời của mình Lưu Quang Vũ đã rung động hướng đến chất nhân văn, sự trong sáng khi sáng tác nghệ thuật”. Năm 1966, khi mới chỉ có thơ in rải rác chứ chưa xuất bản thành tập (đến năm 1968 mới ra chung tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” cùng nhà văn Bằng Việt), Lưu Quang Vũ đã được nhà phê bình lão làng Hoài Thanh chú ý và có bài viết trên tạp chí Văn học với sự cảm thán “…Làm sao mà có sự lớn lên nhanh chóng như vậy. Làm sao mà có sự già dặn trong cảm xúc, suy nghĩ cả trong giọng nói và lời thơ…”.

Cũng như bao lớp thanh niên trai tráng ở miền Bắc giai đoạn ấy, Lưu Quang Vũ cũng lên đường nhập ngũ với trái tim hừng hực về khát vọng hòa bình. Những ngày đêm chiến đấu khốc liệt càng thôi thúc khát vọng hòa bình trong những áng thơ của Lưu Quang Vũ: “Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ” (Gửi một người bạn gái). Trong tập thơ đầu đời “Hương cây – Bếp lửa”, nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ như: “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa”, “Phủ Lý tháng hai”, “Chia tay”… đã mang âm hưởng trầm buồn bởi tác động của những mất mát chiến tranh. Theo NSND, nhà thơ Lê Huy Quang, ở tháng năm tuổi trẻ Lưu Quang Vũ mang nhiều hoài bão, khát vọng cùng với đó cũng ẩn chứa những nỗi buồn chợt đến chợt đi nhưng là nỗi buồn vô tư, thanh sạch tự đáy lòng mình về thi ca, nghệ thuật, về tình cảm và chiều sâu tâm hồn của mỗi con người với cách nhìn về cuộc sống.

Nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ sinh 17.4.1948 tại tỉnh Phú Thọ (quê gốc ở tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) và mất ngày 29.8.1988. Ông được Đảng, Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Vào năm 1985, trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Lưu Quang Vũ có 8 kịch bản tham dự trong đó có 6 vở đoạt huy chương vàng, 2 vở đoạt huy chương bạc, đó là kỷ lục mà đến nay chưa ai có thể vượt qua.

2. Theo PGS-TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): “Lưu Quang Vũ đã mang tâm hồn đổi mới vào văn học từ rất sớm (đầu những năm 1970) và những sáng tác nghệ thuật của tác giả có sức lan tỏa rất mạnh”. Ở tuổi đôi mươi, Lưu Quang Vũ cũng cảm nhận được nét đẹp thanh bình của đất nước qua các vần thơ khiến người đọc xốn xang: “Tháng bảy mưa nhiều/ Tháng tám sen tàn bưởi chín/ Chim ngói bay về bịn rịn/ Tháng chín lúa trổ đòng đòng/ Trời thu hương lúa mát trong…” hay “Đất nước mình tươi hoa đẹp nắng/ Em cùng gìn giữ phải không anh?/ Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình…” (Gửi tới các anh). Một đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ, trong một chuyến công tác đến Cuba và Peru, khi gặp gỡ và giao lưu với những công nhân đang làm việc xa nhà, phần lớn họ đều mong muốn được nghe nghệ sĩ trong đoàn ngâm bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ.

Một thế giới đầy hương sắc cũng xuất hiện trong thơ của Lưu Quang Vũ với tình yêu mê đắm thiên nhiên, quê hương hay những ngày tuổi thơ lam lũ. Theo TS. Trần Thị Ánh Nguyệt – Đại học Duy Tân Đà Nẵng: “Trong một thời gian dài, văn học Việt Nam tập trung vào hiện thực nhân sinh để bám sát các đề tài thời sự như: chiến tranh, mặt trái của đời sống… nhưng Lưu Quang Vũ vẫn biết cách để lại dấu ấn bằng “tinh thần sinh thái” trong văn học với các chủ đề: tình yêu vạn vật…”. Những câu thơ như “Hoa sấu rụng ngoài hiên/ Gạo đơm quả trên cao/ Phượng thay dần áo mới…” (Chiều) cho ta thấy đâu đó ngoài những trăn trở cuộc đời, Lưu Quang Vũ cũng có những góc thơ đầy lãng mạn, nhẹ nhàng của những ngày trẻ tuổi.

 QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN