Ăn bay, góc nhìn về một thời

LÊ TRÂM 08/09/2018 02:31

Tiểu thuyết Ăn bay (NXB Phụ nữ, 2018) của Nguyễn Trí có vẻ như đã ít nhiều “tổng kết” một giai đoạn lịch sử đầy biến động của khá nhiều số phận trải qua những năm tháng đầy khắc nghiệt trước và sau năm 1975.

Tiểu thuyết Ăn bay.
Tiểu thuyết Ăn bay.

Trải dài từ năm 1972 đến sau những ngày cả nước tiến hành xây dựng các loại hợp tác xã từ thành thị tới nông thôn, ở đây là một vùng rừng núi từng quanh năm chiến sự với bao nhiêu cuộc chạm súng nảy lửa giữa hai bên mà năm hai 1972 và 1975 là ví dụ điển hình. Trải suốt một không gian rộng lớn, từ Bình Định ra Quảng Nam, Đà Nẵng rồi vào Long Khánh, Bà Rịa; từ thành phố đến tận vùng kinh tế mới, từ những ngày sống bình lặng đến những ngày không ngơi tiếng súng, từ an bình đến cảnh chạy loạn với “rải rác biên cương mồ viễn xứ”.

Những số phận phiêu dạt, vá víu vào nhau, rạn vỡ, đến tan vỡ, những cảnh dở sống dở chết, những cái chết đầy oan nghiệt, hết tụ rồi tan, tan rồi tụ, cứ như một trò đùa của số phận. Mọi thứ bày ra trong Ăn bay: Từ thị trấn X, những năm 1972, 1973, 1974 đến Một chín bảy lăm với những cuộc tháo chạy của tàn binh, của các cuộc cướp giật, của các cuộc “ra đi và trở về lẫn không trở về” của bao nhiêu con người. Là những ngày yên bình không tiếng súng sau tháng 4.1975 đến chuyện đổi tiền rồi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Từ chuyện xây dựng hợp tác xã đến công việc làm ăn của mỗi nhà, chuyện công tư lẫn lộn, người ngay kẻ gian, người ác kẻ dữ, những số phận xuất hiện giữa cuộc đời như “không hề có thiệt”, chỉ có trong tiểu thuyết như bà chủ quán Quỳnh Trang, nàng Lý Thị Khanh ở Dạ Khúc quán, như cô gái tên Hương ở ga Đà Nẵng có form người đẹp hết cỡ nhưng lại có vùng ngực nham nhở sau cơn ghen cuồng loạn của chồng, cô gái có hành tung vô cùng kỳ lạ trong chốn giang hồ. Ở đó nhân vật chính tên Sơn như một sợi dây kết nối mọi thứ. Cho đến tận lúc “hồi hương” với khúc vĩ thanh như một tia sáng đầy ngậm ngùi…

Trong những lúc khó khăn nhất, nghề “ăn bay” nổi lên như một cách giúp họ “giải quyết khó khăn” mà sống tiếp. Mà “ăn bay” là gì vậy? Đó chính là nghề ăn trộm, “chôm” hàng đủ kiểu, hoặc chuyển hàng lậu, từ kiểu “chôm” thông thường đến cướp hàng trên các chuyến xe GMC và “đẹp” nhất là chuyển hàng lậu trên các chuyến tàu chợ. Đây là cảnh cướp hàng từ chuyến tàu chợ trên cung đường từ ga Nông Sơn ra ga Đà Nẵng: “Bãi nhảy không khác bãi biển toàn cát là cát. Cảm tử sẽ quăng muỗng đường xuống trước, quăng cho hết tầm tay, để khi xuống ta không gãy cũng lòi bánh chè nếu đá phải. Sau đó giang hồ tay nắm can rượu, tay nắm thành tàu và… hấp… nhảy… lao theo lực kéo của tàu. Từng anh, từng anh một, trên dưới chục anh, quăng, nhảy, quăng, nhảy… đẹp như trong phim hành động của Hồng Kông. Phim thì dùng xảo thuật chứ ở đây là người thật việc thật, nó cho quan khách mãn nhãn, ngoạn mục không thể chê, xem xong là kêu lên bà má tui ơi khoái quá đi... rồi tay rượu, tay đường hảo thủ phom phom đến điểm tập trung. Một chục tay chơi như vậy trong thời gian không quá chục phút...” (trang 245).

“Ăn bay” là cuốn tiểu thuyết đọc khá lôi cuốn, có lẽ được hình thành đúng như lời bộc bạch của tác giả “phải đi hết những đau thương của cuộc sống mới hiểu được tình người là thứ quý giá nhất trên đời”.

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM