Hồn đá Côn Lôn

HỨA XUYÊN HUỲNH 03/09/2018 06:09

Chẵn 110 năm kể từ ngày chí sĩ Phan Châu Trinh vung búa đập đá ngoài Côn Lôn (Côn Đảo), kẻ hậu bối là tôi mới được đến tận nơi mà cụ từng chịu cảnh khổ sai chung thân và nhận ra: những viên đá ngày xưa giờ khó "truy vết", nhưng hồn thơ khoáng đạt và thần khí vẫn hiện hữu quanh đây.

Ma Thiên Lãnh, cây cầu đá không bao giờ hoàn thiện. Ảnh: H.X.H
Ma Thiên Lãnh, cây cầu đá không bao giờ hoàn thiện. Ảnh: H.X.H

Đập đá Côn Lôn

Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang vào mùa mưa. Mùa mưa ở nơi mang đặc điểm á xích đạo - hải dương nóng ẩm kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Buổi chiều muộn một ngày giữa cuối tháng 7, tôi theo dòng người di chuyển lặng lẽ trong mưa, điểm dừng chân đầu tiên chính là Khám 6, nơi giam giữ cụ Phan Châu Trinh và các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… thời kháng Pháp. Khám 6 này, sang đến thời Mỹ được mệnh danh là “phòng chết điển hình” của toàn trại giam Phú Hải. Lần theo dãy nhà giam cánh trái rồi vòng sang dãy xà lim đặc biệt, một nơi cần viếng thăm đã hiện ra trong cơn mưa nặng hạt: Khu đập đá khổ sai.

Bên trong lối vào khu đất trống xây tường cao bao bọc kia chính là nơi cụ Phan từng vung búa đập đá hồi năm 1908. Thật khó hình dung đây lại là chốn tạo “cảm hứng” để cụ viết bài thơ Đập đá Côn Lôn nổi tiếng. Khu đập đá nhỏ hẹp so với tổng diện tích lên đến hơn 12.000m2 của Bagne 1 (banh 1, lao 1), sau nhiều lần đổi tên đã dừng lại với lối gọi trại giam Phú Hải.

Bài thơ “Đập đá Côn Lôn” khắc giới thiệu bên ngoài khu đập đá.
Bài thơ “Đập đá Côn Lôn” khắc giới thiệu bên ngoài khu đập đá.

…Côn Đảo nhìn đâu cũng thấy đá. Từ sân bay Cỏ Ống đi về phía trung tâm huyện đảo, xe men theo cung đường ngoằn ngoèo băng qua các dãy núi đá. Các dãy đá granite chạy từ phía tây nam đến đông bắc, điểm cao nhất của quần đảo là đỉnh núi Thánh Giá trên đảo lớn Côn Sơn. Nhưng không chỉ có granite. Các nhà địa chất còn nhận ra quần đảo quy tụ 16 hòn này rất đa dạng, gồm cả đá mácma Mesozoi xâm nhập axít, đá mácma phun trào axít và phun trào trung tính… Từ những “vựa” đá phong phú này, nhà cầm quyền bắt các tù nhân khổ sai đẽo gọt, vận chuyển rồi xây thành lao, thành bờ tường để giam cầm chính họ. Sở làm đá (khu đập đá khổ sai) cũng cho ra “thành phẩm” là đá hộc để xây tường và đá dăm làm đường.

Bài thơ Đập đá Côn Lôn khắc trang trọng ngay mé bên trái lối vào khu đập đá khổ sai, còn mé phải khắc những dòng giới thiệu cho du khách biết về “lai lịch” bãi đất được vây bởi 4 bức tường, thoạt xem không mấy đặc biệt. Để viết được mấy câu Đường luật “Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập vỡ mấy trăm hòn” và buông dòng cuối “Gian nan chi kể chuyện con con”, hẳn cụ Phan đã vắt kiệt sức. Nhưng đứng trước lối vào, trong buổi chiều lạnh, tôi mường tượng ra nụ cười ngạo nghễ của cụ Tây Hồ. Ngay trong cuốn hồi ký về Trung kỳ dân biến năm 1908 (vụ việc khiến cụ Phan bị đày ra Côn Đảo), cụ chỉ dành một đoạn rất ngắn để viết về thảm trạng lúc đi đày, đếm kỹ chỉ đúng có 3 câu. Sau này, các nhà nghiên cứu còn diễn giải thêm rằng, khi giam ở Hộ thành (Huế), lúc giải ra cửa Thượng Tứ cụ tưởng mình bị dẫn đi chém. Khi hỏi người lính áp tải biết mình đang trên đường đày đi Côn Lôn, cụ đã ứng khẩu ngâm bài thất ngôn tứ tuyệt với câu cuối đầy hào sảng: Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn (Thân trai nào sợ cái Côn Lôn).

Những tảng đá lớn ở “cái Côn Lôn” kia, dường như đã phả vào hồn của những viên đá khác để vun thành nấm mồ cho một con người ngay thẳng khác: cụ Nguyễn An Ninh.

Liệt sĩ chi mộ

Cụ Nguyễn An Ninh có mối liên quan kỳ lạ với cụ Phan Châu Trinh.

Từ năm 1920, ngay trên đất Pháp, chàng trai 20 tuổi Nguyễn An Ninh đã bắt đầu tham gia hoạt động chính trị và thường làm phiên dịch, đưa cụ Phan Châu Trinh đến Bộ Thuộc địa gặp Bộ trưởng Albert Sarraut nêu nhiều yêu sách. Đến năm 1925, cụ Phan và nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu về nước, ở tại khách sạn của cụ Nguyễn An Khương (thân sinh Nguyễn An Ninh). Trong lần đầu tiên nhà cách mạng Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt giam (24.3.1926), ngay tối hôm đó cụ Phan Châu Trinh từ trần. Mãi đến khi bị bắt giam lần thứ năm vào năm 1939, Nguyễn An Ninh bị án lưu đày ra Côn Đảo và mất năm 1943, hưởng dương 43 tuổi. Cụ đã không thể chờ để chứng kiến một nước Việt Nam độc lập…

Vậy là Côn Đảo đón rồi đưa cụ Phan trước cụ Nguyễn, cách nhau chừng 30 năm. Có dịp viếng hương cụ Nguyễn An Ninh ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi biết thêm câu chuyện khác về đá Côn Lôn.

Nấm mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh được con cháu cụ lập năm 2005, bia mộ tạc uy nghi 4 chữ “Liệt sĩ chi mộ”. Những dòng chữ khắc ở khuôn viên mộ ghi những chi tiết xúc động. Theo lời kể của một người bạn tù chính trị, năm 1944, họ được ra làm đường bên núi Chúa và bàn nhau nhanh chóng xây mộ Nguyễn An Ninh. Từng viên đá được họ âm thầm đẽo vuông cạnh và giấu kỹ, khi thấy đủ số lượng liền hẹn nhau lấy hồ mang đến xây thành nấm mộ. Vài hôm sau, bọn cai ngục biết chuyện, huy động lính ra đập phá. Cứ thế, xây xong lại bị đập, cho đến lần thứ ba. “Lần thứ ba, chúng tôi dặn thợ hồ pha hồ thật già. Chúng đập nhưng không phá được. Chúng tôi lại sửa. Và ngôi mộ đá xanh của ông đã được giữ gìn cho đến ngày độc lập 1945”, một đoạn khắc theo lời người bạn tù.

Cố giáo sư sử học Trần Văn Giàu cũng đã bình luận về nghĩa cử ấy: “Những người tù thường phạm và lính gác ngục người quá cố, cảm phục người cách mạng, mỗi người một viên đá lén đánh dấu nơi chôn cất ông. Dần dần nổi lên một ngôi mộ đá Nguyễn An Ninh giữa hàng nghìn hàng vạn ngôi mộ cát mà gió biển Đông không phân biệt đã bào mòn thành bình địa”.

Một người đập đá Côn Đảo, người khác được đá Côn Đảo vun thành nấm để mộ chí khỏi thất lạc. Dường như có một chữ “duyên” kỳ lạ ở chốn được mệnh danh là địa ngục trần gian.

Ma Thiên Lãnh

Có một di tích đá khác nữa, mà ai đến Côn Đảo cũng muốn tìm tới.

Ma Thiên Lãnh mang trong mình câu chuyện một cây cầu đã gãy, đúng hơn là cây cầu không bao giờ thành hình, một cây cầu dang dở. Nằm ngay phía trước cổng vào vườn quốc gia Côn Đảo, di tích ấy chẳng khác nào bờ kè đá rộng chừng dăm bảy thước, như vẫn thường thấy ở bất cứ vùng đồi núi nào. Xem kỹ, đấy là 2 mố cầu bỏ dở kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, lẽ dĩ nhiên con đường dẫn về núi Chúa không bao giờ trọn vẹn. Nhưng đã có đến 356 tù nhân vong mạng tại đây.

Khởi động năm 1930, tù khổ sai phải vác đá xây dựng cầu. Họ khiêng từng tảng đá lớn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa thế cheo leo, ăn uống thiếu thốn, lại bị đánh đập dã man… nên lần lượt ngã xuống. Suốt 15 năm chỉ xây được 2 mố cầu, một “kỷ lục” kỳ dị nhưng đẫm máu. Khi nhận ra thâm ý của nhà cầm quyền là muốn giết dần tù nhân thông qua việc xây cầu nhưng không bao giờ hoàn thành công trình, tù khổ sai đã đặt cho nó cái tên ẩn chứa kinh hoàng và chết chóc: Ma Thiên Lãnh.

Ở góc núi ấy, giờ có tấm bia bình dị để ghi dấu. Tấm bia mang hình một phiến đá xẻ, góc nhọn như vừa được vạt, rất sắc. Tôi tình cờ nhận ra, nhiều tấm bia di tích ngoài Côn Đảo cũng mang hình phiến đá sắc cạnh như thế. Từng phiến đá, cụm đá, tường đá… nơi đây như mang thân phận và có linh hồn. Phận đá, hồn đá có lẽ đã hun đúc tinh thần để những chí sĩ, nhà yêu nước kiên gan trước đòn thù.

Từ vóc dáng của đá, hậu thế nghĩ sâu hơn về cái giá phải trả cho một xứ sở độc lập, về ngày độc lập…

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH