Hoài niệm những dòng sông
Với 38 tản văn – truyện ký trong tập Trăng Xà No rọi Thu Bồn (NXB Văn học, 2018), tác giả Hoàng Quy dẫn dắt chúng ta về những hoài niệm mênh mang từ kinh xáng Xà No đến sông mẹ Thu Bồn và những con sông trong “quán tưởng” vô biên xứ.
Tập sách Trăng Xà No rọi Thu Bồn. |
Từ khi an định vùng đất mới mỡ màu giàu phù sa và vui đời giản dị với những người dân chân chất vùng Nam Bộ, Hoàng Quy luôn nhớ và thầm biết ơn dòng sông đã nuôi em những ngày khôn lớn. Dòng sông mà mẹ cha đã cưu mang và gieo hạt lành để đến giờ anh còn nặng nợ nỗi thương yêu. “Lắm lúc tôi phải đem cả tâm hồn mình ra phơi nắng ở đầu sông, phơi trăng cuối bãi. Và tôi mãi mãi là con nợ của dòng sông Thu Bồn” (Mùa xuân phía đầu nguồn). Hay có bữa trăng thanh gió mát anh lại nhớ bao điều xa xôi: “Tôi muốn ôm hết vào lòng những điều giản dị nhất, chân thật nhất… Và tận trong sâu thẳm tôi đã lặng thầm bắc nhịp cầu từ đầu nguồn dòng sông Thu Bồn hùng vĩ chảy xuôi về kinh xáng Xà No rộng rinh để sưởi ấm hồn tôi suốt một đời… (Trăng Xà No rọi Thu Bồn).
Rồi anh len lỏi qua những vùng quê từ Vị Thanh đến Đèo Le, Trung Phước, Phường Rạnh… Tất cả luôn thao thức trong tâm hồn Hoàng Quy, để rồi anh vẫn nghe vẫn nhớ đến “Tiếng rao hàng, tiếng guốc kéo lê trên hè phố, tiếng mưa rơi trên mái ngói âm dương, một vầng trăng rơi trên phố khuya, vạt nắng chiều vương nhớ trên mái chùa cong… tất cả là hồn của phố, của một Hội An (Đêm phố xưa). Nhưng Hoàng Quy không chỉ nhớ những vùng đất mà anh đã sinh ra lớn lên và sống hết phần đời nơi ấy trong nỗi khắc khoải về cái ngày xưa. Biết bao kỷ niệm ngọt bùi, cay đắng gắn liền với những con người một thời sống cùng với tác giả, như chị Thuấn, chị Ngọc bây giờ biết tìm ở nơi đâu… Anh nhớ: “Tiếng thở dài thườn thượt, chị trằn trọc, nghe não cả người. Mỗi đêm, rồi mỗi đêm cái âm thanh buồn bã, não nề ấy như nó đang theo chị, nó đang đốt cháy từng thớ thịt của chị, như bụi hoa hồng trước cửa đang khô héo trong nắng xuân” (Hai chị cũng như sen).
Dòng sông từ độ ta đi, ta nhớ, ta mong và thiết tha một ngày về. Và anh đã về như “Em với ta từ thuở nguyên khai/ Trời riêng, hạc réo nguyệt non đoài” (Đường lên thiên cốc). Trong lời giới thiệu Trăng Xà No rọi Thu Bồn, Nguyên Cẩn viết: “Cuộc hành trình viễn du từ kinh xáng Xà No đến dòng Thu Bồn, qua bao nhiêu vùng đất Hậu Giang hay xứ Quảng, vẫn thao thức như Odyssey muốn chủ động dấn thân tìm về quê hương, tìm bóng sơ tâm, mùa xuân sơ ngộ, chứ không mong cầu ân sủng cứu rỗi từ thiên thai rót xuống: “Ta về ngóng lại dư vang/ Rồi mai ly biệt lên đàng nhớ nhung” (Bùi Giáng)”.
ĐÌNH QUÂN