Đình làng Giáo Ái: Ngưỡng vọng dấu xưa

BÍCH LIÊN 31/08/2018 02:38

Đình làng Giáo Ái (xã Điện Hồng, Điện Bàn) - chứng tích của thời gian - đã bị chiến tranh xóa sổ, chỉ còn nền móng cũ hoang tàn và hai trụ biểu. Với tâm thức ngưỡng vọng người xưa, ý thức về nguồn cội, dân làng Giáo Ái nói riêng, xã Điện Hồng nói chung quyết tâm phục dựng, trùng tu đình xưa…

Chính quyền và nhân dân làng Giáo Ái (xã Điện Hồng, Điện Bàn) đang nỗ lực chung tay phục dựng đình làng Giáo Ái từ nguồn lực xã hội hóa.  Ảnh: BÍCH LIÊN
Chính quyền và nhân dân làng Giáo Ái (xã Điện Hồng, Điện Bàn) đang nỗ lực chung tay phục dựng đình làng Giáo Ái từ nguồn lực xã hội hóa. Ảnh: BÍCH LIÊN

Dấu xưa…

Gia phả tộc Lê Văn làng Giáo Ái ghi chép, làng Giáo Ái là kết quả của quá trình Nam tiến mở cõi. Đấng Thủy tổ tiền liệt họ Lê là ông Lê Văn Sóc (SN 1417, quê Bắc Hà, Lào Cai) cùng vợ là bà Trần Thị Đào (SN 1418) từ Bắc vào khai phá đất đai lập doanh trại, kiến tạo cơ nghiệp làng xã. Ông bà khai phá, bình địa được 467 mẫu đất công điền (307 mẫu đất công và 160 mẫu đất tư điền thổ tọa lạc tại xứ đất Ông Mai, Nhà Tạo, Lò Gạch), lập bản đồ địa bộ làng xã và tên làng Giáo Ái chính thức ra đời vào năm 1490. Tưởng nhớ công đức khai cơ lập nghiệp, dân làng suy tôn họ là tiền hiền làng Giáo Ái. Lăng mộ ông bà Lê Văn Sóc - Trần Thị Đào nằm tại xứ đất Nhà Tạo (thôn 4, xã Điện Hồng ngày nay).

Nhà thờ tộc Lê Văn xây dựng năm 1766, được trùng tu vào năm 1922 và khoảng năm 1965 - 1966 bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn… Căn cứ vào quá trình khai đất, lập làng và thời điểm ra đời nhà thờ tộc Lê Văn, đình làng Giáo Ái có lẽ được khai sinh thời này và có niên đại gần 400 năm.

Theo những cán bộ cách mạng lão thành từng hoạt động ở vùng Điện Hồng, đình Giáo Ái nằm ở địa thế vắng vẻ, giáp với các vùng cây cối um tùm, thuận lợi cho cơ sở cách mạng bám vùng, vận động nhân dân góp gạo nuôi quân. Cụ Lê Trí Miễn từng là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến lâm thời, hoạt động ở Giáo Ái những năm 1945 - 1946, hay như ông Trần Văn Minh, tức Lê Văn Tuệ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân xã Điện Hồng… cũng đã một thời gắn bó với mái đình này khi hoạt động cách mạng. Ông Lê Văn Lương, người từng tham gia đội tự vệ chiến đấu tại Giáo Ái những năm 1948, hiện sống ở làng Giáo Ái, kể: “Những năm 1945 - 1954, đình là địa điểm rút lui trú ẩn của cách mạng. Vì thế, quân địch tăng cường bắt bớ, tra tấn đến chết cán bộ cách mạng, thậm chí là những người chúng chỉ mới tình nghi ở tại đình, để uy hiếp tinh thần của nhân dân”.

Cán bộ lão thành cách mạng Võ Đình Phàn (Võ Đình Tặng, SN 1923) từng kể, năm 1945, tổ chức cách mạng họp ở đình, bàn phương án đi cướp chính quyền tại Điện Bàn, do các ông Lê Minh Hường, Lê Trí Hiển, Võ Pháp, Lê Thăng và Lê Huy chỉ huy. Năm 1946, đình làng Giáo Ái cũng là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên; đây cũng là nơi năm1945 các ông Hường, Hiển, Pháp, Thăng, Huy cùng với ông Trần Văn Minh (Lê Văn Tuệ) - ủy viên kháng chiến lâm thời vận động nhân dân hưởng ứng Tuần lễ vàng đóng góp vào ngân quỹ quốc gia.

Chung tay phục dựng

Qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, khuôn viên đình làng Giáo Ái nay chỉ còn hai trụ biểu với những chữ viết còn sót lại đã mờ và dấu nét bị xóa nhòa. Ông Lê Văn Mân - Trưởng Hội đồng gia tộc tộc Lê Văn làng Giáo Ái chia sẻ, trong tâm thức của người Việt thì đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa - xã hội, hội tụ tín ngưỡng tâm linh. Cụ Lê A (93 tuổi), hậu duệ của tộc Lê Văn chia sẻ: “Thế hệ tôi đã gần đất xa trời, mong một ngày nhìn thấy ngôi đình được phục dựng để con cháu có nơi đi về, khói hương, tri ân tổ tiên” - cụ Lê A tâm sự. Còn ông Lê Văn Quới (80 tuổi) nói, cách đây mấy năm, dân làng Giáo Ái đã khôi phục nghi lễ cúng tế đình làng xuân thu nhị kỳ, cúng cầu an đầu năm trên nền móng đình cũ rất trang nghiêm, tề tựu già trẻ các tộc họ lớn nhỏ.

Ông Võ Văn Cường (SN 1950) - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, tuổi thơ ông từng học ở đình làng, và cũng đã có biết bao người thành danh đi ra từ mái đình này. “Đình làng là chứng tích văn hóa - lịch sử của đất và người qua biến thiên, dâu bể, là dấu ấn văn hóa tâm linh, song từ năm 1968 tới nay, kể từ khi bị Mỹ dội bom xóa sổ, đình vẫn chưa được phục dựng. Dù đã xin chủ trương từ chính quyền, song cái khó hiện nay là kinh phí trùng tu đình làng đều vận động từ nguồn xã hội hóa. Nhưng khó đến mấy chúng tôi cũn quyết tâm làm hết sức mình để phục dựng ngôi đình này nhằm tưởng nhớ công lao của người đi trước, vừa tạo nơi chốn nhắc nhớ con cháu không được quên nguồn cội” - ông Cường nói.

 BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN