Cách nào bảo tồn văn hóa miền núi?
Bảo tồn các giá trị văn hóa miền núi như thế nào vẫn luôn là trăn trở từ bao lâu nay của rất nhiều người, nhiều thế hệ. Dọc dải Trường Sơn, cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn đang từng ngày đối mặt với nguy cơ mai một, biến dạng bản sắc. Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến chia sẻ của những người trong cuộc về câu chuyện này…
Tin liên quan
|
Lễ hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Nhạc sĩ Dương Trinh - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam: Không nên cấm đoán lễ hội của đồng bào
Không thể tránh khỏi thực trạng mai một, văn hóa miền núi bị xâm lấn từ phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, âm nhạc… Các phong tục tốt của làng bị biến dạng, không thể giữ nền nếp như xưa; âm nhạc không thể duy trì các làn điệu, nhạc cụ truyền thống bởi sự xâm nhập của rất nhiều yếu tố ngoại lai. Giờ người dân bản làng nào cũng có ti vi, có cả thiết bị công nghệ hiện đại, không thể trách đồng bào vì ngày nào họ cũng nghe nhìn nhiều những chương trình giải trí hiện đại như vậy. Nó ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa truyền thống lúc nào không hay.
Cách nào để bảo tồn tốt nhất? Tôi nghĩ, việc đồng bào các dân tộc thiểu số phải thích ứng với cuộc sống mới là điều đương nhiên, không thể trách họ. Ai cũng thích tiện nghi, hiện đại. Chỉ có điều, Nhà nước, chính quyền phải là người làm công tác tuyên truyền định hướng đường đi để giữ lại những điều tốt đẹp của văn hóa miền núi. Miền núi thì phải có lễ hội, thông qua lễ hội mới thấy được giá trị văn hóa, mới kích thích được lòng tự hào về bản sắc của tộc người mình trong giới trẻ. Nhưng nhiều nơi lại nói lễ hội là tốn kém, lãng phí. Trong khi các điệu chiêng, dân vũ… chỉ trong lễ hội mới có dịp biểu diễn. Tôi nghĩ nếu tổ chức lễ hội ở quy mô vừa phải, đánh thức các giá trị văn hóa truyền thống thì đó là cách hữu hiệu để thực hiện công tác bảo tồn. Không nên cấm đoán lễ hội của đồng bào. Đồng bào ai cũng tôn trọng văn hóa của tộc người mình. Vấn đề là cần sự định hướng như thế nào để lễ hội của đồng bào vừa mang tính chất bảo tồn vừa mang tính chất giáo dục.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn (tỉnh Phú Yên): Nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội truyền thống
Ở Phú Yên hiện có 31 tộc người thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là các tộc người Chăm, Ba Na và Ê Đê có quá trình định cư hơn 200 năm. Những lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số với các nghi thức sinh hoạt độc đáo cũng chủ yếu tập trung rõ nét ở 3 tộc người này, như lễ hội đâm xoay cột trâu, lễ cúng bến nước, lễ hội cồng chiêng… Tuy nhiên cũng như các nơi khác, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên cũng đã mai một nhất định.
Trước sự mai một trong văn hóa truyền thống của đồng bào, những năm qua ngành văn hóa tỉnh Phú Yên cũng đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa các tộc người. Trong đó, nghiên cứu và phục dựng rất nhiều lễ hội truyền thống; đồng thời bảo tồn những giá trị bản sắc văn hóa của từng tộc người, cũng như sưu tầm và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu lễ hội, nghi thức, phong tục tập quán; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa thể thao đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài ra, từ việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Trung ương 9 (khóa XI) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, trên cơ sở định hướng công tác bảo tồn và thực hiện các hoạt động văn hóa theo sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam, đáp ứng với tình hình thực tiễn chung hiện nay.
Ông Nguyễn Tri Hùng - người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa miền núi Quảng Nam (hiện sống tại Đà Nẵng): Phải làm cho đồng bào tự hào về làng mình
Nhiều năm rồi, tôi vẫn luôn mong về câu chuyện “bảo tồn sống”, bảo tồn “cái vốn như vậy” ngay trong cộng đồng của người miền núi. Trong chừng mực nào đó, đã có nhen nhóm tin vui ở Tây Giang. Nhưng phần lớn, ở các địa phương, bảo tồn theo kiểu sân khấu hóa là chủ yếu. Những giá trị văn hóa phi vật thể, dân tộc học… chỉ thực sự có ý nghĩa, thật sự được bảo tồn nguyên gốc khi góp mặt trong đời sống. Làm sao để từ ý thức của đồng bào hiểu được những giá trị cổ truyền của dân tộc mình là vốn quý, họ phải tự hào về làng mình để từ đó tự bảo tồn văn hóa làng trong đời sống hàng ngày, chứ không phải đợi Nhà nước dựng lên các hội lễ. Việc tiếp nhận vốn văn hóa khác, đương nhiên, là một điều tốt; nhưng chắt lọc, gạn đục khơi trong để mở lòng đón nhận thì e quá khó. Sự phân định tốt - xấu mong manh như làn sương. Ai là người làm nên sự phân định đó cho đồng bào? Tri thức bản địa của cư dân miền núi và chính môi trường sống của họ tạo nên bản sắc, không ai có thể phủ nhận. Họ dùng tri thức đó để ứng xử với môi trường tự nhiên. Nên những sự đầu tư từ phía Nhà nước cần phải nắm rõ nguyên tắc đó.
Ngày trước, khi tôi còn công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, ở những cuộc hội thảo bàn về việc gìn giữ bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, các nhà văn hóa dân gian cho rằng đừng nên đặt nặng vấn đề phải giữ nguyên bản nhà làng truyền thống. Nếu cố gắng nơi nào giữ được thì giữ, không thì nên khích lệ đồng bào giữ lại kết cấu kiến trúc của khung nhà làng, chấp nhận phương án giữ kết cấu về bộ khung gỗ, các giá trị nghệ thuật… và có thể dùng vật liệu mới để thay cho mái. Ở đây, vấn đề không phải là gìn giữ những ngôi nhà làng - tức văn hóa vật thể như thế nào, cái chính là không gian văn hóa xung quanh nhà làng - văn hóa phi vật thể - phải phát huy và giữ gìn ra sao mới là điều đáng bàn. Khi tái định cư xây dựng nông thôn mới phải xác định được ý thức dựng làng theo lối của người miền núi, tức là văn hóa làng phải được duy trì. Ở mỗi điểm dân cư phải tính đến chuyện dành quỹ đất cho sinh hoạt cộng đồng để tiến hành các nghi lễ về tín ngưỡng và các hoạt động văn hóa khác của đồng bào. Vì như chúng ta biết, ở đồng bào, tính cố kết cộng đồng rất cao, bất cứ hình thức sinh hoạt nào đều tập trung cả làng, nên việc khai thác quỹ đất để dành cho không gian văn hóa xung quanh gươl là điều cần thiết…
Nhà nghiên cứu Yang Danh (tỉnh Bình Định): Mở cơ hội tiếp cận văn hóa truyền thống miền núi
Hàng chục năm qua, các hoạt động văn hóa, lễ hội của đồng bào Ba Na nói riêng và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Bình Định nói chung vẫn được gìn giữ, thông qua các nghi thức đâm trâu, ăn mừng lúa mới, kiến trúc nhà làng,… Ở nhiều nơi, mặc dù không còn nguyên vẹn như trước đây, nhưng nhiều nét sinh hoạt truyền thống như dân ca, dân vũ, trường ca, nghề thêu dệt, đan lát,… cũng đang tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Mặc dù vậy, do nhịp sống hiện nay nên nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đã dần bị phai nhạt, có nguy cơ biến mất. Ví dụ, lễ hội đâm trâu không còn xuất hiện như trước đây do số tiền mua trâu quá lớn; hay lễ hội ăn lúa rẫy cũng dần biến mất do việc trồng lúa trên nương, trên rẫy của đồng bào cũng dần không còn.
Ngoài ra, nhiều lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với việc đánh cồng, đánh chiêng; không biết đan lát, dệt thổ cẩm; xa dần với câu chuyện kể bằng trường ca, điệu múa truyền thống… càng khiến nhiều giá trị văn hóa có nguy cơ biến mất. Trước tình trạng đó, chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tìm cách khôi phục, không để văn hóa làng của đồng bào địa phương bị biến dạng, không phù hợp trong sinh hoạt cộng đồng vùng cao. Nhiều năm qua, bên cạnh vận động, tuyên truyền đồng bào cùng chung tay bảo tồn, chúng tôi cũng phối hợp nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật, những nét văn hóa đã và đang có nguy cơ biến mất; xuất bản nhiều tập sách, chữ viết về văn hóa tộc người trên địa bàn… Từ những hoạt động đó, chúng tôi đã triển khai nhiều lớp học, câu lạc bộ tại các thôn bản và trường dân tộc nội trú, giúp đồng bào và các cháu học sinh có cơ hội tiếp cận, nâng cao trách nhiệm bản thân và yêu hơn văn hóa của đồng bào, dân tộc mình.
SONG ANH - ALĂNG NGƯỚC