Cuộc trình diễn của sắc màu
Một cuộc chơi riêng dành cho thổ cẩm và phục trang truyền thống, những sắc màu độc đáo sẽ có dịp hội tụ, phô diễn tại Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền Trung lần thứ III diễn ra ở Quảng Nam từ ngày 24 đến 26.8.
Tin liên quan
|
Trang phục truyền thống của người Co Quảng Ngãi. |
Những tương đồng
Tại lễ hội lần này, “chủ nhà” Quảng Nam chọn trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Tu - Ve - Tà Riềng bằng chất liệu thổ cẩm. Dễ dàng nhận thấy nét tương đồng trong phục trang của đồng bào dân tộc ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới cho hay, tại lễ hội lần này, huyện A Lưới tham gia phần trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu - Tà Ôi và Pa Kô. “Cùng là người Cơ Tu nên phần trình diễn trang phục truyền thống của đoàn ALưới không khác biệt với đoàn Quảng Nam. Người Tà Ôi ở A Lưới nổi tiếng với thổ cẩm zèng khá độc đáo, sẽ góp thêm một phần trình diễn đầy màu sắc tại lễ hội” - bà Thêm cho hay. Dịp này, tỉnh Quảng Ngãi cũng tham dự lễ hội với phần trình diễn trang phục truyền thống của người Co. Người Co ở Quảng Ngãi cũng có trang phục và các tập tục tương tự so với người Co ở Bắc Trà My. Với đặc điểm nam giới đóng khố, cởi trần, khố dệt trên nền chàm đen, hoa văn thường được bố trí dọc, có tua. Váy thổ cẩm của nữ cũng là váy chàm đen, chân váy có thể có nhiều tua màu sặc sỡ và áo cộc tay. Đoàn diễn viên, nghệ nhân người Co ở Quảng Ngãi cũng là khách quen khi xuất hiện tại nhiều sự kiện văn hóa các dân tộc của Quảng Nam những năm qua.
Theo tiến sĩ Trần Tấn Vịnh, qua nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số, cho thấy điểm chung lớn nhất trong bộ trang phục truyền thống của các dân tộc tại lễ hội lần này là hầu hết thổ cẩm được dệt thủ công từ chất liệu bông vải, với sắc chàm chủ đạo. Ngoài ra, nhiều tộc người sinh sống trên dãy Trường Sơn, đàn ông thường mặc khố, cởi trần; phụ nữ mặc váy, áo tay dài (hoặc áo tay giả). Đồng thời sử dụng nhiều trang sức hạt cườm, mã não cho cả đàn ông và phụ nữ, trong đó trang sức của đàn ông đa dạng, thể hiện sự mạnh mẽ với nanh vuốt, mã não kích thước lớn. Bên cạnh đó, một số dân tộc còn sử dụng vòng đeo cổ chân, cổ tay, vòng cổ… “Tuy nhiên, mỗi dân tộc có một đặc trưng, mang đậm bản sắc vùng miền. Ví dụ, trong trang phục của một số dân tộc khác như Chăm, Mạ thường ít sử dụng chất liệu vải chàm. Một sự khác biệt của các dân tộc là sự cách điệu trong họa tiết, hoa văn, kiểu dáng trang phục, mà nổi bật nhất là ở trang phục của phụ nữ” - ông Vịnh nói. |
Một nét độc đáo khác của các dân tộc tham dự lễ hội lần này, là sự xuất hiện khá dày đặc các loại trang sức trên trang phục truyền thống. Hầu như dân tộc nào cũng chú trọng sử dụng trang sức như điểm nhấn quan trọng cho bộ sắc phục truyền thống dân tộc mình. Từ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đến Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, trang sức trở thành một phần không thể thiếu trong trình diễn trang phục truyền thống. Cùng với thổ cẩm màu chàm, những bộ trang sức sặc sỡ bằng hạt cườm, mã não vừa quen, vừa lạ nhờ cách sắp xếp, bố trí của từng tộc người góp vào lễ hội.
Dấu ấn đặc trưng
Dù có khá nhiều nét tương đồng, song các đơn vị tham dự đều thể hiện được nét độc đáo của tộc người đại diện cho địa phương mình. Ngay cả với các tộc người có văn hóa khá tương đồng như Cơ Tu của Quảng Nam và Tà Ôi, Pa Kô của A Lưới, nhưng thông qua trang phục vẫn nhận ra nét riêng. “Nghề dệt thổ cẩm zèng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chúng tôi sẽ chọn giới thiệu những bộ trang phục thổ cẩm zèng đẹp nhất, độc đáo nhất đến các đoàn bạn và đông đảo người xem. Ngoài ra, ngay trong thổ cẩm của người Pa Kô, cũng đã có yếu tố khác với thổ cẩm Cơ Tu, khi màu đỏ trở thành màu sắc chủ đạo của trang phục thay vì màu chàm, và người Pa Kô không sử dụng hạt cườm để tạo họa tiết cho thổ cẩm” - bà Lê Thị Thêm nói.
Nếu như Quảng Nam chọn trang phục người Cơ Tu - Giẻ Triêng làm đại diện, thì Thanh Hóa chọn người Thái, Bình Định chọn người Chăm, Khánh Hòa cử đoàn diễn viên, nghệ nhân người Raglai ở huyện Khánh Sơn tham dự. Ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, tộc người Raglai là tộc người thiểu số lớn nhất ở Khánh Hòa sẽ đại diện tham dự tất cả nội dung giao lưu văn hóa. “Trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết một tộc người, không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật, lịch sử của tộc người ấy. Tại lễ hội lần này, chúng tôi mang đến các bộ trang phục theo đúng nguyên bản truyền thống của người Raglai. Trai gái người Raglai sẽ diện chiếc áo, chiếc cà chăn, quấn khăn, đeo trang sức… của dân tộc mình, vừa giới thiệu nét đẹp, vừa quảng bá sắc phục trong sự đa dạng của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam” - ông Ân nhấn mạnh.
Dự kiến, chương trình trình diễn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số sẽ diễn ra trong ngày 24 và 25.8, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Hiện tại, các đoàn đều đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho phần trình diễn này. Cùng chờ đợi những sắc màu tỏa sáng, nơi hội tụ vẻ đẹp, sự tài hoa cũng như nét độc đáo của những dân tộc anh em, trong một “cuộc chơi” dành riêng cho trang phục truyền thống…
PHƯƠNG GIANG - ĐĂNG NGUYÊN