Những đôi mắt của phố Hội
Những “đôi mắt” của phố Hội là những “nhân chứng” sống động biểu trưng cho nét văn hóa riêng của phố Hội…
Có hơn 20 kiểu “mắt cửa” đang tồn tại nơi những tòa nhà cổ kính ở phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Một ngày đầu thu năm 2005, tôi lạc bước trong khu phố cổ Hutong (Hồ đồng) nằm gần tòa tháp Gulou (Lầu trống) ở phía bắc Tử Cấm Thành Bắc Kinh (Trung Quốc). Bất ngờ, tôi nhìn thấy những đôi “mắt cửa” ở trên cổng của các tòa nhà cổ ẩn dật trong những ngõ phố chằng chịt của Hutong.
Một thoáng ký ức vụt hiện trong tâm trí tôi: những con phố nhỏ xinh với những tòa nhà cổ kính ở phố cổ Hội An, nơi cũng có những đôi “mắt cửa” tương tự, nhưng nhiều hơn về số lượng, phong phú hơn về loại hình và đặc sắc hơn về kiểu thức và trang trí.
Chỉ vào đôi “mắt cửa” nơi một tòa nhà cổ, tôi hỏi một lão ông đang ngồi phe phẩy chiếc quạt trước thềm nhà: “Thưa cụ, đây là cái gì?”. Ông lão trả lời: “mén zān”. Tôi đưa cho ông cuốn sổ và cây bút. Ông viết lên đó hai chữ: 门 簪 (môn trâm).
À, thì ra người Hoa gọi “mắt cửa” là môn trâm (cây trâm cài cửa). Trâm là vật mà người phụ nữ dùng để bối tóc cho gọn gàng, đồng thời để tôn thêm vẻ đẹp và sự quý phái của họ. Dùng chữ môn trâm để chỉ “mắt cửa” của công trình kiến trúc, hẳn nhiên người Trung Hoa ngụ ý đó là thứ tôn thêm nét cao quý cho tòa nhà, nơi gia tộc bao đời của họ trú ngụ.
Về sau đọc thêm nhiều tài liệu, tôi được biết người Hoa còn gọi “mắt cửa” là mén dēng (môn đăng) và gọi hai trụ đá gắn ở hai bên bậc cửa những tòa biệt phủ của các bậc vương tôn, quý tộc, hào phú… là hù duì (hộ đối). Môn đăng, hộ đối kết hợp thành câu môn đăng hộ đối, nghĩa là “từ ngoài cửa cho đến trong nhà đều tương xứng”, hàm ý “việc chọn vợ gả chồng cho con cái phải xứng hợp với gia thế và địa vị của cả hai bên.
Từ nguyên của “mắt cửa” là vậy!
*
* *
Tôi từng rảo bước, không biết bao lần trên các con phố đầy ắp những kiến trúc cổ kính rêu phong ở phố Hội, mắt dõi nhìn những cặp “mắt cửa” nơi những tòa nhà mang kiểu thức Trung Hoa. Tôi cũng từng hỏi chuyện nhiều vị chủ nhân của những “đôi mắt phố Hội” ấy, cũng như những nhà nghiên cứu kỳ cựu về văn hóa Hội An về nguồn gốc và ý nghĩa của mắt cửa. Mỗi người có một kiểu lý giải khác nhau về “mắt cửa” Hội An. Nhưng họ đều cho rằng đó là những đôi mắt của ngôi nhà để nhìn đời và nhìn người, là linh hồn của môn quan, là mắt thần để canh giữ ngôi nhà, để đón những luồng sinh khí, những điềm lành vào nhà và bảo vệ cho gia chủ khỏi mọi tai ương, bất hạnh.
Nhiều người còn nói rằng: “Mắt cửa” ở phố Hội giống như nhân chứng của ngôi nhà. Khi ta bước ra, bước vào thì sẽ nhìn thấy “đôi mắt” ấy và sẽ tự kiểm soát lòng mình. Người tử tế thì thấy đó là “đôi mắt” thân thiện, tươi vui chào đón họ. Người có cái tâm không ngay sẽ có cảm giác những “đôi mắt” ấy đang dõi theo, kiểm soát mọi hành vi của mình.
Vài người còn đi xa hơn, cho rằng “mắt cửa” ở Hội An bắt nguồn từ thuyết “vạn vật hữu linh”, rằng sự vật cũng như con người đều có mắt nhìn thế giới xung quanh. Vì thế mà người Hội An đã vẽ lên ghe thuyền những đôi mắt ở hai bên mũi thuyền, và gắn “mắt cửa” lên nhà ở của họ.
Kỳ thực, tục vẽ mắt thuyền bắt nguồn từ tập tục của cư dân sông nước ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là đôi mắt của thần Orisis theo quan niệm của người Ai Cập từ năm 2.700 trước Công nguyên, khi họ vẽ lên những đôi mắt ấy lên những con thuyền độc mộc ngược xuôi trên trên sông Nil. Đó là cặp mắt có tác dụng hù dọa những loài thủy quái trên sông, trên biển và dẫn dắt ngư dân đến những ngư trường có nhiều tôm cá để đánh bắt theo quan niệm của cư dân thủy diện ở các nước Indonesia, Malaysia, Việt Nam… Và, giữa “mắt cửa” ở phố Hội và “mắt thuyền” trên dòng sông Hoài hay trên vùng biển ngoài khơi cửa Đại, theo tôi, thì không liên quan với nhau.
Vì rằng, “mắt cửa” là vật trang trí mang tính tâm linh chỉ có trên kiến trúc nhà ở và đình miếu của người Hội An gốc Hoa. Còn kiến trúc của người Hội An bản địa thì không có những “đôi mắt” này, kể cả những ngôi nhà ở làng mộc Kim Bồng nổi tiếng bên kia dòng sông Hoài, cũng không hề trang trí “mắt cửa”.
Những người Hoa đến Hội An từ các thế kỷ 17 - 18, lập nên cộng đồng Minh Hương, là chủ nhân của những “đôi mắt phố Hội”. Thoạt kỳ thủy, đó là những cái chốt gỗ, dùng để gắn khung cửa với trụ ngang phía trong, có dáng như một chiếc đinh. “Tai đinh” dày khoảng 10cm, rộng chừng 20cm - chính là “mắt cửa”; “chốt đinh” dài khoảng 30cm là “cái mộng” để gắn “mắt cửa” vào khung nhà. Từ vật dụng có chức năng liên kết trong kiến trúc gỗ truyền thống, “mắt cửa” đã trở thành vật trang trí mang tính tâm linh, với nhiều truyền thuyết và diễn giải khác nhau. Tuy nhiên người Hội An đã biết cách “Việt hóa” các “môn trâm” hay “môn đăng” gốc Hoa thành “mắt cửa” của người Việt và biến chúng thành “linh hồn” của phố Hội.
Có hơn 20 kiểu “mắt cửa” đang tồn tại ở các nhà cổ kính của phố cổ Hội An, với các kiểu thức và trang trí khác nhau: “mắt cửa” hình hoa cúc 6 cánh hay 8 cánh xoáy tròn; “mắt cửa” hình thái cực đồ (hình thái cực hình tròn chia làm hai nửa, với bốn biểu tượng thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương) có các cánh hoa bao quanh; “mắt cửa” hình bát quái; “mắt cửa” trang trí “lưỡng long triều nhật” (hai con rồng chầu mặt trời) hay “lưỡng long triều nguyệt” (hai con rồng chầu mặt trăng); “mắt cửa” hình hổ phù (mặt con hổ), biểu tượng của hai vị Thần Đồ và Uất Lũy mà người Trung Hoa và người Minh Hương ở Hội An tôn làm môn thần; “mắt cửa” hình “ngũ phúc lâm môn” (hình năm con dơi tượng trưng cho năm điều phúc: phú, quý, thọ, khang, ninh) hay “ngũ phúc viên thọ” (hình năm con dơi bay quanh chữ Thọ tròn); “mắt cửa” hình quả Phật thủ với các cánh hoa mềm mại bao quanh; “mắt cửa” hình bát giác khắc nổi những cát tường tự (chữ Hán mang lại điềm tốt lành) theo lối chữ triện…
*
* *
Trải mấy trăm năm, thương cảng Hội An từng hưng thịnh, rồi suy thoái và nay lại hồi sinh trong một diện mạo mới: di sản văn hóa của nhân loại. Nhưng những “đôi mắt” của phố Hội vẫn còn nguyên nơi ấy, vẫn là những “nhân chứng” sống động biểu trưng cho nét văn hóa riêng của phố Hội, giúp cho người Hội An nhìn đời, soi mình và răn dạy các lớp hậu sinh những điều tử tế, thiện tâm.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN