Di sản văn hóa: Cán cân giữa đầu tư và khai thác

LÊ QUÂN – TÂM THƯ 12/08/2018 03:41

Thời gian gần đây, đã xuất hiện rất nhiều cảnh báo từ các tổ chức quốc tế lẫn chuyên gia nghiên cứu văn hóa về sự khai thác “quá đà” các giá trị di sản để phát triển kinh tế. Hội An và Mỹ Sơn không thể ở ngoài cuộc của những lo lắng, cảnh báo này. Đặc biệt, trong guồng quay của phát triển du lịch, chọn lọc nhà đầu tư vẫn là một nan đề…

Khách du lịch tham quan Mỹ Sơn.  Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khách du lịch tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

NGUY CƠ TỪ "CƠN SỐT" HỘI AN

Thách thức không nhỏ với các di sản văn hóa tại Quảng Nam chính là cân bằng giữa khai thác giá trị di sản, đáp ứng cho phát triển kinh tế du lịch và đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn như thế nào để tương xứng… Thực trạng của Hội An cùng hàng loạt “cơn sốt” đầu tư đã đưa đô thị di sản này vào tình trạng báo động.

 “Ăn sẵn” giá trị

Chính quyền Hội An vẫn đang đau đầu tìm cách giải nhiều bài toán xung quanh những áp lực phát triển du lịch “đè” lên vùng lõi đô thị di sản này. Báo cáo từ Phòng Thương mại - du lịch Hội An cho biết, năm 2017 có 3,2 triệu lượt khách đến tham quan đô thị cổ. Con số này tăng dần đều trong suốt hơn 10 năm qua. Với diện tích khu phố cổ chỉ 0,3km2 nhưng mỗi ngày đón gần 1.000 lượt khách đến tham quan. Chưa kể, tình trạng ùn ứ trên các tuyến đường dẫn vào phố cổ vẫn thường xuyên diễn ra. Thêm một thông tin khá phức tạp đối với đô thị chọn phát triển du lịch làm sinh kế chính, năm 2016 Hội An xảy ra 57 vụ vi phạm hình sự thì năm 2017 có 80 vụ, nhiều vụ trong số này là cướp giật, trộm cắp. Thậm chí đã có những vụ đánh nhau đổ máu và du khách nước ngoài phải đâm đơn cầu cứu chính quyền. Ngoài ra, mỗi năm chính quyền thành phố này phải “hầu tòa” vì những vụ kiện từ người dân trong các vấn đề về mở rộng kinh doanh lưu trú hay thay đổi kết cấu di tích…

Hàng loạt vấn đề đặt ra cho chính quyền đô thị này khi lượng khách đến Hội An quá tải, đặc biệt ở quần thể các di tích cổ được UNESCO công nhận. Tăng trưởng quá nóng chính là nguy cơ dễ dàng làm mai một các giá trị di sản. Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng phòng Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trong một nghiên cứu cùng nhóm các chuyên gia của UNESCO nhìn nhận, sự bùng nổ của ngành du lịch gắn liền với các khu di sản thực sự ấn tượng, nhưng chính đây cũng làm dấy lên một loạt thách thức kinh tế, xã hội, môi trường. “Nó có thể dẫn đến một dòng khách du lịch lớn vượt quá khả năng của chúng ta. Chẳng hạn, trong buổi sáng thứ bảy, khách du lịch quá nhiều ở Hội An cũng làm giảm cảm xúc của chính họ với di sản này. Chưa kể, sự xuất hiện ngày càng nhiều tư nhân đầu tư lớn vào di sản để kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng không phù hợp ngay cạnh vùng lõi di sản, gây tác động không nhỏ” - nhóm nghiên cứu này cho biết.

Ở góc độ một nhà quản lý chuyên môn về bảo tồn di sản, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, có quá nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng như cơ sở kinh doanh “ăn sẵn” các giá trị Hội An tạo ra từ quá khứ đến hiện tại. Trong khi đó việc đầu tư ngược lại để trùng tu bảo tồn thường phải dựa vào nguồn kinh phí từ chính quyền địa phương thu được qua các chương trình kích cầu du lịch, bán vé tham quan lẫn các nguồn đối ứng từ các tổ chức phi chính phủ hoặc nguồn đầu tư từ các dự án của Trung ương. Các nhà đầu tư cho di sản lâu nay vẫn nghiêng về khía cạnh “khai thác” nhiều hơn bảo tồn. “Chúng tôi không thể phủ nhận việc hợp tác công tư giữa chính quyền và doanh nghiệp trong câu chuyện phát triển kinh tế cho những khu vực di sản. Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân ở vùng di sản đã đóng góp vào ngân sách địa phương một con số không nhỏ. Tuy nhiên, cần làm rõ kinh doanh ở khu vực di sản không chỉ đơn thuần là khai thác và phát huy” - ông Trung nói.

Bùng nổ đầu tư

Tiếp tục với câu chuyện phát huy hay biến đổi các giá trị di sản, nhóm nghiên cứu của các chuyên gia UNESCO tiếp tục đưa ra khuyến cáo về sự bùng nổ các tiện nghi, hạ tầng, nguy cơ công viên văn hóa giải trí và đánh mất di sản là có thật. Theo khảo sát từ nhóm nghiên cứu này, hiện các khu di sản, trong đó có Hội An, đang có nhiều ví dụ tương phản về chất lượng và hình ảnh của các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Nếu như may mắn gặp các nhà đầu tư quan tâm xây dựng các hạ tầng du lịch chú trọng tính nhạy cảm của di sản có thể giúp tăng cường hiểu biết và mối quan tâm về di sản, đồng thời kéo giãn mật độ khách du lịch ra ngoại vi vùng lõi, giảm bớt áp lực lên di sản. Trong khi đó, nếu cả chính quyền và nhà đầu tư có hoạch định thiếu nhạy cảm với di sản sẽ dẫn tới những rủi ro và xói mòn dần những giá trị nổi bật của di sản. “Nếu chính sách quản lý tiếp tục nhấn mạnh và chú trọng vào phương diện khai thác, nghiêng về việc chỉ thu hút các dự án đầu tư lớn và phát triển siêu hạ tầng, rõ ràng có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc phát triển bền vững tại các khu di sản” - nhóm nghiên cứu này chia sẻ thêm.

Đặt câu chuyện về Công viên Văn hóa giải trí Hội An (Gami Hội An) có thực sự tạo nên “ấn tượng” trong hàng chuỗi giá trị văn hóa của khu Đô thị cổ, ông Nguyễn Chí Trung cho biết, cả chương trình của Gami lẫn các show diễn của Lune (nhà hát nghệ thuật đương đại với các tác phẩm múa lưu diễn khắp thế giới – NV) đều là những sản phẩm du lịch có sức hút từ các nhà đầu tư lớn, góp phần hình thành thêm các sản phẩm văn hóa mới cho đất Hội An. “Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là địa điểm của những dự án này như thế nào. Nó quá gần với vùng lõi di sản và gây ra những tác động từ âm thanh, ánh sáng, cảnh quan môi trường… như lâu nay dư luận đã lên tiếng” - ông Trung nói. Và đây chính là một trong những vấn đề nảy nòi từ câu chuyện thiếu một quy hoạch tổng thể mang tầm nhìn chiến lược từ vùng lõi di sản đến vùng đệm của TP.Hội An.

Ngay ở những khu vực là vùng đệm của di sản, các cơn sốt bất động sản cũng như các dự án du lịch ồ ạt ra đời, thiếu sự kiểm soát cũng gây nên nhiều vấn đề. Ngay ở vùng Cẩm Thanh, chủ trương khai thác du lịch kết hợp với nuôi trồng thủy sản tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu tạo điều kiện để cộng đồng cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, việc quản lý thiếu chặt chẽ đưa đến tình trạng người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây dựng các công trình kiên cố bằng bê tông, cốt thép. Số liệu từ năm 2017 của chính quyền thành phố cho biết, đã có 20 trường hợp vi phạm xây kè chắn, lấn chiếm rừng, sông trái phép. Thừa nhận hàng loạt tình trạng từ cò mồi, chen lấn, lộn xộn, quá tải cơ sở hạ tầng cũng như không thể kiểm soát tốc độ phát triển du lịch gây nhiều tác động cho di sản, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, các thách thức giữa bảo tồn và phát triển cần phải được giải quyết, cũng như chính quyền đô thị này đang tháo gỡ và khắc phục từng bước, tuy nhiên, không thể một sớm một chiều có thể giải quyết ngay. Trong khi đó, con số từ Trung tâm Hỗ trợ du khách tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã có đến 120 phản ánh của du khách về tình trạng bị “chặt chém” và mất tài sản…

TÌM CÁCH CÂN BẰNG

Làm gì để cán cân giữa khai thác và bảo tồn không bị “lệch pha” phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ quyết sách của địa phương đến việc huy động cộng đồng cùng tham gia trong câu chuyện bảo tồn di sản.

Hội An phát triển du lịch di sản, thu hút lượng lớn du khách.
Hội An phát triển du lịch di sản, thu hút lượng lớn du khách.

Tại phiên Đối thoại của Hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” (tổ chức hồi tháng 7 tại Quảng Ninh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, để thúc đẩy sự tham gia của nhân dân, cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy di sản thế giới thì cần phải đưa ra những quan điểm nhất quán từ chính quyền địa phương đến cộng đồng dân cư. Ông cho rằng: “Trước hết, chúng ta cần nhất quán quan điểm di sản, di tích luôn luôn ở trong đời sống xã hội, nhân dân vừa là người sáng tạo vừa là người bảo vệ và hưởng thụ giá trị văn hóa ấy, phù hợp với công ước quốc tế về bảo vệ di sản, với thông điệp “Cộng đồng chung tay bảo vệ di sản” mà UNESCO đang kêu gọi. Thông qua việc phát huy vai trò cộng đồng cư dân địa phương, với nhiều hình thức, từ xây dựng môi trường văn hóa, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa, về các giá trị nhân văn, các hệ giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng dân cư, làm cho cộng đồng thêm gắn bó với di sản, xem mình là chủ thể của di sản”.

Trong quá trình bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản của Hội An và Mỹ Sơn, Quảng Nam luôn vận động người dân tham gia các hoạt động tìm hiểu về di sản, đóng góp vào việc giới thiệu, bảo tồn, trùng tu di sản. Đó cũng là động lực đảm bảo cho việc người dân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản hết sức tích cực. “Nhìn từ Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, bên cạnh việc phát huy vai trò cộng đồng cư dân địa phương, cần xác định việc bảo vệ di tích cũng là trách nhiệm của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khai thác hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ có liên quan đến di tích. Môi trường đầu tư tốt, ngoài yếu tố về địa lý, kinh tế, chính sách còn có yếu tố văn hóa, thái độ ứng xử tôn trọng giá trị di tích sẽ góp phần tạo hiệu quả trong công tác đầu tư. Và ngược lại, làm tốt công tác bảo vệ di tích là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư” - Phó Chủ tịch Trần Văn Tân chia sẻ.

Trong khi đó, PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di Sản văn hóa Việt Nam cho biết, công thức chung nhất để quản lý di sản là phải tạo lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ và liên thông, có sự đồng thuận của cộng đồng và các bên liên quan, kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trực thuộc UNESCO. Bộ máy quản lý di sản văn hóa và sự liên thông giữa các bộ luật có liên quan tới việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công ước 1972 của UNESCO yêu cầu các quốc gia thành viên phải thiết lập bộ máy tổ chức đủ mạnh, thống nhất thực thi quyền quản lý nhà nước trên phạm vi quốc gia để đảm bảo điều kiện bảo vệ lâu dài hai yếu tố quan trọng nhất của một di sản thế giới là: giá trị nổi bật toàn cầu (sự biểu hiện những ý nghĩa văn hóa và thiên nhiên đặc biệt của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đối với các thế hệ hiện tại và tương lai) và tính toàn vẹn của di sản (sự biểu hiện một cách đầy đủ các yếu tố cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới). “Bên cạnh Luật Di sản, Nghị định  ban hành năm 2017 có tính chuyên ngành về bảo vệ và quản lý di sản thế giới ở Việt Nam, quy định rõ nội dung các hoạt động về bảo vệ và quản lý di sản thế giới, từ xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di sản; Giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản; Nội dung cơ bản của quy hoạch tổng thể bảo tồn di sản thế giới; Kế hoạch quản lý di sản thế giới, thẩm quyền, thủ tục, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới; Xây dựng và phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới; Nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới…” - PGS-TS. Đặng Văn Bài cho biết.

Ở góc độ chọn lọc các dự án đầu tư cho di sản, TS. Peter Bille Larsen - Đại học Lucerne, Thụy Sĩ, thành viên nhóm nghiên cứu của UNESCO về hợp tác công tư tại các di sản thế giới của Việt Nam cho biết, đã đến lúc hoạch định chiến lược dài hạn về đầu tư cho di sản văn hóa của Việt Nam. Trong đó, đối với các dự án của tư nhân, cần ưu tiên phát triển kinh doanh của địa phương, tập trung chủ động cho nuôi dưỡng di sản, không chỉ khai thác. Theo ông Peter: “Rất cần thiết phải thúc đẩy khung pháp lý đảm bảo đưa ra những “củ cà rốt” hấp dẫn đầu tư theo hướng bền vững, nhạy cảm với di sản và đồng thời đảm bảo có những “cây gậy” chế tài hiệu quả nhằm ngăn chặn hiện tượng tăng trưởng nóng ồ ạt mọi hình thức du lịch làm xói mòn di sản cũng như các phương diện khác của tính bền vững”.

MỸ SƠN KHÓ THU HÚT ĐẦU TƯ

Trong khi Hội An sôi động với rất nhiều dự án, thì ở Mỹ Sơn, câu chuyện lại theo chiều hướng ngược lại. Ngoại trừ các dự án bảo tồn trùng tu từ Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, Mỹ Sơn hầu như chưa có doanh nghiệp nào “đụng đến”.

Ngoài tham quan di sản Mỹ Sơn, du khách không còn lựa chọn nào thêm bởi vẫn “trắng” tour tuyến kết nối với di sản.
Ngoài tham quan di sản Mỹ Sơn, du khách không còn lựa chọn nào thêm bởi vẫn “trắng” tour tuyến kết nối với di sản.

Câu chuyện của Mỹ Sơn mang màu sắc khá trầm so với Đô thị cổ Hội An. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý khu di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, hầu hết hạng mục đầu tư tại Mỹ Sơn đều dành cho hoạt động bảo tồn, trùng tu, khảo cổ và trưng bày. “Mỹ Sơn trong quy hoạch có đến 1.158ha, trong đó, vùng lõi di sản là 32ha. Trong 19 năm qua, sau khi được UNESCO công nhận, di sản Mỹ Sơn đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Từ năm 2006 đến năm 2017, tổng kinh phí đầu tư cho bảo tồn hơn 70 tỷ đồng” - ông Hộ cho biết. Hàng ngày, một lượng khách quốc tế không nhỏ từ Hội An, Đà Nẵng, Huế và các nơi khác đổ về Mỹ Sơn, đưa doanh thu của khu di tích này vượt ngưỡng 50 tỷ đồng. “Trong khi đó khu vực giàu tiềm năng du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn với phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, thơ mộng vẫn còn hoang sơ, chưa được đưa vào tour tuyến tham quan cho du khách” - ông Hộ nói.

“Việc kết nối Mỹ Sơn và Thạch Bàn là một hướng đi đúng nhằm phát huy vai trò hạt nhân của Khu đền tháp Mỹ Sơn, khai thác lợi thế thiên nhiên hấp dẫn của vùng Thạch Bàn, tạo nên sự lan tỏa đến các khu vực chung quanh và liên kết với các vùng lân cận. Lấy Mỹ Sơn để hỗ trợ cho các điểm đến trong khu vực và đến lượt mình các điểm du lịch này cũng góp phần chia sẻ áp lực du khách ngày càng lớn đối với Mỹ Sơn. Từ đó, giúp cho huyện có sự phát triển bền vững hài hòa, giải quyết được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa di sản và du lịch” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng.

Thật ra, từ năm 2002, Quy hoạch chi tiết Mỹ Sơn - Thạch Bàn huyện Duy Xuyên đã được UBND tỉnh phê duyệt, xác định đây là một trọng điểm du lịch của huyện. Trong đó, trục Mỹ Sơn - Thạch Bàn được xác định là điểm nhấn chính để tạo sự kết nối và lan tỏa cho toàn khu vực. Tuy nhiên, hơn 16 năm đã trôi qua, do nhiều nguyên nhân, nội dung trên đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Ở tầm quốc gia, Mỹ Sơn cũng đã từng kỳ vọng sẽ được đầu tư mạnh mẽ cả về bảo tồn lẫn phát triển du lịch, khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020, với các định hướng bảo vệ nguyên vẹn hệ thống đền tháp hiện có, tiến hành tu bổ tôn tạo những di tích bị xuống cấp, bảo vệ bền vững diện tích rừng khu vực lõi và vành đai. Mặc dù quy hoạch này có nội dung liên kết vùng phát triển du lịch nhưng không đi sâu vào những biện pháp, giải pháp để triển khai thực hiện. Điều này khiến mọi nguồn lực đều tập trung cho công tác bảo tồn di sản, mà thiếu nguồn lực đầu tư khai thác tiềm năng du lịch văn hóa - sinh thái Mỹ Sơn - Thạch Bàn như định hướng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là sự thiếu vắng các nhà đầu tư lớn có năng lực, hay nói cách khác là chưa thu hút được đầu tư. Cũng từng có một số dự án đầu tư vào khu vực Mỹ Sơn - Thạch Bàn, nhưng hầu hết đều nhỏ lẻ và nhanh chóng thất bại. “Nhưng trên hết, nguyên nhân chính, phải nói là do chúng ta chưa có sự đồng bộ trong quy hoạch. Sự không đồng bộ trong quy hoạch sẽ khiến cho nguồn lực đầu tư bị phân tán và những lúng túng không tránh khỏi của các bên” - ông Hồng nhìn nhận.

Những yếu tố trên đã khiến cho mọi nỗ lực phát triển du lịch bên ngoài di sản Mỹ Sơn thiếu hẳn một hành lang pháp lý quan trọng để có thể kết nối Mỹ Sơn với những điểm du lịch khác trong vùng. Theo ông Hồng, để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian đến, khi niên hạn Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 do Chính phủ phê duyệt hết hiệu lực thực hiện, cần khẩn trương đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, trình Chính phủ cho phép mở rộng diện tích quy hoạch Khu di tích Mỹ Sơn hướng về phía hồ Thạch Bàn. Trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành Quy hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn sau năm 2030 (đã bao gồm cả vùng hồ Thạch Bàn) để tạo nên sự đồng bộ về mặt quy hoạch giữa Chính phủ và tỉnh, giữa Khu di tích Mỹ Sơn - Thạch Bàn và kinh tế - xã hội toàn huyện Duy Xuyên. Có như vậy, ngành văn hóa và huyện mới có đủ cơ sở và nguồn lực để tiến hành những đầu tư phát triển du lịch.

LÊ QUÂN – TÂM THƯ

LÊ QUÂN – TÂM THƯ