Đình làng Phúc Khương: Lan tỏa giá trị truyền thống, nhân văn
Hôm nay 3.8, đình làng Phúc Khương (tọa lạc thôn 8, Đại Cường, Đại Lộc) có lịch sử gần 400 năm vinh dự đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Dân làng Phúc Khương xem đây là sự kiện trọng đại, là niềm tự hào to lớn.
Đình làng Phúc Khương được trùng tu khang trang vào năm 2014. TRIÊU NHAN |
Cách đây hơn 700 năm, làng Phúc Khương là một vùng hoang vu bên bờ Vu Gia, được các tiền nhân khai phá, trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú, dân cư ngày càng đông đúc. Trải qua bao thăng trầm, Phúc Khương có nhiều tên gọi khác nhau. Thời Hồng Đức có tên là Phước Khang; đời chúa Nguyễn Phúc Chu đổi tên là Phúc Khương thuộc tổng Phú Mỹ, phủ Duy Xuyên. Từ ngày thành lập Đảng, làng thuộc thôn 8, xã Đại Minh; thời chống Mỹ, chính quyền ngụy đổi tên làng Mỹ Hiệp, xã Lộc Phước. Sau ngày giải phóng tới nay, tên làng được khôi phục là làng Phúc Khương, thuộc xã Đại Cường.
Vết tích thời gian
Theo các bô lão của làng, cùng với lịch sử, với bao biến thiên, đình làng Phúc Khương cũng đã bao phen đổi dời, bị tàn phá bởi thiên tai, chiến tranh. Thời Vĩnh Trị thứ 4, ngôi đình có tên gọi theo tên làng Phước Khang, tọa lạc ở xứ đất cây Sung. Thời Gia Long thứ 7 (1809), ngôi đình nằm sát sông Vu Gia, thuộc làng Mỹ Phiếm (thôn 10, Đại Cường ngày nay), bị lở trôi hoàn toàn trong một cơn lũ lớn. Đến năm Gia Long thứ 11 (1813), đình được tái thiết lần thứ 2 tại xứ đất cây Sung với một quần thể kiến trúc nằm trên diện tích rộng lớn 2ha. Đình làng được xây dựng bằng gỗ theo kiến trúc 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, tường vôi. Bên tả có đền Thành hoàng và miếu Quan Thánh, bên hữu có nhà hội lớn làm nơi sinh hoạt và trường dạy học cho con cháu 4 làng: Phúc Khương, Phúc Mỹ, Phúc Yên, Mỹ Phiếm. Có hậu tẩm, giữa hậu tẩm và gian giữa là Thiên quang tỉnh (giếng trời), hậu tẩm cao hơn gian thờ giữa để thờ Càn Khôn. Đình xây mặt về phía tây nam, phía trước là vùng đất canh tác của dân làng, cách 300m có rừng cây cấm tre làng đến một bàu nước có mạch sâu không bao giờ cạn. Còn theo gia phả của các tộc Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn và bia lịch sử của đình, vùng đất này cha ông họ di cư từ Nghệ An, Thanh Hóa vào khai hoang, lập nghiệp. Gia phả họ Nguyễn Hữu cho biết, tính đến nay đã trải 500 năm tổ tiên, cha ông di cư vào vùng đất Phước Cổ xưa, thành lập làng Phước Khang, Phúc Khương, Phúc Mỹ, Phúc Yên, thôn Mỹ Phiếm ngày nay.
“Ở thời nào, đình làng vẫn có vai trò hết sức quan trọng, là nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, là trung tâm văn hóa văn nghệ của làng, cũng là nơi dạy học cho bao thế hệ. Đình là cột mốc lộ giới hành chính của làng; cũng là nơi bàn bạc chuyện đại sự của nước, của làng… Mong rằng, những truyền thống, giá trị tốt đẹp đó luôn được phát huy, lưu giữ trong các thế hệ con cháu mai sau”. (Ông Nguyễn Hữu Mai - cán bộ hưu trí, trú làng Phúc Khương) |
Đình làng cũng gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Năm 1944, đình làng là nơi tổ chức phong trào, dạy học chữ quốc ngữ, phong trào thanh niên Phan Anh. Lần đầu tiên năm 1944, cờ búa liềm được tung bay tại cây bàng đầu làng. Ngày 6.1.1946, đình làng là nơi bầu cử Quốc hội của cử tri trong khu vực. Năm 1908, nơi đây từng là một trong những xuất phát điểm đầu tiên ủng hộ cuộc đấu tranh chống sưu thuế nổ ra từ thôn Phiếm Ái, Đại Nghĩa. Những năm 1967 - 1971, đây là địa bàn đóng quân của các cơ quan thuộc Huyện ủy Đại Lộc và Ủy ban Mặt trận giải phóng dân tộc huyện. Làng Phúc Khương là căn cứ lõm của cách mạng, đình bị Mỹ thả bom cháy rụi, khu đất trống bị cày trắng và dòng sông tiếp tục lở. Tính đến 4.1975, làng này có 85 liệt sĩ, 8 thương bệnh binh, 127 gia đình có công cách mạng, 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Khơi lửa truyền thống
Sau giải phóng, kiến trúc đình làng chỉ còn sót lại mảnh vỡ của tấm minh bia được triều đình sắc phong. Dân làng lại chung tay tái thiết đình làng lần thứ 3 vào năm 1996 với tên gọi đình làng Phúc Khương. Năm 2014, đình được tái thiết với khu văn hóa trên diện tích 1.000m2 tại khu vườn cũ của ông Nghè Học. Hưởng ứng công cuộc xây dựng nông thôn mới, Ban phát triển, Ban vận động thôn Phúc Khương đã đứng ra vận động nhân dân, con cháu xa quê đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo đình làng trong quần thể Khu văn hóa - thể thao cộng đồng - đình làng Phúc Khương, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Xuân - Chủ tịch Hội đồng tộc biểu làng Phúc Khương chia sẻ, làng hiện có 32 tộc với hơn 3.000 nhân khẩu. Các tộc sống đoàn kết, không phân biệt tộc lớn nhỏ, làng cũng có quy ước rõ việc đóng góp ngân sách của các tộc cho làng. Hội đồng tộc biểu cũng đứng ra tập hợp, gắn kết các tộc trong làng có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài; vinh danh những người trong dòng tộc có công với dân với nước; biểu dương “người tốt việc tốt”; giáo dục các thế hệ đi sau học tập, giữ gìn và phát huy những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của các dòng tộc… |
Ông Nguyễn Hữu Mai - cán bộ hưu trí, là một trong những người con của làng đứng ra vận động nhân dân chung tay góp sức xây dựng, trùng tu đình làng. Ông Mai chia sẻ, dưới bao lớp thời gian, đình làng vẫn luôn sống trong tâm thức của nhân dân, dù ai đi ngược về xuôi, dù năm mất mùa thì dân làng Phúc Khương vẫn chung tay lo việc làng, việc đình. Nhiều lễ nghi được thực hiện trong năm như: lễ thượng nêu vào 25 tháng Chạp âm lịch hằng năm; lễ đầu năm giao thừa mùng 1 tháng Giêng; lễ vía Ngọc hoàng Thượng đế tại đền Thượng và miếu Quan Thánh vào mùng 9 tháng Giêng. Mùng 7 tháng Giêng có lễ hạ nêu; 15 tháng Giêng diễn ra lễ kỳ yên. Lễ giổ Tiền hiền và các vị thủy tổ, các tộc trong làng vào 23 tháng 6 âm lịch. Vào 15 tháng 7 hằng năm đều có lễ giải oan; 15 tháng 10 âm lịch có lễ cúng Thần nông. Các rằm lớn trong năm dân làng cũng dâng hương đăng hoa quả tại đình. “Ở thời nào, đình làng vẫn có vai trò hết sức quan trọng, là nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, là trung tâm văn hóa văn nghệ của làng, cũng là nơi dạy học cho bao thế hệ. Đình là cột mốc lộ giới hành chính của làng; cũng là nơi bàn bạc chuyện đại sự của nước, của làng; là trung tâm pháp lý trừng trị những người có tội… Nhiều người đi xa quê vẫn nhớ quê, nhớ cây đa, bến nước là vậy. Mong rằng, những truyền thống, giá trị tốt đẹp đó luôn được phát huy, lưu giữ trong các thế hệ con cháu mai sau” - ông Nguyễn Hữu Mai chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường nhấn mạnh, đình làng Phúc Khương là một trong những đình làng có sớm nhất trong vùng, từ thời “Vĩnh Trị Năm thứ 4” và trải qua nhiều lần tái tạo, song những giá trị lịch sử, truyền thống thì còn mãi. Đại Cường hiện có 2 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là mộ cụ Đỗ Đăng Tuyển (xếp hạng năm 2005) và di tích văn hóa - lịch sử đình làng Phúc Khương vừa được xếp hạng. “Đây là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân xã nhà. Địa phương sẽ thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong bảo vệ, quản lý di tích. Chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản gắn với việc giáo dục cho cán bộ và nhân dân cũng như thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và giữ nước” - ông Phương nói.
TRIÊU NHAN