Lễ hội VH-TT các huyện miền núi lần thứ XIX: Hội tụ hương sắc đại ngàn
Những nét văn hóa đặc sắc, kết hợp với không gian trưng bày triển lãm và các hội chợ nông sản độc đáo của đồng bào vùng cao đã được tái hiện tại Lễ hội Văn hóa - thể thao (VH-TT) các huyện miền núi lần thứ XIX (khai mạc vào tối 21.7), tạo nên điểm nhấn riêng biệt, hội tụ hương sắc giữa phố núi Nam Giang xanh thắm.
Tin liên quan
|
Nam Giang đón du khách bằng những điệu múa tâng tung da dá truyền thống ở hầu hết sự kiện lễ hội miền núi. |
Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, Trần Văn Tân - Trưởng ban Tổ chức lễ hội; cùng các đại biểu Bộ VH-TT&DL; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo 9 huyện miền núi. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo và người dân huyện Đắc Chưng, Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào); các Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Kon Tum và Thừa Thiên Huế cũng đến tham dự.
Chung nhịp chiêng vui
Tiếng gió hú vọng theo khúc nhạc rộn rã và nhịp trống chiêng ngân vang trong đêm khai mạc Lễ hội VH-TT các huyện miền núi được tổ chức vào cuối tuần qua, một lần nữa khẳng định sức hút của ngày hội với du khách và người dân địa phương. Hàng nghìn người đã đắm chìm trong men say của nhịp điệu trống chiêng, kết hợp múa tâng tung da dá đầy quyến rũ và chương trình nghệ thuật đặc sắc huy động gần 500 diễn viên quần chúng tham gia, giữa một không gian sân khấu lộng lẫy, lần đầu tiên xuất hiện trong lễ hội VH-TT miền núi.
Phát biểu tại khai mạc Lễ hội VH-TT các huyện miền núi lần thư XIX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Trưởng ban Tổ chức lễ hội nhấn mạnh: đây là sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu ở khu vực miền núi, là dịp hội tụ, giao lưu những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Nam, góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương miền núi đến du khách. Đồng thời, lễ hội có ý nghĩa hết sức sâu sắc, không những tôn vinh di sản văn hóa đa dạng, phong phú, đa sắc màu của các dân tộc anh em sinh sống ở vùng Trường Sơn, mà còn mang một thông điệp về giữ gìn, bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc. “Hy vọng lễ hội sẽ trở thành một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, trở thành điều kiện để duy trì, bảo tồn và phát huy nguồn vốn quý văn hóa của các dân tộc anh em” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói. |
Những người trực tiếp xem chương trình nghệ thuật “Âm vang vùng cao” trong đêm khai mạc cũng đều nhận ra nét mới trong “bữa tiệc” âm nhạc tại kỳ lễ hội lần này. Ngoài các tiết mục múa hát giới thiệu địa danh, gắn với những giá trị văn hóa đặc sắc của 9 huyện miền núi, chương trình còn mang đến không gian diễn tấu trống chiêng trong hội làng mừng lúa mới, kết nghĩa anh em và trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Quảng. Tất cả như tái hiện cuộc sống rất đời thường của miền núi, vang vọng theo những thâm âm của nhịp chiêng vui ngày mùa, cùng vũ điệu tâng tung da dá mừng hội làng truyền thống. Và đặc biệt hơn, lần đầu trong các kỳ lễ hội miền núi, chương trình đêm khai mạc có sự tham gia của đội nghệ thuật quần chúng đến từ nước bạn Lào. Giữa rộn ràng giai điệu ca khúc “Thắm tình hữu nghị Việt - Lào”, là những điệu múa lăm vông quyến rũ, kéo dài theo những tràng vỗ tay cổ vũ từ phía khán đài. Một du khách nói với tôi rằng, lễ hội lần thứ 19 này đã thực sự gắn kết những con người miền núi, cùng chung nhịp chiêng vui trong ngày hội buôn làng.
Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, sức hút của lễ hội không chỉ ở những nội dung thi đấu, mà còn cả ở “sân chơi” văn hóa cộng đồng vùng cao, thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng miền núi. Đây thực sự là cơ hội cho Nam Giang, và cả những địa phương miền núi lân cận, góp thêm điểm mới trong công tác gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, cũng như mở rộng quảng bá, giới thiệu và xúc tiến đầu tư du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vốn còn nhiều hoang sơ ở miền núi phía tây của tỉnh. “Một điểm nhấn khác của lễ hội, ngoài công tác quảng bá, bảo tồn, còn là dịp để khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số, vững chắc niềm tin vào những chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thoát nghèo bền vững” - ông Mai cho biết thêm.
Nâng giá trị truyền thống
Nam Giang những ngày này đông vui theo bước chân của du khách tìm về, cùng hòa trong không khí rộn ràng của ngày hội. Bên cạnh các hoạt động trình diễn nghệ thuật, xuyên suốt theo chương trình của lễ hội miền núi tại Nam Giang còn là không gian trưng bày sản phẩm văn hóa truyền thống, kết hợp với các mặt hàng nông sản độc đáo của vùng cao. Tại khu hội chợ trưng bày nông sản của huyện Nam Giang, những ngày qua tấp nập người tìm đến lựa chọn, tìm mua những nông sản ưng ý, với hơn 120 loại sản phẩm được bày bán. Chị Bríu Chrưn, một người dân ở xã Chơ Chun (Nam Giang) cho biết, những sản vật được mang đến trưng bày tại hội chợ đều do người dân địa phương gom góp, hỗ trợ để giới thiệu, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách khi đến với lễ hội, từ chuối, mía, mật ong, tiêu rừng, cho đến các sản phẩm dệt, đan lát truyền thống… “Đây là cơ hội để người dân vùng cao Nam Giang làm quen với cách buôn bán nông sản tập trung, với đa dạng khách hàng để mở rộng thị trường, chứ không còn bó hẹp trong phạm vi làng bản nữa. Một cơ hội rất lớn góp thêm thu nhập cho đồng bào mình” - Chrưn bộc bạch.
Nhiều vật dụng đời thường của đồng bào được trưng bày, phục vụ du khách tham quan, thưởng lãm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tại không gian trưng bày sản phẩm văn hóa các huyện miền núi Quảng Nam được khai mạc vào sáng qua 22.7, bên cạnh việc giới thiệu trang phục, các loại nhạc cụ truyền thống, dụng cụ sinh hoạt, sản xuất, thủ công mỹ nghệ... phục vụ cho đời sống văn hóa cộng đồng và các sản phẩm du lịch, ban tổ chức còn linh hoạt lựa chọn lồng ghép các chương trình nghệ thuật diễn xướng, các vũ điệu truyền thống, cũng như các hình ảnh về những thành tựu kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, không chỉ tái hiện các nghi thức văn hóa truyền thống, không gian trưng bày sản phẩm văn hóa các huyện miền núi còn giúp người xem có cách nhìn toàn diện và mới mẻ về cuộc sống đời thường của đồng bào vùng cao. Qua đó, giúp quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế về du lịch của các địa phương, với những tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, từ các nét đẹp về văn hóa ẩm thực, lễ hội, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống. “Từ không gian độc đáo này, hy vọng sẽ tạo nên những điểm nhấn thú vị, vừa giúp bảo lưu nét truyền thống tốt đẹp, vừa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm văn hóa vùng cao” - ông Cường nói.
Lễ hội Văn hóa - thể thao (VH-TT) các huyện miền núi lần thứ XIX sẽ bế mạc vào ngày mai (24.7).
ALĂNG NGƯỚC