Khai hội nơi đại ngàn

ALĂNG NGƯỚC - LÊ QUÂN 22/07/2018 08:13

Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao quần chúng… đậm sắc màu vùng cao đang đếm ngược đến giờ khai hội. Một bức tranh văn hóa đa sắc màu sẽ được vẽ nên bởi cộng đồng những người anh em các huyện miền núi. Lần này, Lễ hội Văn hóa - thể thao (VHTT) các huyện miền núi Quảng Nam chọn Nam Giang để làm không gian “gặp gỡ” của những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc nhất nơi đại ngàn…

Bên cạnh các loại hình trình diễn văn hóa, văn nghệ, các môn thi đấu thể thao được lựa chọn so tài ở lễ hội lần này hứa hẹn nhiều hấp dẫn.  Trong ảnh: Thi đấu môn đẩy gậy trong Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam tổ chức tại Bắc Trà My năm 2014. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bên cạnh các loại hình trình diễn văn hóa, văn nghệ, các môn thi đấu thể thao được lựa chọn so tài ở lễ hội lần này hứa hẹn nhiều hấp dẫn. Trong ảnh: Thi đấu môn đẩy gậy trong Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam tổ chức tại Bắc Trà My năm 2014. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

ÂM VANG VÙNG CAO

Những di sản văn hóa đại ngàn, cũng như các loại hình nghệ thuật độc đáo, các môn thể thao của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Co, Bh’noong… sẽ được giới thiệu và quảng bá tại Lễ hội VHTT các huyện miền núi lần thứ XIX, diễn ra từ ngày 21 đến 24.7.  

Ấn tượng lễ khai mạc

Được xem như điểm nhấn của hoạt động lễ hội, chương trình nghệ thuật “Âm vang vùng cao” diễn ra vào tối khai mạc (21.7) sẽ tái hiện những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc sống dọc vùng đông Trường Sơn. Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - tác giả kịch bản, tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Âm vang vùng cao” cho biết, đêm khai mạc sẽ hứa hẹn nhiều thú vị. “Tổng số diễn viên cho chương trình 40 phút lên đến 460 người, trong đó các đội cồng chiêng cũng như đội nghệ thuật quần chúng của các huyện miền núi chiếm đa số. Chương trình sẽ mang đến cho người xem những tiết mục đặc sắc, đậm chất đại ngàn từ chính cộng đồng các dân tộc biểu diễn” - nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích nói.

Chương trình nghệ thuật sẽ giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của 9 huyện miền núi Quảng Nam, từ các tiết mục nghệ thuật, diễn tấu trống chiêng đến việc trình diễn các trang phục truyền thống. Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích cho hay, điều đặc biệt của đêm khai mạc 21.7 chính là cộng đồng các dân tộc sẽ làm chủ “cuộc chơi”. Theo đó, đội cồng chiêng dân tộc Cơ Tu của huyện Nam Giang sẽ khai hội với phần diễn tấu trống chiêng và múa tâng tung da dá. Nghệ nhân Bh’ling Hạnh (thôn Công Dồn, xã Zuôih) chia sẻ: “Điệu múa tâng tung da dá và diễn tấu trống chiêng của người Cơ Tu thường được biểu diễn trong các lễ hội “mừng lúa mới”, lễ hội đoàn kết. Trong lễ hội lần này, chúng tôi dùng điệu múa và tiếng trống, tiếng chiêng để biểu thị sự cung kính, đón mừng toàn thể các bạn vùng cao về dự hội tại địa phương chúng tôi”.

 Các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi sẽ được giới thiệu tại lễ hội.  Trong ảnh: Điệu múa tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu.ảnh: Nguyên Quân
Các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi sẽ được giới thiệu tại lễ hội. Trong ảnh: Điệu múa tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: NGUYÊN QUÂN

Theo ban tổ chức, chính vũ điệu rộn rã, khỏe khoắn của tâng tung da dá cũng như âm vang tiếng chiêng, trống vọng khắp đại ngàn, sẽ mở đầu cho một kỳ hội phô diễn sức mạnh, vẻ đẹp khỏe khoắn của những tộc người sống dọc dải Trường Sơn. Chưa kể, lễ hội này còn có sự góp mặt của đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào) - những người bạn gần gũi, thân thiết với Quảng Nam sẽ mang theo điệu múa lăm vông truyền thống cùng giai điệu ca khúc “Thắm tình hữu nghị Việt - Lào” biểu diễn tại sân khấu của lễ khai mạc.

Cũng ngay trong tối 21.7, chương trình nghệ thuật “Âm vang vùng cao” sẽ làm “thỏa mãn” khán giả tham dự với phần trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, cũng như các tiết mục liên khúc hát múa đậm “chất núi”. Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, Nam Giang sẽ là nơi tụ hội của những tinh túy văn hóa người vùng cao, bằng sự cẩn trọng và chỉn chu trong việc chuẩn bị nên một lễ khai mạc tập hợp và giới thiệu đủ đầy các địa phương cũng như bản sắc độc đáo của các tộc người Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng, Co, Ca Dong, Bh’noong…

Ngày hội của cộng đồng

Lễ hội VHTT các huyện miền núi được xem là cơ hội để thực hành di sản văn hóa vùng cao, cũng như cách để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết, đây là dịp để đồng bào các dân tộc miền núi có cơ hội giao lưu, học hỏi và so tài ở các nội dung thi đấu, qua đó, góp phần nâng cao ý thức, thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. “Từ lễ hội này, chúng tôi kỳ vọng sẽ kết nối các vùng văn hóa cũng như thắt chặt tinh thần đoàn kết của đồng bào vùng cao và phát triển du lịch liên vùng một cách toàn diện, hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Xác định người dân là chủ thể của lễ hội, tất cả hoạt động VHTT đều hướng đến việc tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc mà cộng đồng người vùng cao sở hữu. Cũng như các loại hình trình diễn văn hóa, văn nghệ, các môn thi đấu thể thao được lựa chọn so tài ở kỳ hội đều dựa trên tinh thần đoàn kết, phát huy thể lực và trí lực của người miền núi. Kỳ hội năm nay đặc biệt hơn so với các kỳ lễ hội trước chính là sự mở rộng của đối tượng tham dự thi đấu thể thao. Lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ của các huyện miền núi cũng như công an nhân dân của các địa phương này sẽ có những môn thi đấu riêng biệt, phù hợp với nhiệm vụ hàng ngày của mình như: bắn súng tiểu liên, chiến sĩ công an khỏe… Chưa kể, có những môn thi đấu thể hiện được bản sắc của người miền núi, như bắn ná, việt dã leo núi dành cho thanh niên hứa hẹn sẽ thu hút người xem. Trước những ngày diễn ra kỳ hội chính, vận động viên của 9 huyện miền núi đã tranh tài trong các môn thi đấu tập thể, mang đến không khí rộn ràng để chờ ngày khai hội chính.

Trong khuôn khổ những hoạt động của lễ hội lần này còn có không gian dành cho các cuộc trưng bày, triển lãm, trình nghề thủ công truyền thống. Cũng theo ông Aviết Sơn, các hoạt động văn hóa đều diễn ra trong khu tổ hợp văn hóa và sân vận động huyện Nam Giang, để bà con cũng như du khách dễ dàng trong việc đi lại và thưởng thức. Sau đêm khai mạc, các không gian trưng bày trình diễn nghề thủ công truyền thống của 9 huyện miền núi cũng sẽ mở cửa xuyên suốt tại lễ hội. Trong đó, một hoạt động văn hóa được kỳ vọng sẽ thu hút đông người xem nhất, đồng thời là điểm nhấn để từ đây lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn nguyên gốc các lễ hội, nghi thức văn hóa. Đó là những nghi thức đặc sắc trích đoạn từ các lễ hội dân gian lâu đời của người vùng cao được tái hiện bên cạnh hội diễn nghệ thuật quần chúng diễn ra xuyên suốt trong những ngày lễ hội...

Vùng cao đang đếm ngược đợi giờ mở hội…

GÓP HƯƠNG CHO NGÀY HỘI

Từ những miền quê vùng cao, đồng bào Cơ Tu, Ca Dong, Tà Riềng… mang đến cho lễ hội những nét văn hóa độc đáo, những sản vật đặc trưng đầy màu sắc.

Một số sản vật của đồng bào vùng cao cũng sẽ được mang đến lễ hội.Ảnh: NGUYÊN QUÂN
Một số sản vật của đồng bào vùng cao cũng sẽ được mang đến lễ hội.Ảnh: NGUYÊN QUÂN

Lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Giang, lễ hội được xem như không gian hội tụ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc anh em xứ Quảng. Mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng độc đáo, lễ hội được kỳ vọng sẽ góp thêm những “làn gió mới” với nhiều điểm nổi bật riêng biệt, từ vùng trung du miền núi cho đến nơi rẻo cao biên giới Việt - Lào. Tất cả hứa hẹn một “bữa tiệc” đa màu sắc, cùng góp thêm cho thành công chung của một mùa lễ hội giữa phố núi đại ngàn Nam Giang.

Trước ngày khai mạc, ông Pơloong Hải - Đội trưởng đội trống chiêng xã Ta Bhing (Nam Giang) cùng các nghệ nhân của xã tất bật cho công tác tập luyện, chuẩn bị cho phần trình diễn vào tối 21.7. Ông Hải nói, lần đầu tiên góp mặt trong lễ hội vùng cao được tổ chức tại địa phương, nên ai cũng đều háo hức, hăng say tập luyện. Tham gia trình diễn đêm khai mạc, bên cạnh diễn tấu trống chiêng, kết hợp vũ điệu tâng tung da dá, hơn 50 nghệ nhân của xã còn tái hiện không gian văn hóa cộng đồng, thông qua các lễ hội mừng mùa lúa mới, kết nghĩa anh em, với những hoạt cảnh mang đậm chất vùng cao. “Thông qua phần trình diễn của mình, chúng tôi mong muốn mang đến một tiết mục đặc sắc, ấn tượng và đầy đủ những nét đặc trưng nhất trong không gian văn hóa vùng cao. Qua đó, vừa góp thêm hương sắc cho “bữa tiệc” âm nhạc đại ngàn, vừa quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang đến với du khách gần xa” - ông Hải cho biết.

Không chỉ các tiết mục trình diễn văn hóa, đến với lễ hội lần này, xã Ta Bhing còn mang đến những sắc hương thú vị trong chương trình hội chợ trưng bày, triển lãm ẩm thực và các mặt hàng nông sản vùng cao. Ông Zơrâm Thực - Chủ tịch UBND xã Ta Bhing cho hay, ngoài làng nghề dệt Za Ra, địa phương còn “mang theo” những sản vật được đồng bào gom góp nên như: lúa rẫy, tiêu rừng, chuối, mật ong rừng… phục vụ nhu cầu tham quan và mua sắm của du khách. Tại mỗi không gian trưng bày, bên cạnh những sản phẩm sẵn có, các nghệ nhân còn trực tiếp thực hiện công đoạn trình diễn tại chỗ, thông qua việc đan lát, dệt thổ cẩm, cũng như mời thưởng thức ẩm thực truyền thống. “Những gì đặc sản nhất của vùng, sẽ được mang đến lễ hội để trưng bày, giới thiệu và quảng bá đến với du khách. Hy vọng, từ lễ hội sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn, góp phần cho việc phát triển các làng nghề truyền thống, cũng như kết nối các điểm du lịch sinh thái của địa phương thu hút du khách tìm đến tham quan, tận hưởng” - ông Thực chia sẻ.

Cùng góp thêm hương sắc cho lễ hội, còn là những không gian văn hóa đặc sắc tái hiện lễ cưới, những phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Bh’noong… sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những nét độc đáo đó, như mạch nguồn văn hóa vùng cao, vừa khơi gợi niềm tự hào về bản sắc, vừa là những điểm nhấn của lễ hội, với phần trình diễn của chính những “chủ thể” văn hóa vùng cao. Trong đó, bao gồm các hình ảnh đời thường nhất, sinh động nhất sẽ được tái hiện cho người xem những không gian vừa gần gũi, quen thuộc, vừa lạ lẫm, đẹp mắt.

Theo ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, sự tái hiện các trích đoạn lễ cưới, trình diễn trang phục truyền thống, không gian trưng bày di sản văn hóa vật thể của đồng bào các dân tộc sẽ là những điểm nổi bật, tạo điểm nhấn cho ngày hội vùng cao lần này. Vì thế, cùng với công tác chuẩn bị của đơn vị chủ nhà, huyện Nam Giang sẽ luôn hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện hết sức nhằm giúp các địa phương, đơn vị bạn hoàn thành các nội dung thi đấu, nhất là phần trình diễn trang phục truyền thống, không gian tái hiện lễ cưới vùng cao. “Những giá trị văn hóa độc đáo nhất của đồng bào các dân tộc miền núi sẽ được hội tụ tại không gian lễ hội, như một dịp để quảng bá và tôn vinh bản sắc, qua đó thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em chung sống trên đại ngàn Trường Sơn” - ông Nhiên nói.

"VỀ ĐÂY NAM GIANG"

Như một lời mời gọi, Nam Giang với rừng đại ngàn và núi biếc, đang chờ đợi bạn bè, anh em gần xa về dự cuộc hội…

Không khí rộn ràng tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang - nơi diễn ra lễ hội lần này.Ảnh: NGUYÊN QUÂN
Không khí rộn ràng tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang - nơi diễn ra lễ hội lần này.Ảnh: NGUYÊN QUÂN

Tình người vùng cao

Từ xã Zuôih, hàng chục nghệ nhân người Cơ Tu ngày mấy bận chạy đến thị trấn Thạnh Mỹ để tập luyện cho tiết mục diễn tấu cồng chiêng mở đầu đêm khai mạc. Không chỉ vậy, ở các xã, từ Chà Vàl, La Êê, Ta Bhing… bà con ai cũng háo hức. Kaphu Mâng (nghệ nhân trống chiêng xã Ta Bhing), lần này tham gia lễ hội bằng sự trình diễn “có nghề” của mình với điệu múa tâng tung da dá truyền thống, chia sẻ: “Chúng tôi muốn mang những nét đẹp văn hóa truyền thống đến lễ hội để nhiều người biết đến. Tôi vô cùng tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình! Vì vậy, chúng tôi cố gắng tập luyện, ai cũng hồ hởi và vui mừng hưởng ứng tham gia”.

Nam Giang mùa này, ai lên cũng muốn ở lại thêm với núi, với không gian của lễ hội. Ông Đỗ Mạnh Cường, một người dân thị trấn Thạnh Mỹ, đã cư ngụ ở vùng đất này hơn 40 năm, cho biết: “Khí hậu quanh năm mát mẻ, người dân thì hiền lành, chân chất. Cứ thử ở đây lâu hơn, để thấy cái tình của người vùng cao”. Chính những lành hiền của một vùng đất nơi đại ngàn sẽ là điều khiến nhiều người muốn khám phá nó nhiều hơn nữa.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích, ngay khi có thông tin về một cuộc hội vùng cao, ông đã viết liền một mạch ca khúc “Về đây Nam Giang”.  “Quê hương của rừng, sông núi, của những mùa lễ hội trống chiêng với điệu dân vũ tâng tung da dá - niềm tự hào của hàng ngàn con tim trong cộng đồng các dân tộc bản địa Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc của huyện Nam Giang nói riêng và Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, tiếng trống, tiếng cồng chiêng trong những mùa lễ hội là cách để bày tỏ tình cảm của mình với tổ tiên, với trời, với đất, với các đấng thần linh….” - ông Bích nói thêm. Đây cũng chính cảm hứng để ca khúc “Về đây Nam Giang” sẽ được cất lên trong đêm khai mạc. “Về đây trên Nam Giang, núi biếc rừng đại ngàn/ Về đi trên non cao, gió hát lời rì rào, rừng La Dê sắc thắm xanh tận cùng biên cương/ Về Thạnh Mỹ, về sông Thanh, lên thác Grăng, làng Rô nay in dấu những xưa gian lao…”.

Cồng chiêng của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng có những đặc thù rất khác biệt mang tính hoang sơ của núi rừng với những tiết tấu sôi động nhưng cũng không kém phần du dương và huyền bí cùng với những điệu tâng tung da dá đã tạo nên những bản sắc văn hóa rất độc đáo. Chưa kể, sự góp mặt của các lễ nghi văn hóa từ khắp mọi nơi để đem đến cho vùng đất này những hấp dẫn riêng có trong những ngày hội cuối tuần này. Đó cũng chính là những lời mời gọi đầy thú vị mà người Nam Giang muốn người ở khắp nơi tìm về với vùng đất mình.

Háo hức chờ hội

Trước đêm khai hội, hàng ngàn người dân địa phương đã rủ nhau đến kín sân vận động huyện Nam Giang, nơi diễn ra chính thức lễ hội VHTT các huyện miền núi. Cuộc hội lần này quy tụ hơn 1.500 nghệ nhân, diễn viên của 9 huyện miền núi với những âm thanh và bản sắc văn hóa của mình. Những hoạt động hưởng ứng lễ hội được địa phương Nam Giang tổ chức, để “kéo” người dân đến với đêm hội. Dưới ánh lửa bập bùng, bà con thả hồn vào nhịp điệu của trống, chiêng, đinh tút… vang vọng. Lễ hội của người miền núi, điều đầu tiên phải làm, chính là tạo không khí rộn ràng, giục giã, khỏe khoắn. Và những người trẻ của huyện Nam Giang đã dốc sức mình để ngày hội có được không khí như vậy. Anh Alăng Trượp - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, huyện đoàn đã huy động gần 300 đoàn viên từ các chi đoàn cơ sở để giúp sức cho kỳ lễ hội này. Chưa kể, trên trục đường dẫn vào khu vực lễ hội, người dân địa phương tranh thủ bày bán, quảng bá các đặc sản ẩm thực vừa để phục vụ lượng cổ động viên, vận động viên, diễn viên đông đảo vừa góp phần tạo thêm sự rộn ràng cho ngày hội lớn.

Nam Giang đã dốc toàn lực để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho sự gặp gỡ của các địa phương vùng núi trong kỳ lễ hội lớn này. Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông Alăng Mai chia sẻ, định kỳ 4 năm lễ hội mới diễn ra một lần, và năm nay mới đến lượt Nam Giang đăng cai, vì thế chính quyền lẫn người dân rất háo hức đợi chờ lễ hội. “Không chỉ đảm bảo về mặt hạ tầng, các địa điểm thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng, người dân Nam Giang còn có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, giữ giá bình ổn… để trong suốt những ngày lễ hội không có bất cứ sự cố nào. Hướng đến một không gian giao lưu văn hóa chung cho cộng đồng các dân tộc vùng cao, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết mình cho các địa phương, các dân tộc anh em có điều kiện quảng bá những nét độc đáo, tinh túy của văn hóa truyền thống” - ông Alăng Mai nói thêm.

ALĂNG NGƯỚC - LÊ QUÂN

ALĂNG NGƯỚC - LÊ QUÂN