Kết nối văn hóa - du lịch
Đồng bào Cơ Tu vốn xem những giá trị văn hóa truyền thống như “của để dành” cho con cháu. Vì thế, họ miệt mài gìn giữ vốn quý suốt hàng trăm năm, chảy dài theo mạch nguồn văn hóa cha ông ngày trước. Câu chuyện văn hóa vùng cao bây giờ không chỉ còn bó hẹp ở không gian làng bản, vùng miền, mà đã có bước chuyển mới, lan rộng theo hành trình mở cửa hội nhập, từng bước nâng cao giá trị đích thực vốn có.
Giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được huyện Đông Giang bảo tồn hiệu quả gắn với khai thác du lịch cộng đồng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
“Của để dành”
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Ating Tươi nói, xác định văn hóa truyền thống sẽ trở thành giá trị sản phẩm cho phát triển du lịch cộng đồng miền núi, những năm qua, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch cụ thể về bảo tồn, từng bước giúp đồng bào địa phương nâng cao trách nhiệm và nhận thức, cùng chung tay gìn giữ bản sắc của đồng bào mình. “Ở Đông Giang, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã được chúng tôi đưa vào nghị quyết của Đảng bộ huyện, là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện đạt mục tiêu đề ra của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII. Thông qua việc hình thành và mở rộng phát triển các mô hình, câu lạc bộ nói lý - hát lý, dân ca - dân vũ, đội trống chiêng nhí,… ở các bản làng đã góp thêm công sức trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng người Cơ Tu. Từ đó, tạo động lực để mở hướng phát triển kinh tế theo các chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng văn hóa vùng cao” - bà Ating Tươi cho biết thêm.
Già làng Y Kông, một “nhân chứng sống” trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại địa phương chia sẻ, văn hóa truyền thống luôn được xem như thước đo về nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với lịch sử nguồn cội. Do vậy, đồng bào ra sức gìn giữ và giáo dục con cháu noi theo. Cũng với ý nghĩ đó, già Y Kông đã lặn lội khắp vùng để sưu tầm và chế tác nhiều loại tượng gỗ, nhạc cụ truyền thống, rồi hình thành nên một bảo tàng cá nhân - nơi hội tụ “Không gian văn hóa Cơ Tu” phục vụ du khách. Bảo tàng của già Y Kông ngày nào cũng có du khách ghé thăm và đặt mua các mẫu tượng gỗ để làm quà lưu niệm. Văn hóa truyền thống - “của để dành” - nay đang được già Y Kông mang ra quảng bá, giới thiệu với du khách, trở thành sản phẩm độc đáo được nhiều người ưa chuộng mỗi khi đến với “Không gian văn hóa Cơ Tu” của già.
Cơ hội phát triển
Theo lộ trình đầu tư phát triển du lịch tại huyện Đông Giang giai đoạn 2016 - 2020, địa phương có 5 dự án đã và đang xúc tiến, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp. Ngoài dự án nâng cấp homestay tại xã Sông Kôn, nhiều dự án mới về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao phía tây Bà Nà - Bạch Mã (xã Tư); khu du lịch - kinh tế lòng hồ thủy điện A Vương; khu du lịch sinh thái Dốc Gợp (xã Ma Cooih); làng cổ Cơ Tu tại thôn Đhrôồng (xã Tà Lu);… cũng sẽ được đầu tư mở rộng, tạo cơ hội phát triển du lịch miền núi theo hướng liên kết vùng trục đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14G. |
Vùng đất Đông Giang, lâu nay được biết đến là nơi hội tụ nhiều không gian văn hóa đặc sắc, từ làng dệt Đhrôồng (xã Tà Lu), Bhơ Hôồng (Sông Kôn), cho đến các ngôi làng lẩn khuất giữa lưng chừng núi, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Như làng văn hóa Bhơ Hôồng, kể từ sau khi được chính quyền địa phương đưa vào khai thác du lịch cộng đồng, theo hướng mở rộng các dịch vụ homestay, các tour khám phá, trải nghiệm đời sống đồng bào miền núi,… đã giúp đồng bào địa phương có thêm khoản thu nhập ổn định để nâng cao đời sống. Ông Bh’riu Thiện, một người dân ở làng Bhơ Hôồng cho hay, vài năm trở lại đây thường xuyên có du khách tìm đến làng, cùng đồng bào trải nghiệm cuộc sống đời thường, tìm hiểu những kiến trúc độc đáo và khám phá các hệ sinh thái thiên nhiên suối nước nóng Apăng, thác nước M’lu đầy hấp dẫn và thú vị. Việc mở cửa khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng đã giúp đồng bào vùng cao quan tâm hơn đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc mà trước đây vốn đứng trước nguy cơ mai một.
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Đinh Văn Hươm nói rằng, sự kết nối các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với công tác bảo tồn văn hóa vùng cao sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời sẽ hình thành nên những dịch vụ mới liên quan đến nhu cầu về tham quan, ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng,… phục vụ du khách. “Thời gian tới, song song với việc đẩy mạnh hình thành và khai thác có hiệu quả các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, chúng tôi cũng chủ động gắn với công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Đây chính là yếu tố quyết định mang tính sống còn, vừa giúp khai phóng tiềm năng, vừa bảo lưu những giá trị văn hóa độc đáo một cách bền vững và lâu dài” - ông Hươm nói.
ĐĂNG NGUYÊN