Lan tỏa sắc màu văn hóa vùng cao

GIA KHANG 15/07/2018 12:26

Những sinh hoạt đời thường, những sản vật vùng cao, những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí… của đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn bó hẹp nơi núi rừng mà đã lan tỏa xuống phố, mang đến cái nhìn khác lạ và đầy cảm xúc trong lòng du khách và người dân phố Hội.

Trình diễn văn hóa Ca Dong tại Hội An. Ảnh: Minh Hải
Trình diễn văn hóa Ca Dong tại Hội An. Ảnh: Minh Hải

Từ “Di sản vô giá”...

Kéo dài hai tháng (1.7 đến 31.8), triển lãm bộ sưu tập ảnh nghệ thuật Di sản vô giá của nhiếp ảnh gia Réhahn trên đường Nguyễn Phúc Chu, TP.Hội An đã trở thành hoạt động văn hóa đầy ấn tượng trong những ngày hè. Xuyên suốt 40 bức ảnh, Réhahn đã cho thấy các giá trị văn hóa dân tộc giàu có và đa dạng của Việt Nam. Những bức chân dung các cụ bà và trẻ con đại diện cho các nhóm dân tộc từ hàng trăm nghìn người đến vài trăm người từ các vùng miền đất nước. Nhân vật trong mỗi bức ảnh đều mặc trang phục truyền thống, biểu trưng cho những tập quán và kiến thức cổ xưa vẫn được gìn giữ  từ đời này sang đời khác. Nhiếp ảnh Réhahn tin rằng cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa các nhóm tộc người là thúc đẩy họ mạnh dạn ra khỏi cộng đồng, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản và phong tục truyền thống trong văn hóa của mình. “Đôi khi, chúng ta cần hướng theo tầm nhìn của người khác để nhận ra những giá trị mà chúng ta đang có” - Réhahn nói.

Triển lãm đã trở thành một hoạt động văn hóa ý nghĩa giữa phố Hội. Ở đó, người xem có thể bắt gặp nụ cười móm mém của cụ bà Hmông; cái nhìn tinh quái của cô bé La Phù hay chòm râu quắc thước của người đàn ông Xơ Đăng; vẻ mặt e ngại của người phụ nữ Rơ Măm… Tất cả minh chứng sống động những giá trị đặc trưng nhất cho từng cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam. Theo nhiếp ảnh gia Réhahn, ông mong người xem được tiếp cận tối đa những bản sắc văn hóa Việt Nam; suy tư những gì sâu xa hơn chứ không chỉ là hình ảnh đơn thuần thấy được trong bức ảnh. “Đó là sự trải nghiệm cùng những câu chuyện trong mỗi cuộc hành trình tìm hiểu văn hóa được hình thành qua những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc với các nhóm dân tộc Việt Nam, để mang đến cho người xem sự cảm nhận sâu sắc và toàn diện nhất về sự đa dạng sắc màu văn hóa” - Réhahn chia sẻ.

Trước đó, sự ra đời của Bảo tàng vô giá trên đường Phan Bội Châu (Hội An) của nhiếp ảnh gia Réhahn (ngày 1.1.2017) đã trở thành nơi để người dân và du khách tham quan, tìm hiểu về những giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

... đến đưa cồng chiêng xuống phố

Sự kiện “Ngày văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam tại Hội An” thực sự mang cả núi rừng xuống phố để Hội An rộn rã hơn vào mỗi đêm rằm. Rộn ràng, sống động, hân hoan là những cảm xúc mà lễ hội này mang đến cho người xem.

Những bức ảnh “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Réhahn.
Những bức ảnh “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Réhahn.

Tính từ đầu năm đến nay lễ hội đã diễn ra trên đường phố Hội An 6 lần với sự tham gia của các dân tộc Cơ Tu (huyện Tây Giang); Co (Bắc Trà My); Cơ Tu (Đông Giang); Bh’noong (Phước Sơn); Ve, Tà Riềng (Nam Giang), và mới đây nhất là Ca Dong (Nam Trà My). Đúng độ trăng rằm, các đoàn nghệ nhân, diễn viên của đồng bào các huyện miền núi của tỉnh sẽ luân phiên xuống phố trình diễn nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình như múa tâng tung da dá; nói lý, hát lý của người Cơ Tu; hát ru, hát trong khi dệt vải của người Tà Riềng; hát đối đáp ting ting của người Ca Dong; biểu diễn nhạc cụ trống chiêng của người Cơ Tu; đấu chiêng của người Co; trống h’gơr của người Tà Riềng; đàn klôngpút của người Ca  Dong … cùng nhiều làn điệu dân ca, dân vũ trữ tình khác. Đây còn là cơ hội để đồng bào trình diễn các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan mây tre; tổ chức trưng bày và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản mang đậm hương vị của núi rừng; các trò chơi dân gian, các hoạt động giao lưu như ném đâm vòng, nhảy sạp, giã gạo…

Trong đêm lễ hội Ca Dong diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, nghệ nhân Lê Văn Hân, đồng bào Ca Dong Nam Trà My đã không giấu được xúc động và niềm tự hào khi được trình diễn nhạc cụ dân tộc mình trước sự ngưỡng mộ của hàng trăm du khách nước ngoài: “Mình rất hồi hộp vì lần đầu tiên thổi sáo cho người nước ngoài nghe, nhưng thấy họ chăm chú và thích thú lắm nên không xấu hổ nữa. Bây giờ thì vui rồi vì nhiều người đã biết đến tiếng sáo của mình, biết đến văn hóa của đồng bào mình”.

Cảnh du khách nước ngoài cũng hòa vào lễ hội, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng, tiếng sáo cho thấy sự lan tỏa của các giá trị văn hóa của đồng bào nơi phố thị. Theo ông Hồ Tấn Cường  – Phó Giám đốc Sở VH- TT&DL, ngày văn hóa các dân tộc sẽ giúp mang đến những sắc màu đa dạng hơn cho di sản, để mọi người thấy và hiểu rằng, ẩn sâu trong mỗi điệu múa, khúc nhạc là khát vọng sống, là niềm hạnh phúc lứa đôi, ước muốn vươn lên trong cuộc sống… “Thành công của những đêm hội mang lại không chỉ là giới thiệu, quảng bá du lịch hay bản sắc văn hóa của đồng bào đến với du khách và người dân Hội An, mà chính là đã khơi gợi được lòng tự hào của đồng bào về những giá trị văn hóa riêng có của dân tộc mình. Từ đó, giúp họ bảo tồn, phát huy tốt hơn những giá trị văn hóa đó” - ông Cường nói.

GIA KHANG

GIA KHANG