Lễ hội VH-TT các huyện miền núi: Đánh thức giá trị văn hóa cộng đồng
Lễ hội văn hóa - thể thao (VHTT) các huyện miền núi Quảng Nam đã thực sự đem lại nhiều cơ hội tôn vinh bản sắc văn hóa, nâng cao nhận thức về bảo tồn các di sản, quảng bá du lịch cho đến cố kết cộng đồng và phục dựng các công trình văn hóa vùng cao. Lễ hội lần thứ 19 năm 2018 diễn ra từ ngày 21 - 24.7 tại huyện Nam Giang.
Đội cồng chiêng của già Hồ Văn Dinh (xã Trà Bui, Bắc Trà My) trình diễn tại khai mạc lễ hội VH-TT miền núi lần thứ 18 - 2014.Ảnh: Đ.N |
GÓP SỨC BẢO TỒN VĂN HÓA
Cứ mỗi lần lễ hội VHTT các huyện miền núi được tổ chức, chính quyền và đồng bào vùng cao lại có dịp ngồi lại để nhìn nhận các giá trị văn hóa và truyền thống trong nhịp sống hiện đại. Từ đó, tìm hướng bảo tồn và “điều chỉnh”, phát huy các giá trị văn hóa phù hợp với đời sống đương đại.
“Định vị” hệ giá trị văn hóa
Trải qua 18 lần tổ chức, lễ hội VHTT các huyện miền núi đã khẳng định được quy mô và sức hút trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao toàn tỉnh. Trong đó, hệ giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) được “định vị” như một điểm nhấn, có sức lan tỏa cả về nhận thức lẫn tư duy trong công tác bảo tồn, định hướng và phát huy giá trị bản sắc truyền thống.
Theo nhạc sĩ Dương Trinh - Chi hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS và miền núi (Hội VHNT tỉnh), việc tăng cường tổ chức các hoạt động VHTT ở miền núi là dịp vừa tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống, vừa quảng bá tiềm năng phát triển du lịch đến với bạn bè, du khách. Xuyên suốt các kỳ lễ hội, cùng với các môn thi đấu thể thao, ban tổ chức cũng chú trọng đến các nội dung thi trình diễn trang phục truyền thống, giới thiệu các sản phẩm nông sản, hình ảnh tư liệu triển lãm và không gian trưng bày hiện vật văn hóa… Chính những hoạt động văn hóa này đã góp phần làm nên thành công cho lễ hội, trở thành không gian để đồng bào - những chủ thể văn hóa miền núi tự hào và chung sức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống.
Tại các địa phương miền núi những năm gần đây, sự “cộng hưởng” giữa các tộc người và các địa phương cũng đã được thể hiện khá rõ nét. Bên cạnh phát huy tinh thần đoàn kết giữa đồng bào vùng cao, chính quyền các huyện cũng đã nhiều lần tổ chức hội nghị chung để nhận định cụ thể về vai trò và tầm quan trọng của giá trị văn hóa truyền thống đối với sự gắn kết cộng đồng. Từ đó, đối chiếu với thực tế để kịp thời “điều chỉnh”, khắc phục những hạn chế cũng như tìm cách bảo tồn và khai thác theo hướng phát triển du lịch cộng đồng miền núi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng cho rằng, chính sự “cộng hưởng” một cách khoa học giữa cộng đồng và các địa phương miền núi đã giúp giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS có cơ hội được gìn giữ, phát huy và có hướng đi tích cực phục vụ đời sống, cũng như góp thêm nhân tố mới trong các hoạt động bảo tồn bản sắc, trước nguy cơ mai một giữa dòng chảy hiện đại.
Tôn vinh bản sắc
Ấn tượng với người tham gia các kỳ lễ hội, bên cạnh các môn thể thao đặc thù miền núi, còn có những sự kiện nổi bật nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào. Trong đó, phải kể đến các nội dung thi biểu diễn nghệ thuật gắn với các hoạt động đời sống, sinh hoạt, nét đẹp văn hóa, con người và mảnh đất vùng cao như trình diễn trang phục truyền thống, tái hiện lễ cưới, trưng bày không gian văn hóa vật thể… đầy tính sáng tạo.
Năm 2014, tại lễ hội diễn ra ở Bắc Trà My, chương trình nghệ thuật giới thiệu và trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào vùng cao đã rất thu hút người xem. Những hoạt cảnh đời thường của đồng bào được tái hiện khá tinh tế, mang đậm giá trị văn hóa cội nguồn. Điều thú vị, hầu hết diễn viên đều là người trẻ ở địa phương - những chủ thể văn hóa của đồng bào vùng cao. Chị Nguyễn Thị Thu Trang (dân tộc Ca Dong, Bắc Trà My) chia sẻ, sau nhiều đợt tham gia lễ hội, chị càng trân quý hơn những nét đẹp văn hóa của đồng bào mình, từ đó cùng nỗ lực góp sức bảo tồn.
Những người trẻ như chị Trang, hầu hết được sinh ra trong môi trường ít nhiều đã nhạt phai các giá trị văn hóa truyền thống. Chính vì thế, chị Trang nói lễ hội VHTT các huyện miền núi vừa là không gian hội ngộ của anh em các dân tộc, vừa là nơi giúp những người trẻ đồng bào vùng cao được nâng cao nhận thức về nét đẹp truyền thống ông cha ngày trước và tích lũy kinh nghiệm sống cho bản thân. “Được chọn tham gia lễ hội, với người trẻ đã là một vinh dự. Nhưng vinh dự hơn là khi mình được khoác trên người sắc phục truyền thống để quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào mình đến cho mọi người. Giá trị văn hóa được tôn vinh, khiến mình cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm trong việc góp sức bảo tồn, phát huy bản sắc tốt đẹp này” - chị Trang bộc bạch.
ALĂNG NGƯỚC
LAN TỎA NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA
Các kỳ lễ hội như dịp để người dân và chính quyền các huyện miền núi “trưng bày” các nét đẹp văn hóa, truyền thống của con người, vùng đất. Nhờ vậy, lễ hội đã tạo ra sự lan tỏa những giá trị văn hóa và truyền thống trong cộng đồng các dân tộc miền núi, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát huy các giá trị ấy để phục vụ cuộc sống hôm nay.
“Bảo tàng” di sản vật thể
Sức lan tỏa từ lễ hội đã hình thành nên những “bảo tàng” di sản vật thể tại các địa phương miền núi. Những hiện vật này được trưng bày, mang đi triển lãm tại hầu hết lễ hội và sự kiện lớn của địa phương, của tỉnh, như một minh chứng cho quá trình tìm kiếm, sưu tầm di sản vật thể truyền thống của các địa phương.
Theo bà Bh’riu Thanh Nữ - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Đông Giang, những năm qua, bên cạnh phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở các thôn đồng bào Cơ Tu, chính quyền còn triển khai xây dựng đề án công tác sưu tầm những hiện vật văn hóa có giá trị nhằm bảo tồn, khôi phục trong đời sống cộng đồng. Từ chủ trương này, nhiều địa phương đã hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng đồng bào Cơ Tu, góp phần hình thành nên những “bảo tàng” lớn nhỏ từ huyện, xã, thôn cho đến từng gia đình. Ngoài ra, thông qua nghị quyết của huyện về bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu, nhiều mục tiêu về xây dựng gươl, moong truyền thống tại các thôn bản; khôi phục nhà mồ, nhà làng; bảo lưu trang sức, nhạc cụ, trống chiêng; văn hóa ẩm thực, cùng các dụng cụ trong lao động sản xuất… ở cộng đồng người Cơ Tu cũng được thực hiện một cách hiệu quả, có chiều sâu. “Cứ sau các kỳ lễ hội, chúng tôi cũng đều mở rộng công tác sưu tầm, khôi phục những hiện vật di sản của đồng bào, cũng như hình thành thêm nhiều mô hình tiêu biểu về đan lát, dệt thổ cẩm và thành lập đội cồng chiêng nhí, câu lạc bộ nói lý - hát lý, dân ca - dân vũ,… Từ chính các hoạt động này, đã giúp địa phương chủ động được sản phẩm, hiện vật văn hóa, lịch sử để mang trưng bày tại các dịp lễ hội, nhằm góp sức giới thiệu, quảng bá và bảo tồn bản sắc văn hóa miền núi” - bà Nữ cho biết thêm.
Không chỉ Đông Giang, công tác sưu tầm, khôi phục các hiện vật lịch sử, hiện vật văn hóa di sản của đồng bào DTTS còn được triển khai thực hiện rộng khắp ở các địa phương miền núi, từ Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, cho đến Phước Sơn, Nam - Bắc Trà My… với hiệu ứng lan tỏa lớn trong cộng đồng vùng cao.
Thêm những giá trị thực
Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, định kỳ 2 năm một lần, địa phương cũng đều tổ chức lễ hội cồng chiêng và không gian ẩm thực, lồng ghép các hoạt động thi điêu khắc, trình diễn trang phục truyền thống… nhằm lựa chọn những nghệ nhân, diễn viên phù hợp để bổ sung vào đội của huyện tham gia lễ hội các huyện miền núi. Bên cạnh đó, các hoạt động tạo ra sản phẩm của làng dệt Za Ra; đan lát Công Dồn; khuyến khích dựng gươl và hình thành các đội cồng chiêng tại các thôn, xã cũng được duy trì, đảm bảo.
Tại huyện Bắc Trà My, những năm qua câu chuyện về đội cồng chiêng của già Hồ Văn Dinh (xã Trà Bui) vẫn được kể với bao niềm tự hào. Đội cồng chiêng này, nhiều năm cũng đều góp mặt tại các sự kiện lớn nhỏ của tỉnh và địa phương, với những nghệ nhân khá trẻ. Còn nhớ, dịp khai mạc lễ hội VHTT miền núi năm 2014, đội cồng chiêng của già Dinh biểu diễn đã thu hút du khách với sự thích thú và tình cảm đặc biệt. Hay nhưng cuộc lặn lội tìm kiếm người “nối dõi” tổ nghề chế tác bộ Gu người Co của nghệ nhân Dương Lai (xã Trà Kót); công tác sưu tầm đàn đá, trống chiêng của nhạc sĩ Dương Trinh… trở thành câu chuyện đẹp minh chứng cho sự lan tỏa từ lễ hội trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của cộng đồng miền núi.
Phó Trưởng phòng VHTT huyện Bắc Trà My - Nguyễn Văn Bình cho biết, ngoài sưu tầm hiện vật huyện còn khuyến khích người dân cùng tham gia bảo tồn văn hóa, xem đó như trách nhiệm của bản thân với tổ tiên, ông bà. “Văn hóa vùng cao phải được “sống” trong cộng đồng, từ đó mới giúp công tác bảo tồn đi vào thực tiễn, phát huy giá trị đích thực trong cuộc sống hôm nay” – ông Bình nói.
VƯƠNG HOÀNG
CƠ HỘI QUẢNG BÁ DU LỊCH
Các kỳ lễ hội đã tạo cơ hội xúc tiến và quảng bá tiềm năng du lịch - văn hóa của miền núi và thu hút đầu tư, tạo hướng đi mới đầy tích cực cho phát triển du lịch cộng đồng vùng cao.
Du khách thích thú với không gian trưng bày và nghệ thuật trình diễn dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS tại lễ hội 2014.Ảnh: Đ.N |
Lễ hội VHTT các huyện miền núi là cơ hội để những tiềm năng đặc trưng của miền núi, vùng đồng bào DTTS được quảng bá rộng rãi đến với du khách, thông qua các sự kiện nổi bật của lễ hội như: trưng bày, triển lãm sản phẩm và trình diễn nghề thủ công truyền thống; biểu diễn cồng chiêng và trình diễn trang phục các dân tộc; tái hiện nghi thức trong lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới, lễ hội dân gian truyền thống…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân: Lan tỏa rộng khắp Qua 18 lần tổ chức, lễ hội đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ đồng thời cổ vũ cho các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở miền núi ngày phát triển lớn mạnh. Những năm qua, các địa phương miền núi đã rất nhiệt tình, sôi nổi trong công tác tập luyện và mang đến cho lễ hội những nhân tố mới, chất lượng phù hợp với tiêu chí các nội dung thi đấu, nhất là các nội dung liên quan đến văn hóa, lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào trên toàn tỉnh. Lễ hội được xem là sự kiện chung quan trọng của đồng bào vùng cao, có tác động và tạo sự lan tỏa rộng khắp, toàn diện trong cộng đồng. Đây cũng là dịp tập hợp mọi tầng lớp nhân dân miền núi tham gia hoạt động văn hóa - thể thao ý nghĩa, góp phần rèn luyện và nâng cao sức khỏe, cũng như giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong cộng đồng vùng cao. |
Theo bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, xác định lễ hội là dịp để quảng bá những nét đẹp truyền thống của địa phương đến với du khách, những năm qua huyện luôn chú trọng đến công tác tìm kiếm những sản vật tiêu biểu, những nét văn hóa đặc trưng, để phục vụ tham quan của bạn bè, du khách. Thông qua lễ hội, những tiềm năng và lợi thế của vùng đất, con người Đông Giang cũng được khai thác, nhằm hỗ trợ tối đa cho nhu cầu tìm hiểu, kết nối từ du khách. “Ngoài không gian trưng bày về hiện vật lịch sử, văn hóa và các mặt hàng nông sản đặc trưng, tại mỗi lễ hội chúng tôi cũng luôn có đội nghệ nhân trình diễn các công đoạn đan lát, dệt thổ cẩm. Đồng thời, cố gắng tái hiện một cách sinh động, đúng theo nguyên bản trình tự một lễ hội, một đám cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu, giúp giới thiệu đầy đủ đến du khách, nhằm mở ra cơ hội mời gọi đầu tư phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai” - bà Tươi cho hay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi cũng cho rằng, cơ hội quảng bá du lịch từ các lần tổ chức lễ hội là rất lớn, với sự tham gia của rất đông du khách trong và ngoài tỉnh. Do vậy, không gian trưng bày hiện vật văn hóa, trình diễn thời trang, tái hiện lễ cưới… cũng được các địa phương quan tâm đưa vào “khung” chiến lược kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Như Tây Giang, với lợi thế về hệ sinh thái rừng đa dạng, trong đó nổi bật là quần thể cây di sản pơmu và rừng đỗ quyên, cộng với các di tích lịch sử được trùng tu, những cảnh quan thác nước nguyên sơ và cả không gian văn hóa làng truyền thống còn khá nguyên bản, được kỳ vọng sẽ là “điểm nhấn” giúp du lịch của địa phương được nhiều người để mắt đến. “Tây Giang chú trọng đến công tác xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa làng. Bước đầu đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển du lịch miền núi, hình thành nên những chuỗi giá trị đặc trưng và mở rộng kết nối với các địa phương lân cận như Đông Giang, Nam Giang và cả huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Chuẩn bị cho lễ hội tới đây tại huyện Nam Giang, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mang đến những sản phẩm đặc trưng độc đáo, những ý tưởng mới lạ phù hợp với nội dung của lễ hội, nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện” - ông Blúi nói.
ĐĂNG NGUYÊN
TẠO ĐỘT PHÁ VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng có cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam về ý nghĩa của lễ hội văn hóa thể thao các huyện miền núi.
Xin ông cho biết những đổi mới về công tác tổ chức, nội dung kỳ lễ hội năm nay để mang tính thực chất hơn, tránh hình thức?
Công tác chuẩn bị lễ hội được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện từ giữa năm 2017. Nét mới trong công tác tổ chức lễ hội lần này là có sự kết hợp hài hòa và phong phú các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao cùng với các hoạt động trình diễn văn hóa truyền thống của các dân tộc. Ban tổ chức nhấn mạnh tính thiết thực, hiệu quả trong tổ chức các môn thi đấu thể thao và hoạt động văn hóa nghệ thuật, nâng cao chất lượng, phản ánh được tính thực chất là hoạt động của cộng đồng các dân tộc.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, hoạt động văn hóa luôn cần những cái mới, vì vậy, tại lễ hội lần này, ban tổ chức đã cải thiện, nâng cao nhiều nội dung như tái hiện các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào, từ các điệu múa cồng chiêng, hát lý, trình diễn nhạc cụ dân tộc đến các lễ hội độc đáo. Bên cạnh đó hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu nghề thủ công truyền thống, ẩm thực dân tộc, trình diễn thời trang... sẽ tạo nên bức tranh ấn tượng đa sắc và độc đáo tại lễ hội.
Đây là lễ hội định kỳ 4 năm 1 lần, lễ hội năm nay là sự đóng góp của 9 huyện miền núi - chủ thể sáng tạo, thực hành văn hóa và tổ chức hoạt động văn hóa, đặc biệt là huyện đăng cai lễ hội Nam Giang. Lễ hội là nơi gặp gỡ giao lưu của trên 1.500 đồng bào các dân tộc.
Mục tiêu lớn nhất của lễ hội là gì, thưa ông?
Trong lịch sử hình thành và phát triển, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi đã xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, đặc trưng văn hóa của các cộng đồng tộc người, góp phần làm đa dạng và phong phú bề dày truyền thống văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển kinh tế xã hội, thực trạng đời sống văn hóa của đồng bào vẫn còn khó khăn, hạn chế nhất định, một số hình thái biểu hiện văn hóa bị tác động, ảnh hưởng của môi trường xã hội hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Do vậy, lễ hội cũng nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, hạn chế nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, nguy cơ dễ bị đồng hóa, biến dạng trong quá trình hội nhập và phát triển, cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Văn hóa là một loại tài sản vô giá không thể định lượng, bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Những người quản lý nếu biết sử dụng trí tuệ của cộng đồng các dân tộc để bảo tồn và phát huy thì khối tài sản đó sẽ đem lại nguồn lực lớn cho phát triển. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua các dịp lễ hội là một việc làm thiết thực, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ thực hành di sản, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Vì vậy, những người làm công tác văn hóa chúng tôi mong muốn, thông qua các kỳ lễ hội sẽ tạo ra những bước đột phá về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Nam hiện nay.
TRƯƠNG TÂM THƯ (thực hiện)