Bảo tồn văn hóa ngay trong cộng đồng

LÊ QUÂN 30/06/2018 10:09

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như thế nào vẫn luôn là trăn trở của nhiều người. Những lễ hội văn hóa hằng năm tại các huyện miền núi vẫn diễn ra, như là cách thức góp phần gìn giữ những vốn quý này.

Nhà ở theo kiểu truyền thống được dựng ngay trên đường vào thôn văn hóa Đắc  Ôốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang. Ảnh: LÊ QUÂN
Nhà ở theo kiểu truyền thống được dựng ngay trên đường vào thôn văn hóa Đắc Ôốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang. Ảnh: LÊ QUÂN

Quảng Nam hiện có khoảng 130.000 người thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,93% tổng dân số, với 4 thành phần dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme ngữ hệ Nam Á, gồm Cơ Tu, Xê Đăng, Co và Giẻ Triêng. Chính họ cùng những bản sắc văn hóa của tộc người mình đã dệt nên bức tranh văn hóa đa dạng của miền núi xứ Quảng. Tuy nhiên, trong vòng xoáy phát triển, người miền núi đang phải đối mặt với những mất mát, biến dạng văn hóa, ngay từ bên trong cuộc sống của họ.

Biến đổi

Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhiều lần đưa ra ý kiến của mình trong các cuộc họp góp ý về câu chuyện bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Bà chia sẻ, nếu không nhanh chóng có những tác động kịp thời, thì càng ngày những thế hệ trẻ người miền núi càng không hiểu, không biết quý trọng, tự hào về vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình. “Có những lễ hội, nhiều em thanh niên đóng khố còn không biết cách, đánh trống chiêng cũng không chuẩn” - bà Thủy nói. Chưa kể, sự pha tạp với các yếu tố văn hóa của các dân tộc khác khiến văn hóa truyền thống của đồng bào ngày càng phai lạt. Nhà ở của đồng bào tại các khu tái định cư chủ yếu làm bằng gạch ngói, cấu trúc giống nhà người Kinh, không làm theo nhà sàn, trang phục truyền thống thường chỉ được sử dụng trong các ngày lễ hội. Ở nhiều địa phương, mặc dù đồng bào có ý thức lưu giữ di vật, cổ vật của gia đình, dòng họ, nhưng do chưa nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nên nhiều hiện vật quý hiếm bị hư hỏng hoặc mất mát.

Việc khôi phục nhà làng truyền thống của các dân tộc có nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm và đang có nguy cơ hiện đại hóa. Một số giá trị truyền thống mang tính cộng đồng ít được nhân dân quan tâm như các mỹ tục liên quan đến nông nghiệp. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp liên quan đến mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, như các luật tục liên quan về rừng, sông, suối... nhằm hạn chế sự phá hoại của con người đối với môi trường sinh thái đã mai một. Ông Nguyễn Tri Hùng – người có nhiều năm nghiên cứu về miền núi chia sẻ thêm, tác động của phát triển kinh tế và thâm nhập văn hóa ngoại lai làm biến dạng, thay đổi một số tính cách, yếu tố truyền thống của tộc người. “Công tác quản lý cấp huyện và xã còn yếu kém, nhiều nơi cho rằng những cái gì mới là tốt. Họ quên rằng cái mới thường làm méo mó và biến dạng vốn quý của dân tộc mình. Cán bộ cấp xã bây giờ không chú trọng về văn hóa như xưa” - ông Nguyễn Tri Hùng nói thêm. Cũng theo ông, nhiều trang phục truyền thống như khố, váy và các loại cườm, vòng trang trí không còn hoặc ít được sử dụng mà thay vào đó là các trang phục phổ thông hiện đại, các bộ cồng chiêng của người dân đang dần bị hư hỏng do thời gian, các điệu múa cồng chiêng không được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư mà chủ yếu tập trung vào những người lớn tuổi…

Nhà làng truyền thống người Cơ Tu thôn Pà Vả, xã Ta Bhing, huyện Nam Giang được dựng lên bên cạnh một khu sinh hoạt hiện đại.
Nhà làng truyền thống người Cơ Tu thôn Pà Vả, xã Ta Bhing, huyện Nam Giang được dựng lên bên cạnh một khu sinh hoạt hiện đại.

Chuyện người dân không mặn mà với nhà làng truyền thống, đã không còn của riêng một địa phương nào. “Lâu nay có nhà truyền thống nằm ở trung tâm xã nhưng hầu như bỏ hoang vì bà con không mặn mà. Một thời gian dài nhà truyền thống này chỉ dùng làm nơi sinh hoạt khi có lễ hội hay các hoạt động đoàn hội của lớp trẻ nhưng cũng ít lắm, có khi một năm chỉ sinh hoạt một lần” - ông Alăng Bríu, cán bộ văn hóa xã Ta Bhing (Nam Giang) cho biết. Từ những công trình văn hóa đến cả các giá trị văn hóa phi vật thể, đều gần như chung một tình cảnh. Ông Nguyễn Sáu - Phó Chủ tịch UBMT huyện Nam Giang lo lắng: “Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như điệu hát, điệu múa  ở địa phương hiện nay đã bị mai một khá nhiều và thời gian dài nên bây giờ việc khôi phục sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như điệu tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu hay làng nghề dệt thổ cẩm cũng chỉ còn khu biệt trong một nhóm nhỏ. Số thanh niên người đồng bào đi học ở xuôi thì không còn mặc thổ cẩm mà cũng tiếp thu văn hóa hiện đại. Hiện nay những giá trị phi vật thể này chỉ còn được biết tới qua các hội thảo, chương trình làng nghề, đề án du lịch còn riêng với việc người dân tự tổ chức sinh hoạt thì rất ít”.

Những trăn trở

Trước rất nhiều những nguy cơ mai một như vậy, một “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025” đang được lấy ý kiến góp ý để ban hành. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho rằng, các huyện miền núi đã nỗ lực rất lớn trong câu chuyện gìn giữ bản sắc của đồng bào mình. “Theo tôi, Sở VH-TT&DL cần có báo cáo đánh giá kết quả Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐNN về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 – 2020 đã đạt được bao nhiêu chỉ tiêu trong đó. Việc xây dựng bảo tàng nhiều địa phương vẫn chưa làm được. Lĩnh vực văn hóa cực kỳ khó làm và khó đầu tư, vì không phải chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà văn hóa và lịch sử có sức lan tỏa cho con cháu sau này” - ông Mia nói. Theo ông, trong giai đoạn 2018 – 2020, con số 50% về phát triển bảo tồn văn hóa phi vật thể, thôn bản có trống chiêng ở đề án đưa ra, rất khó thực hiện. “Riêng người Cơ Tu ít có dàn cồng chiêng, mà chỉ là trống đi với chiêng. Khó nhất của Tây Giang là thư viện chưa có, bảo tàng cũng không. Nhưng bảo tàng xây dựng xong cũng gặp khó về chuyện trưng bày. Đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn cách trưng bày hiện vật cho bảo tàng cấp huyện. Tôi cũng đề nghị 100% các huyện miền núi đều có thư viện, để bà con thụ hưởng văn hóa giáo dục. Việc hỗ trợ bà con về cồng chiêng là điều nên làm, đề nghị đến năm 2020 tất cả thôn, bản đều có bộ chồng chiêng, vì thế hệ trẻ hiện nay không biết nhiều đến điều này. Huyện Tây Giang chỉ mới thí điểm hỗ trợ về cồng chiêng được 4 thôn” - ông Mia chia sẻ.  

Gìn giữ trong cộng đồng, đưa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào giáo dục trong trường học, khuyến khích các em lòng tự hào dân tộc, là giải pháp được khá nhiều người đưa ra. Đây là vấn đề cần cả xã hội vào cuộc. Ông Nguyễn Tri Hùng cho rằng, tâm lý đến hẹn lại lên ở các lễ hội của đồng bào miền núi trở thành một phong trào của mặt trận chứ không còn là văn hóa của một cộng đồng. “Rất tiếc là các cơ quan nghiên cứu về văn hóa dân tộc bỏ rơi việc tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu văn hóa đồng bào. Gần như là một hình thức sân khấu hóa ở các lễ hội, mang tính diễn nhiều hơn, vì lực lượng tham gia không phải là chính người dân. Trong khi ở các huyện miền núi có đội văn nghệ cồng chiêng, nói lý, hát lý từ xã đến thôn. Ví dụ như Đội cồng chiêng xã Zuôih, người dân ở đó rất giỏi, vấn đề anh tổ chức ngày hội, phải thu hút được lực lượng tham gia ở xã và thôn lên để giữ gìn nguyên bản. Cộng đồng dân cư cũng sẽ thấy phấn khởi khi tham gia. Đây chính là cách bảo tồn ngay trong cộng đồng” - ông Nguyễn Tri Hùng nói thêm.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN