Ngàn đời qua những cồn - bàu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/06/2018 12:22

Tự ngàn đời xưa, vùng sinh thái nhân văn trước núi giáp biển đã hình thành trên miền duyên hải. Nơi đó, cồn - bàu nối tiếp nhau, nổi chìm cùng bao nền văn minh, văn hóa. Nơi đó, con người đã dựng nên sinh cảnh bao làng mạc, cảng thị, với hệ thống trao đổi ven sông cửa biển. Nơi đó, con người đã tạo dựng và để lại những di sản qua các thời đại, rực rỡ với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Hòa Bình muộn, văn hóa Chăm Pa, văn hóa Đại Việt, rồi giao hòa với văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, phương Tây…

Cồn nổi trên vùng hạ lưu Thu Bồn. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG
Cồn nổi trên vùng hạ lưu Thu Bồn. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG

Trên dải cát ven biển Quảng Nam, nổng cồn đan xen với bàu đầm, nằm giữa sông Trường Giang và biển. Lưu vực Vu Gia - Thu Bồn cũng tạo nên những cồn bãi, mà có nơi lớn như đất Phù Kỳ - Gò Nổi, xuôi về biển thì bao bọc Hội An trong sông Hoài, Đế Võng với cồn - bàu đa dạng. Đây là nơi mà các nhà địa chất và khảo cổ học đã xác định có những cồn cát cổ tạo thành cách đây cả vạn năm. Cả vùng cây cỏ, chim muông, thủy sản cùng quần tụ với đời sống con người. Mỗi vỏ ốc vỏ sò, cây dừa nước, bần, mắm, sú vẹt, cây lúa, cây khoai… đều có thể kể cho ta nghe câu chuyện về thuở hoang sơ. Rồi lịch sử đã dựng nên những cảng thị sầm uất. Từ những thế kỷ trước, sau công nguyên đã hình thành một số tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai, như khu vực Hội An với di tích Hậu Xá. Với mật độ phân bố và quy mô các di tích cho biết đây là những khu vực tụ cư đông đúc từ lâu đời, có nền sản xuất khá phát triển và có thể đã hình thành một hình thái “nhà nước sơ khai” kiểu liên minh bộ lạc. Từ văn hóa Sa Huỳnh - là sản phẩm của những cư dân nông nghiệp trồng lúa ở vùng đồng bằng ven biển, mà một đặc trưng sinh thái là cồn - bàu, đến việc ra đời Lâm Ấp phố rồi đến các tiểu vương quốc Chăm Pa, các thành tố văn minh và văn hóa tiếp tục được bồi đắp, tạo nền cho sự hội tụ về sau với văn hóa Đại Việt thăng hoa xứ Đàng Trong.

Ngày xửa ngày xưa, câu hát rủ người về, như “Ai về Bàu Ấu thì về/ Bàu Ấu có nghề đan giỏ, cào nghêu”, cho thấy dấu vết của nền văn minh nông nghiệp. Còn bây giờ? Về những vùng đất nhiều cồn - bàu đã thấy bao biến thiên. Những thành phố, những công trình lớn đã phủ lên vùng cát lắm nổng nhiều cồn đầy nắng gió, ngửa mặt ra nhìn biển. Sinh thái nhân văn thay đổi, những cồn - bàu có thể chỉ còn cái tên trong ký ức, hoặc chìm sâu vào lòng đất mà chỉ giới khảo cổ học mới biết ở đó vùi lấp những nền văn minh xưa cũ. Ai sẽ nhớ những cồn - bàu đã định danh vùng đất, gắn với tên làng tên xóm và cả những di tích, di chỉ văn hóa?

Có nhớ nhung nhưng làm sao được với con tạo vần xoay, với nhu cầu đời sống ngày một khao khát sự tiện lợi, tiện dụng, tiện nghi… cùng công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa. Vấn đề là, nếu phải kiến tạo sinh cảnh mới, cũng nên có tầm nhìn về ngàn đời trước cho đến ngàn đời sau. Những cồn - bàu gắn với di chỉ văn hóa về các nền văn minh, nếu giữ lại được hãy khoanh vùng bảo vệ như bảo tàng ký ức vùng đất. Những bàu đầm là môi sinh bao bọc các thành phố, có thể tạo “lá phổi” xanh. Cồn - nổi lên, bàu - chìm xuống, cũng làm cho nhịp điệu bước chân du lịch thêm sinh động. Ngay cả dự án nạo vét Trường Giang nối cửa Đại và cửa Lở, thông dòng Cổ Cò - Đế Võng nối cửa Hàn và cửa Đại, kết hợp giữ gìn và tôn tạo sinh cảnh những bàu đầm, cồn cát ven sông, sẽ tạo nên sự phong phú, đa dạng cho con đường du lịch tương lai.

Ngàn đời đi qua những cồn - bàu để ngả mình vào ký ức, kể câu chuyện của tiền nhân mở đất lập làng.
Ngàn đời hướng đến xa xăm là vùng sinh thái nhân văn cho con cháu mai sau vẫn được hít thở hương rừng, hương biển, hương đồng nội qua những cồn bãi, sông nước, bàu đầm…

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM