Nghệ nhân ưu tú Lê Quốc Tuấn: Kẻ lãng mạn làm gốm

LÊ QUÂN 19/05/2018 10:37

Đó là một người kể chuyện của gốm, chuyện từ thuở gốm Thanh Hà còn theo những gánh hàng dọc sông Thu, chuyện gốm sống đời với phố thị du lịch… Đã nhiều năm, Lê Quốc Tuấn chọn cho mình con đường riêng, để đuổi theo hay cũng có thể là giữ lại một giấc mơ hưng thịnh của làng mình…

1. Những buổi chiều tàn, nắng vẫn chưa tắt trên bến sông nhộn nhịp tàu về làng. Và những đoàn khách đủ thứ giọng điệu vẫn chưa chịu rời điểm du lịch được đánh dấu trên tấm vé. Đám trẻ con vừa kịp tan buổi học, lẫn lộn trong dòng người lao xao tìm cách lọt vào những con hẻm nhỏ. Khó để tìm thấy một góc thinh lặng nhìn gốm của làng đang “xoay xở” với nhiều hình thù. Con đường lát gạch từ những lò nung thuở nào đã hằn vết bởi hàng triệu bước chân. Những mấu nối giữa các căn nhà cũng đã nhuốm màu rêu. Và đi xa ra một chút, ở cái đường biên của làng, để biết có một vùng đất làm gốm ven sông, rồi chợ búa nhộn nhịp – cái chợ đầu mối thủy sản cho cả vùng đô thị du lịch, rồi thanh niên người già, họ đâu có làm gốm để diễn…

Nhưng ngay trong cái vòng tròn trung tâm đó, vẫn có người chọn cách đứng một mình giữa đám đông. Anh loay hoay để bắt kịp nhịp điệu của nắng… khi rớt xuống làng. Là bởi, gốm của Lê Quốc Tuấn hắt lên những tia vàng như nắng, trong cái xôn xao làm như diễn mà diễn như làm… Những sản phẩm gốm từ đôi tay của Lê Quốc Tuấn mang dấu ấn riêng, nghệ thuật, văn hóa, tinh tế và da diết. Hình như, sự sáng tạo không có bất cứ một quy chuẩn nào, không trường lớp, không lý luận, chỉ ra đời bằng sự say đắm của người yêu tha thiết làng mình, đã là cái đẹp đặc biệt. Chỉ bằng những cuộc truyền dạy của ông, rồi cha, cả 4 – 5 đời làm gốm miệt mài, Lê Quốc Tuấn lặng lẽ “dọn” cho mình một con đường. Vượt ra khỏi cái giới hạn của làng nghề thủ công với những sản phẩm gốm truyền thống, Lê Quốc Tuấn tách ra, ngược dòng, và cô độc đi tìm chỗ đứng cho gốm, bằng cách làm gốm để trưng bày, gốm nghệ thuật, gốm dành cho những không gian mộng mơ.

Một chiếc đèn thả trần kết nối từ những “hòn binh” đất, vừa rón rén đời sống dân gian, vừa ngỡ ngàng về một cái đẹp của sự sang trọng. Những chiếc hòn binh rỗng, không đáy, vẫn hình bầu dục tụ về “cái núm”, bên trong đựng những bóng đèn, vừa bật lên, cái cảm giác như đang ngồi nghe ánh sáng thủ thỉ ấm cúng trong căn nhà của mình. Đó là ánh sáng huyễn hoặc, hắt lên từ thứ lồng đèn được làm nên hình hài bởi đất, nước, lửa và gió. Đèn gốm, cũng chỉ là một trong hàng trăm sản phẩm gốm mỹ nghệ mà Lê Quốc Tuấn là người đầu tiên ở làng gốm Thanh Hà liều lĩnh mang ra thị trường. Năm 2004, lần đầu tiên một người thợ làng gốm đi ký hợp đồng cung ứng sản phẩm trang trí đất nung cho một khách sạn tại TP.Đà Nẵng, với giá trị 35 triệu đồng. Anh nói, cái cảm giác run rẩy đó vẫn còn ám ảnh anh, để sau này, những cuộc liên kết với các khu du lịch, resort, từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng… thì anh vẫn luôn mang ơn gốm. Cái gì mình làm thực chất, thành tâm, nghiêm cẩn thì sẽ được nhìn nhận đúng giá trị và đặt đúng chỗ của nó. Những sản phẩm gốm như đèn vườn, đèn trang trí, lu đựng nước… mộc mạc, nhưng tinh tế và đậm bản sắc của miền quê Việt, từ đôi bàn tay nghệ nhân Lê Quốc Tuấn, đã đến với rất nhiều vùng đất.

Nghệ nhân Lê Quốc Tuấn trong gian nhà giữa làng.  Ảnh: LÊ QUÂN
Nghệ nhân Lê Quốc Tuấn trong gian nhà giữa làng. Ảnh: LÊ QUÂN

2. Đôi bàn tay con người sinh ra từ làng gốm, đã thơm thảo mùi khói, mùi đất sét từ những ngày thơ. Dẫu có lúc phải “ruồng rẫy” để kiếm cơm, nhưng thứ gì đã là máu thịt, dẫu có cố chối bỏ, vẫn đâu đó làm mình nhói từng cơn, mỗi ngày. Năm 30 tuổi, Lê Quốc Tuấn bỏ làng đi làm thợ. Chuyện về gốm cứ nghĩ sẽ phai lạt theo những dồn đuổi của áo cơm, thị trường. Nhưng những khi giữa phố, bất chợt gặp những thúng tò he bày biện ở góc đường, một người đàn bà đơn độc giữa hàng trăm “thú đất”, thì cái hương gốm lại dậy lên trong huyết quản. Lê Quốc Tuấn nói, giá như lúc đó anh vẫn đang làm gốm. Sẽ khác. Và vì những lần “sẽ khác” như vậy, mà con người mê đắm “vọc đất” này trở về. Về bằng cái quyết chí chọn gốm để làm kế sinh nhai, để làm cái nghiệp của chính cuộc đời mình.

Mà ngó nghĩ lại, anh có đi đâu xa, vẫn lang thang đâu đó trong những con hẻm ngõ phố của Hội An, nhưng suốt nhiều năm, Lê Quốc Tuấn dẹp lò nung, không muốn nhìn những sản phẩm gốm của làng bị nâng lên hạ xuống, rồi chỏng chơ vỡ vụn khắp nơi trên những đường làng. Một thời đoạn mà gốm gần như vật vã trong những cơn biến xoay của du nhập hàng hóa, của những tiện nghi mau lẹ. Trăm năm hưng thịnh của làng, chỉ còn lại trong những hơi thở dài tiếc nhớ của người già. Lê Quốc Tuấn nói, may mắn cho gốm Thanh Hà, nhưng cũng là thách thức của người ở làng, rằng trong cuộc chơi của ngành du lịch đang như vũ bão đổ vào khắp nơi, thì làm gì để gốm vẫn giữ mình là làng gốm Việt, nhưng vẫn không bị lạc nhịp với dòng chảy đó. Và cũng là may mắn, khi có một chính quyền biết giữ làng với những giá trị riêng có của nó. Người làng nghề sống được nhờ du lịch, quay về làm gốm. Những con tò he đặc trưng của Thanh Hà, ngày một tinh xảo hơn và đi xa hơn.

Lê Quốc Tuấn về ở giữa làng mình, dựng một ngôi nhà bằng sức sáng tạo từ tình yêu của gốm. Bàn xoay bàn chuốt được bày biện trở lại, những câu chuyện của gốm được kể nhiều hơn. Những vách tường dựng nên từ sản phẩm của gốm, chuộng cái ánh sáng tự nhiên để làm gốm nổi bật. Với Lê Quốc Tuấn, riêng dòng gốm trang trí với cái tinh thần phải kể được chuyện dân gian. Bởi gốm, vốn dĩ là sản phẩm tinh hoa của đất, của lửa, của lấm lem nhọc nhằn những người dân quê. Chuyện mục đồng được vẽ vào những chum vại của gốm không nung. Hàng ghe neo lại ở bến sông được đưa vào sinh động trong những chiếc đèn gốm dựng ở các khu resort. Còn hơn thế, Lê Quốc Tuấn gầy lại lò gốm của gia đình mình bằng việc tập trung vào sản phẩm ngói.

Những viên ngói âm dương, ngói mấu, ngói ống để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích cổ, và ngói trang trí cung cấp cho các khu du lịch, Tuấn mày mò cải thiện từng ngày. Bây giờ tuổi sắp vào ngưỡng 50, chuyện áo cơm không còn vây ráp nặng nề, anh lại bắt lòng mình sống với những si mê ngày trẻ. Là câu chuyện vẽ vời trên gốm, đưa gốm vào dòng sản phẩm nghệ thuật. Mặt nạ từ đất sét, khởi đi từ lò gốm của Lê Quốc Tuấn. Những đường nét vung vẩy phóng khoáng tạo hình trên đất sét, đưa vào lò nung, trở ra, lại viết nên câu chuyện mới. Chuyện của những mặt nạ được đắp vẽ theo cá tính của người sở hữu nó. Lê Quốc Tuấn chỉ tạo nên một cái khuôn, với đường nét cơ bản nhưng lại không chi li tỷ lệ hay cân đo tính toán, nó là sự ngẫu nhiên theo cảm xúc của người tạo tác. Và phần còn lại, hoàn thiện nên sản phẩm, là việc của kẻ chạm vào mặt nạ gốm, đôi mắt hay khuôn miệng sẽ ra sao, là do anh. Lê Quốc Tuấn khiến người ta thấy mình cũng là một kẻ biết nghệ thuật, khi một chiếc mặt nạ trở thành thế nào đều phụ thuộc vào những nét phối màu của kẻ sở hữu sau cùng.

Rồi cả những con tò he. Tưởng bé mọn, nhưng là tinh túy của người làm gốm. Lê Quốc Tuấn trằn trọc với những chiếc khuôn đúc, để làm sao đó, đáp ứng được số lượng tò he mà du khách tìm đến Hội An cần nhiều hơn mỗi ngày. Kẻ lãng mạn của làng chưa bao giờ thôi nghĩ, thôi mơ, dầu ở cái thời đoạn này, mơ tưởng thôi cũng cần đến rất nhiều năng lượng…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN