Nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương: Nơi ngưỡng vọng công đức tiền nhân

VĨNH LỘC 18/05/2018 14:30

Được xây dựng hàng trăm năm trước, nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương tọa lạc tại xóm Chùa, thôn Hiền Lương, xã Bình Giang, Thăng Bình không chỉ mang giá trị tâm linh, tri ân công đức tiền nhân mà còn là nơi cố kết cộng đồng làng xã qua bao thăng trầm thời cuộc.

Việc công nhận xếp hạng di tích nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương sẽ tạo điều kiện cho việc huy động nguồn lực để trùng tu di tích này. Ảnh: V.L
Việc công nhận xếp hạng di tích nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương sẽ tạo điều kiện cho việc huy động nguồn lực để trùng tu di tích này. Ảnh: V.L

Dấu xưa mở đất

Xưa, làng có tên gọi Đăng Lương, thuộc tổng An Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, qua vài lần thay đổi, đến thời vua Thành Thái, làng mang tên là Hiền Lương, tên gọi đó tồn tại đến bây giờ. Buổi đầu thành lập, làng gồm 5 tộc tiền hiền là Nguyễn Đình, Phan Văn, Hồ, Lê và Nguyễn Chiếm. Tài liệu lưu trữ tại tộc Nguyễn Đình cho biết: “Tiền hiền tộc Nguyễn Đình là Nguyễn Đại Lang, con trai cả của ngài Nguyễn Ngọc Thơ quê gốc Thanh Hóa theo vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sau đó ông ở lại lập nghiệp tại vùng đất An Thạnh, Thăng Hoa, Duy Xuyên. Nơi vùng đất mới, ngài cùng các tiền hiền tộc họ Phan, Hồ, Lê, Nguyễn Chiếm khai cơ lập nghiệp, sau đó về quê chiêu mộ người thân, bà con hàng xóm vào cùng khai phá vùng đất mới”.

Dần dà, dân cư đông đúc, các tộc họ cùng xây dựng đình làng, lăng miếu thờ thành hoàng, thổ địa, như lăng Mục Đồng, lăng Tam Dị, miếu Bà Vàng, lăng Bà; huy động dân đinh đắp đập ngăn sông Ly Ly dẫn nước về tưới tiêu đồng ruộng Hiền Lương, đồng Tràm, Trà Đình, Bông Lãnh, An Lạc… Năm Tự Đức thứ 7 (1854), cả 5 vị Tiền hiền được vua ban sắc phong là Dực Bảo Trung Hưng Linh/Binh Phò/ Phù Chi thần. Hàng năm, mỗi tộc họ Tiền hiền được 7 sào ruộng dành cho việc tế tự. Còn lại 5 mẫu 5 sào ở các xứ đất Ông Các, Cồn Sa được trí lại cho nhà thờ Tiền hiền lấy hoa lợi phục vụ công việc cúng kính những ngày xuân kỳ thu tế và tu bổ nhà thờ. Trải qua chiến tranh loạn lạc, đình, chùa, miếu của làng hầu hết đã mất chỉ còn lại nhà thờ Tiền hiền như chứng nhân về một thời khai canh lập xứ.

Ngày nay, nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương tọa lạc trên khuôn viên rộng 5.500m2. Dù qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc không còn nguyên vẹn nhưng vẫn thể hiện vẻ trang nghiêm, cân xứng. Từ nhà tiền đường băng qua một khoảng sân rộng được khép kín bởi hai bức tường hai phía sẽ đến không gian thờ tự chính là ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống xứ Quảng... Mùng 7 tháng Giêng hàng năm người dân làng Hiền Lương sinh sống làm việc khắp nơi lại tập trung về nhà thờ thành kính dâng hương, lễ vật nhằm tri ân công đức tiền nhân đã có công lập làng khai xứ.

Gắn kết cộng đồng làng xã

Ngày 20.4.2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1341/QĐ -UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương, cùng với 8 di tích khác gồm: địa điểm chiến thắng T’râm (xã A Xan, Tây Giang); Văn thánh Thăng Bình (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình); địa điểm vụ thảm sát Bình Ninh (xã Điện Nam Bắc, Điện Bàn); nhà thờ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn); địa điểm miếu Thành Hoàng (xã Điện Trung, Điện Bàn); đình làng Gia Cát (xã Quế Phong, Quế Sơn); đình làng Phúc Khương (xã Đại Cường, Đại Lộc); căn cứ Huyện ủy Bắc Tam Kỳ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (xã Tam Lãnh và xã Tam Lộc, Phú Ninh). Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh sẽ được UBND xã Bình Giang tổ chức vào sáng 19.5.

Theo ông Nguyễn Đình Em (77 tuổi), trước năm 1945, khu vực nhà thờ còn có đình làng, lưu giữ nhiều hiện vật quý giá của 5 dòng họ tiền hiền. Tuy nhiên do thiên tai, chiến tranh, đình làng cũng như các giấy tờ liên quan hầu như bị phá hủy, thất lạc hoàn toàn. Qua các lần trùng tu kiến trúc nhà thờ dần được khôi phục. Gần nhất, năm 2009, người dân đã tổ chức tu sửa lại 3 gian thờ chính, nâng cao nền gạch, chân cột gỗ nhằm tránh ẩm mốc, mối mọt. Riêng 3 gian nhà tiền đường vẫn giữ nguyên từ đợt trùng tu năm 1941 với hệ thống cột gỗ, dù vậy hệ thống mái ngói âm dương phần lớn đã bị hư hại nặng. “Năm 1938 - 1940 Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Thăng Triều (tên xã Bình Giang trước đây) lấy nhà thờ làm điểm tổ chức hội họp. Sau Cách mạng Tháng Tám nơi đây được chọn làm trường học xóa nạn mù chữ. Năm 1965 - 1968, nhà thờ trở thành nơi gặp gỡ, sinh hoạt của cán bộ, du kích xã và bộ đội Tiểu đoàn 72, Tiểu đoàn công binh của tỉnh; thỉnh thoảng cán bộ đặc khu cũng về họp hành. Đây cũng là địa điểm tập kết lương thực cung cấp cho cán bộ, bộ đội chuyển về căn cứ trên núi” - ông Em cho biết. Còn trong ký ức của ông Nguyễn Chiếm Lân (61 tuổi), khu vực nhà thờ ngày xưa có 5 cây cổ thụ (gồm 3 cây thị, 1 cây nhớt, 1 cây xoài) nay chỉ còn lại 2 cây và một giếng nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giặc thả bom xuống đây rất nhiều, ảnh hưởng phần nào di tích” - ông Lân kể.

Làng Hiền Lương nay đã phát triển thành 32 tộc họ và nhà thờ trở thành chốn tâm linh lễ bái chung của cả làng. Các dòng họ đã lập ra Ban quản lý cùng trông coi, duy trì việc cúng tế hàng năm và tổ chức sưu tầm những hiện vật, sắc phong triều đình ban tặng; đồng thời thực hiện quyên góp, huy động kinh phí tu sửa lại nhà thờ, nhất là 3 gian tiền đường đang xuống cấp. Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND xã Bình Giang khẳng định: “Việc công nhận, xếp hạng di tích cho nhà thờ tiền hiền không chỉ giúp tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng, mà còn gắn kết nhân dân 2 thôn Hiền Lương và thôn Bình Hòa (trước đây chung một làng) thêm khắng khít. Đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương huy động các nguồn lực để tu bổ, phục dựng lại kiến trúc nhà thờ cũng như các di tích xung quanh trong quần thể trước đây”.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC