Ngàn năm còn nhớ một vương triều

NAM KHA 24/04/2018 09:06

Một triều đại đã xuất hiện cách đây 1.050 năm, chỉ kéo dài 12 năm, nhưng đủ sức cạnh tranh với chính quyền phong kiến phương Bắc. Đó là vương triều nhà Đinh để lại hậu thế một khát vọng Việt Nam thống nhất và tự trị.

Cố đô Hoa Lư và những di tích còn lại trên nền cung điện cũ. Ảnh: NAM KHA
Cố đô Hoa Lư và những di tích còn lại trên nền cung điện cũ. Ảnh: NAM KHA

Triều đại phong kiến đầu tiên

Lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và lễ hội Hoa Lư năm 2018 diễn ra từ ngày 24 đến 27.4. Trong chuỗi sự kiện của lễ hội, lần đầu tiên UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ tế Thiên vào 20 giờ ngày 25.4 tại đàn Kính Thiên ở chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.

Hình tượng Đinh Bộ Lĩnh đã được nói nhiều trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đan xen giữa huyền thoại và lịch sử. Câu chuyện chú bé mồ côi, chăn trâu không dừng lại ở sách sử, đã được chuyển hóa vào đời sống người Việt hiện đại, tiếp tục xây dựng huyền thoại “cờ lau dựng nước” vẫn đang được các sử gia phân định, luận bàn. Nhưng, hầu như lịch sử đều xác quyết khi Ngô Quyền băng hà, nội bộ triều đình rối loạn, sứ quân tranh hùng, xưng bá thì Đinh Bộ Lĩnh (924) - động chủ Hoa Lư với lực lượng quân sự mạnh nhất chỉ trong một năm đã dẹp yên sứ quân, thu quyền về một mối. Năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đắp thành, đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi trên đất Hoa Lư. Niên hiệu Thái Bình ra đời vào năm 970.

Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt.

Tại sao thời nhà Đinh được “tấn phong” là nhà nước chế độ phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên Việt Nam? Câu hỏi ấy không dễ trả lời khi lịch sử đã từng ghi dấu Lý Bí xưng đế (544), đặt tên nước Vạn Xuân, niên hiệu Thiên Đức, Mai Thúc Loan xưng đế (713), cha con Khúc Thừa Dụ (905), Dương Đình Nghệ (931) và chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trước quân Nam Hán của Ngô Quyền đã chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 1.000 năm phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò - Hội viên Hội Văn nghệ Ninh Bình cho biết, theo các sử gia, cha con họ Khúc, Dương Đình Nghệ chỉ xưng là tiết độ sứ, Ngô Quyền chỉ xưng vương nhưng chính quyền độc lập về quy mô và lực lượng còn nhỏ. Sử gia Phan Huy Chú coi nước Việt từ thời Đinh - Lê mở nước đối chọi với Trung Hoa bởi tính từ thời điểm này vị thế của một đế quốc phong kiến độc lập đã được khẳng định. Tên Đại Cồ Việt xuất hiện, cắm một mốc quan trọng trong quá trình phát triển quốc gia. Đại thắng minh hoàng đế đã xây dựng kinh đô Hoa Lư xứng đáng với tầm vóc của một đất nước thống nhất, độc lập, phát triển tự chủ phát triển bộ máy nhà nước phong kiến tương đối quy củ. Mười hai năm thống nhất, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã ổn định. Đó là cơ sở vững chắc để Lê Hoàn “phá Tống, bình Chiêm” thắng lợi ngay sau đó cũng là cơ sở để Lê Hoàn xây dựng một đất nước vững mạnh. Từ Đinh Bộ Lĩnh về sau, các triều Lê - Lý - Trần... không có trường hợp nào trở lại xưng vương hay tiết độ sứ nữa mà như một dòng chính thống, đều xưng đế, đặt tên nước riêng, niên hiệu riêng mà phương Bắc phải thừa nhận. Và nhà Lý, Trần xây dựng nền văn minh Đại Việt rực rỡ. Chính điều đó nên các sử gia ngày ấy đã cho Đinh Tiên Hoàng xứng đáng là người mở nền chính thống cho nhà nước chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam.

Cố đô ngày cũ còn gì?

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành cố đô.

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Ninh Bình và Việt Nam đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới (Ninh Bình) đã được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc 3 triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cố đô Hoa Lư một thời huy hoàng hầu như đã bị tàn phá, đổ nát theo thời gian. Tuy nhiên, quần thể di tích Hoa Lư hiện vẫn còn gần 30 di tích, trong đó có 2 di tích là đền vua Ðinh và đền vua Lê đang còn lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc độc đáo. Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87km2.

Trên con lộ Trường An nối từ TP.Ninh Bình lên tận miền sơn cước có một nhánh rẽ vào cố đô Hoa Lư qua một con quèn (đèo núi đá vôi) thấp, nhỏ hẹp. Sử xưa ghi lại: Thế kỷ X, Hoa Lư là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên tại Việt Nam. Hoàng cung lấy  tường thành thiên tạo (núi) và tường thành nhân tạo (lũy đất) làm giới hạn của hai khu vực. Quân đội phát triển và kinh tế (từ trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa cổ truyền, nghề thuộc da, làm đồ da) phát triển thông qua hệ thống sông ngòi, liên kết bắc, nam và biển, đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo ra đời chứng tỏ giao thương nội địa hay nước ngoài đã trở lên lớn mạnh. Kinh đô này đã trải qua 2 lần xây dựng. Năm 968 của nhà Đinh và năm 984 lúc Lê Hoàn lên thay trị vì đất nước. Không chỉ bề thế, to lớn mà còn được trang trí lộng lẫy, vàng son rực rỡ… tồn tại 42 năm trong lịch sử Việt Nam (968 - 1010). Kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, Hoa Lư trở thành cố đô, nhưng các triều vua kế tiếp vẫn hướng về Hoa Lư để tu bổ, xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa, lịch sử.

Cố đô Hoa Lư giờ đông người thăm viếng… Hơn 1.000 năm đi qua, nhưng cung điện dát vàng, bạc thời Đinh - Lê không còn nữa, chỉ còn lại di tích của một tòa thành rộng 300ha nằm trọn vẹn trong xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình, dưới chân núi Mã Yên, sông Hoàng Long bao bọc phía bắc, núi Bái Đính trấn ngự phía tây, núi Kình Phong đứng ở phía trong (thuộc Chi Phong, Trường Yên), núi Bái Tướng trụ ở phía ngoài (Sơn Lai, Nho Quan). Dấu vết cố đô còn lại cũng chỉ những bờ thành hoặc những mảnh vụn chìm sâu dưới lòng đất. Trên nền cũ cung điện xưa, dân chúng đã dựng những công trình kiến trúc tâm linh để tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc vang bóng trời Nam thời Đinh và Tiền Lê. Dấu ấn còn lại đẹp, ý nghĩa kiến trúc nhất chỉ là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.

Không thể kể hết những gì còn sót lại. Hầu hết cho thấy bóng dáng của các công trình đồ sộ, những tường đá ngổn ngang, những mảng tường dày được xây bằng thứ gạch mỏng khác thường. Kết quả khai quật khảo cổ năm 1977 - 1978 của Ty Văn hóa thông tin Hà Nam Ninh đã cho phép bước đầu nhận xét đề vua Đinh, Lê nằm trong khu cung điện cũ và tại đây có nền móng của một trong nhiều cung điện đã được sử sách nhắc tới. Năm 1998 tiếp tục khai quật thấy khá nhiều di tích như nền gạch, móng cọc, cấu kiện gỗ, móng đá của những kiến trúc đồ sộ. Gạch lát nền hình vuông có trang trí hình hoa sen nở và hình phượng múa trống mái và một mảng gạch in chữ “Bình” ở mặt sau tiền Thái Bình. Những vết tích kiến trúc đã tìm thấy phù hợp với ghi chép của sử, sách và truyền thuyết khu vực này chính là trung tâm của kinh đô Hoa Lư. Những cuộc khảo cổ khác vẫn đang tiếp tục.

Những hang Luồn, dòng Sào Khê, quèn Ba Cửa, Thụ Mộc… vẫn in hình trên mặt đất. Bến đò Hoàng Long đã thưa người qua lại. Kinh thành của các triều đại phong kiến đã mất. Hưng thịnh, suy vong của một triều đại là lẽ thường. Nhưng có một điều chắc chắn rằng thành công của nhà Đinh ảnh hưởng sâu đậm tới các triều đại sau này đến mức sau nhiều thập kỷ nội chiến, tranh giành quyền lực, người Việt cuối cùng vẫn mơ đến một đất nước thống nhất, thịnh trị như thời nhà Đinh đã từng làm được!

NAM KHA

NAM KHA