Sẵn sàng khai hội Bà Thu Bồn
(QNO) - Trong hai ngày 27 và 28.3 (tức 11 và 12.2 âm lịch), chính quyền và nhân dân xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) sẽ long trọng tổ chức lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn. Hiện nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng chờ giờ khai hội…
Hằng năm, lễ hội Bà Thu Bồn thu hút hàng nghìn người tham dự. Ảnh: HOÀI NHI |
Hoàn tất mọi khâu
Khoảng 10 ngày trở lại đây, con đường từ ngã tư Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, Duy Xuyên) dẫn về lăng Bà Thu Bồn (xã Duy Tân) xuất hiện dày đặc những tấm pa nô tuyên truyền cho lễ hội. Ngoài ra, khu vực xung quanh lăng bà cũng được người dân địa phương quét dọn sạch sẽ, đường làng ngõ xóm thông thoáng hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết, những ngày qua, cùng với việc treo 50 tấm băng rôn, 50 cờ đuôi cá, 100 băng đứng hình lễ hội thì chính quyền địa phương cũng vận động nhân dân toàn xã và các nhà thờ tộc họ treo cờ Tổ quốc vào đúng ngày lễ hội. Bên cạnh đó, Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Duy Xuyên và Trạm Truyền thanh xã liên tục chuyển tải các nội dụng về lễ hội để thông tin đến nhân dân trong vùng. Đồng thời, UBND xã Duy Tân thành lập 13 tiểu ban phục vụ lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của từng tiểu ban theo kế hoạch đã đề ra. Không chỉ vậy, các dụng cụ, trang phục được rà soát kỹ lưỡng và tiến hành đóng mới một số kiệu rước.
Rước nước - một nghi thức rất quan trọng trong lễ hội. Ảnh: HOÀI NHI |
Theo lời ông Trường, năm nay ngoài phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm lễ bài trí, lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ đại tế, lễ hoàn sắc mang lại một không khí rực rỡ, cổ xưa với những đoàn rước cùng tán lọng, cờ xí, kiệu vai đủ màu sắc và trang phục các dân tộc được diễu hành qua những khung cảnh làng quê thơ mộng thì phần hội cũng có sức hút riêng với các hoạt động như hô hát bài chòi, hát tuồng, đua thuyền nam - nữ, bóng chuyền nam - nữ, cùng các trò chơi dân gian khác như đi xe đạp chậm, nhảy bao bố, đi cà kheo, kéo co…
Ông Trường nói thêm: “Đặc biệt, năm 2018, lễ hội có thêm chương trình dòng sông di sản giới thiệu bài hát, vầng thơ về dòng sông Thu Bồn thơ mộng do các nghệ sĩ ở TP.Đà Nẵng biểu diễn và lồng ghép giới thiệu tập thơ “Một tấc lòng” của ông Lê Văn Tri. Cũng trong lễ hội này, lần thứ hai chúng tôi tổ chức hội thi nữ công gia chánh gồm có 4 chi hội phụ nữ thôn và 3 tổ nữ công trường học với nội dung trình diễn cách gói, nấu một số loại bánh. Trong đó, điểm nhấn là làm bánh gừng ngay tại khu vực lăng bà để quảng bá, giới thiệu cho du khách trong và ngoài địa phương. Ban giám khảo sẽ theo dõi quá trình thực hiện của các đơn vị và đánh giá, nhận xét”.
Gắn kết cộng đồng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, truyền thuyết về Bà Thu Bồn có khá nhiều dị bản. Nào bà là công chúa vua Mây, khi bị giặc ngoại xâm bao vây kinh thành, nhà vua và công chúa chạy lánh nạn, bà bị ngã ngựa chết, xác trôi lập lờ trên dòng sông, dân trong làng thương xót mang bà lên bờ chôn cất. Cũng có truyền thuyết cho rằng, Bà Thu Bồn là nữ tướng vua Chăm rất xinh đẹp, có mái tóc đen, dài óng mượt. Khi bị quân vua Lê đánh bại, bà phi ngựa chạy về hướng làng Thu Bồn thì mái tóc dài vướng vào chân bạch mã, bà tử nạn, xác trôi lập lờ trên dòng sông. Lại có chuyện kể, Bà Thu Bồn là nữ tướng nhà Lê, bị giặc đuổi đánh. Khi chạy đến Phường Rạnh (nay thuộc huyện Nông Sơn) thì bà ngã ngựa, bị quân thù đuổi kịp, giết chết, đẩy xác xuống dòng sông. Bấy giờ, cư dân của làng xúm nhau đưa bà lên bờ tổ chức chôn cất. Từ đó, vong linh người nữ tướng luôn hiện hữu trong đời sống của bà con nơi đây để độ trì cho dân làng luôn được tai qua nạn khỏi, cuộc sống no ấm…
Lễ rước sắc phong Bà Thu Bồn. Ảnh: HOÀI NHI |
Dù có khá nhiều câu chuyện về Bà mẹ xứ sở này song tất cả đều hội tụ và toát lên chân dung vẻ đẹp của người phụ nữ đa tài, đức độ, là người mẹ của quê hương, biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình. Để ghi nhớ công ơn của bà, hàng năm người dân trong làng và chính quyền địa phương cùng nhau tổ chức lễ hội theo hình thức xã hội hóa.
Ông Nguyễn Công Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân chia sẻ thêm: “Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử song lễ hội Bà Thu Bồn vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, biểu trưng cho cái đẹp, đạo đức, ý chí chiến thắng thiên nhiên, địch họa. Và, đây cũng là lễ hội truyền thống dân gian mang đậm dấu ấn tiếp biến giữa văn hóa tâm linh truyền thống với văn hóa hiện đại giữa các dân tộc Kinh, Chăm và dân tộc thiểu số vùng thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, hỗn dung của tục thờ Mẫu và tục thờ Bà mẹ xứ sở. Đặc biệt, thông qua lễ hội này, chính quyền địa phương mong muốn người dân tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, trước mắt là hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình nông thôn mới, tạo nên diện mạo làng quê khang trang, hiện đại”.
HOÀI NHI