Phố nhớ

HỨA XUYÊN HUỲNH 25/03/2018 12:37

Là Hội An, nhưng không phải “dịch” ra bởi tên gọi quen thuộc Hoài phố. Mà đấy là nỗi nhớ có thật, nhớ từ mấy trăm năm qua nhớ lại, và ngưng đọng thành ký ức…

Tái hiện khung cảnh Hội An đầu thế kỷ 20. Ảnh: H.X.H
Tái hiện khung cảnh Hội An đầu thế kỷ 20. Ảnh: H.X.H

Hồi giữa cuối tháng 3, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” chỉ sau một ngày khai diễn tại Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An đã xác lập 2 kỷ lục Việt Nam (biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất và sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam). Có lẽ nội hàm chương trình nghệ thuật thực cảnh đã chạm đến yếu tố quan trọng nhất mỗi khi nhắc tên Hội An: ký ức. Đó là những gợi nhớ về phong tục, văn hóa, điển tích… và bóng dáng thương cảng xưa.

Nhiều người có lý khi bảo phố Hội có quá nhiều cái để nhớ về. “Dáng vóc” của phố, trong hình dung của cư dân phố cổ, thường chỉ gói ghém trong mấy chữ “thượng chùa Cầu – hạ Âm bổn”. Linh hồn của phố, đôi khi chỉ là một mùi hương trầm thoảng trong gió những tối mùng một hay rằm, khi cả dãy phố đều bày biện hương đèn để cúng. Phố nghiêm cẩn, gửi hết vào mắt cửa và thanh chắn nơi thềm nhà, như thể khách lạ lúc nào cũng có ai đó dõi theo, vào nhà phải biết rón rén hay cúi đầu. Phố phóng khoáng, đến từ những dãy nhà có 2 mặt tiền, cứ 10 nhà đã hết 7 - 8 nhà được bài trí như thế, chỗ nào cũng có thể mở cửa đón người. Đi dọc các tuyến phố, mới hay mặt hậu đường Trần Phú là mặt tiền đường Nguyễn Thái Học, đến lượt mặt hậu Nguyễn Thái Học lại là mặt tiền Bạch Đằng… Còn phố tình nghĩa, phải chăng nằm ở lối cư xử này: Chủ nhà hai bên con đường hẹp hễ mở cửa ra là nhìn nhau cười, nhà ở đô thị nhưng không hề “cửa đóng then cài”…

Phố xa xưa không hẳn như thế. Sự hòa quyện của ngày hôm nay có được phải qua thời gian rất dài, để mảnh đất hội nhân, hội thủy, hội văn này “dung nạp” tất thảy. Là bởi trong ký ức, thời sầm uất phố gần như chia đôi. Cristophoro Borri từng viết rằng, Faifo khi ấy được chúa Đàng Trong cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố để tiện buôn bán. Nhưng Faifo khi ấy lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. “Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy”, giáo sĩ C.Borri viết như thế trong “Xứ Đàng Trong năm 1621”.

Những khu phố xa lạ và cách biệt trong cùng một phố.

Với phố người Tàu, thêm một lần được nhắc đến trong ký sự của thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán. Năm 1695, tức hơn 70 năm sau ngày C.Borri đến Đàng Trong, thiền sư Thích Đại Sán ghé Hội An và dành một đoạn ghi chép về khu phố Tàu. “Thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). (…) Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố; cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc” - thiền sư Thích Đại Sán chép trong quyển 4 của cuốn Hải ngoại kỷ sự.

Hội An đã thoát khỏi nhịp điệu buồn tẻ của một “thị xã dưỡng già”, để rồi trong một cơ may kỳ lạ của lịch sử, phố cũ ấy vụt trở thành di sản của nhân loại. Nhưng trong trí nhớ của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, từ tiềm thức, cư dân địa phương đã dành cho phố một tình yêu trầm lặng. Nhưng Hội An, trong hình dung của người có 21 năm làm lãnh đạo địa phương như ông Nguyễn Sự, thấy có chút mong manh. Ông từng tâm sự, áp lực luôn đặt ra cho giới lãnh đạo Hội An phải giữ được những giá trị mà thiên nhiên, tự nhiên ban tặng và không làm cạn kiệt nó. “Nhưng nếp sống thuần hậu, chiều sâu văn hóa của Hội An cũng dễ vỡ lắm. Đó là thứ được người ta quý, người ta yêu mến, là thứ rủ rê khách đến với không gian yên tĩnh của phố cổ. Không khéo, không tỉnh táo thì dễ hỏng” - ông nhìn nhận.

Hoài phố mà cứ “trơn tuột” không níu giữ được chút gì để làm nên ký ức, và phố không gây nhớ ngay cả khi phố đang hiện hữu…, thì đâu còn nữa Hội An?

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH