Giữ nếp xưa thuần hậu

KHÁNH LINH 24/03/2018 14:31

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lối sống nhân tình thuần hậu đã trở thành mục tiêu xuyên suốt của Hội An nhiều năm qua nhằm gìn giữ bản sắc phố Hội trước sự du nhập ngày càng tăng của các luồng văn hóa bên ngoài.

Du lịch phát triển đã tạo ra những thách thức trong bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Hội An.Ảnh: KHÁNH LINH
Du lịch phát triển đã tạo ra những thách thức trong bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Hội An.Ảnh: KHÁNH LINH

Nếp xưa thuần hậu

Đã bước sang tuổi 85, thầy giáo Phan Quốc Hoành (tổ 12, phường Minh An) vẫn đau đáu với câu chuyện nếp xưa phố cổ. Những nét đẹp mà người Hội An thể hiện qua lối sống, ứng xử hàng ngày, đó là sự nhường nhịn, sẻ chia, truyền thống đoàn kết, keo sơn gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau… Ông Hoành chia sẻ rằng, nếp sống bây giờ chưa hẳn không tốt, nhưng nếu so với ngày xưa đã có nhiều điểm khác, do không gian, đời sống, dân cư Hội An đã thay đổi. “Hồi đó phố nhỏ, con người ở với nhau phải gắn bó, giữ gìn ý tứ nếu mình có sơ suất gì là mọi người biết ngay. Do đó, sống với nhau phải đùm bọc thương yêu, dựa vào nhau mà sống, vì tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, nên cộng đồng phải có một khuôn khổ, phải biết tự mình trau dồi đạo đức bản thân. Bây giờ, Hội An đã rộng, người cũng đông hơn nhưng tôi tin Hội An vẫn còn những lớp người xưa đang giữ gìn được những đức tính, phong tục đẹp” - thầy Hoành tâm sự.

Trong suy nghĩ của thầy giáo Hoành và lớp người đi trước, Hội An là nơi hội tụ của những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất, đó là khung cảnh bình yên của một mảnh đất với những con người bình dị, gần gũi “ra đường thấy nhau từ xa đã giơ tay chào” hoặc “gặp nhau dừng lại thăm hỏi dăm ba câu”. Bước vào thời kỳ mới, nhất là khi du lịch phát triển, áp lực cũng đè nặng lên phố, lên những giá trị văn hóa tưởng chừng như đã ăn sâu vào máu thịt của người phố Hội. Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An cho rằng, quá trình phát triển văn hóa Hội An là một nhu cầu tự thân, tất yếu, và Hội An phát triển vừa dựa trên nền tảng của các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của mình, vừa thích ứng nhanh với sự vận động không ngừng của cuộc sống. “Có ý kiến lo ngại rằng Hội An đang dần dần bị “Tây hóa”; cũng có ý kiến băn khoăn trước hiện thực ngày càng có nhiều người ở các địa phương khác đến cư trú, buôn bán, làm ăn sinh sống ở Hội An sẽ làm mất đi nét riêng của văn hóa Hội An. Nhưng lịch sử đã cho thấy Hội An là nơi hợp cư, thậm chí trong buổi đầu đã có sự hiện diện của nhiều thương nhân ngoại quốc. Rồi các thời kỳ sau này nhiều người cũng đã đến định cư, sống lâu giờ trở thành máu thịt của Hội An. Có yêu Hội An lắm họ mới tìm về đây sinh sống, làm ăn. Văn hóa Hội An luôn cởi mở, tiếp biến và có sự “đồng hóa”, thẩm thấu mạnh mẽ” - ông Lanh phân tích.

Bảo tồn trong phát triển

Không phải ngẫu nhiên mà những lo ngại về sự biến dạng văn hóa Hội An được nhiều người nhắc đến, nhất là trong hoạt động thương mại, giao tiếp, ứng xử… Tình trạng buôn bán chụp giật, chặt chém; sự biến dạng không gian sống trong những ngôi nhà phố cổ; tình làng nghĩa xóm phai nhạt; sự “cô đơn” của những cư dân cũ trước những người hàng xóm mới… dù là thiểu số nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, các giá trị văn hóa phi vật thể Hội An đang đối diện với những thách thức của sự phát triển, dù điều này đã được nói rất nhiều. Trong đó, sự thay đổi nếp sống truyền thống của người dân theo hướng tiêu cực là đáng lo ngại nhất. Không ít ngôi nhà cổ đã trở nên “rỗng ruột” chỉ còn cái vỏ vật chất, mất cái hồn bên trong; nguy cơ nếp sống nếp nhà của từng người dân trong những ngôi nhà đó không còn nữa. “Ngôi nhà ngày xưa có nhiều chức năng như thờ cúng, sinh hoạt gia đình, mái ấm vui chơi thư giãn, trú thân… nhưng bây giờ chỉ còn một chức năng là bán hàng. Theo tôi, cái lớn nhất bây giờ là làm thế nào để người dân địa phương nhận thức rõ những giá trị về văn hóa truyền thống để họ cùng chung tay bảo vệ với mình. Đồng thời những người nơi khác đến sinh sống kinh doanh tại Hội An cũng phải có ý thức bảo tồn, gìn giữ những giá trị này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ cụ thể để nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan” - ông An nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, văn hóa Hội An là dòng tiếp biến, giao lưu tiếp nhận những giá trị văn hóa, con người từ nơi khác đến trên tinh thần hòa nhập nhưng không hòa tan. Những biểu hiện tiêu cực trên một số lĩnh vực hoặc ở một số trường hợp thời gian qua chỉ là thiểu số, vì những người tập trung về Hội An là người thật sự yêu Hội An, có tri thức, có văn hóa. “Hiện nay số lượng nhà cổ được bán hoặc cho thuê chiếm số lượng không đáng kể (khoảng 200 trong số hơn 1.000 di tích ở Hội An), tuy nhiên điều đó cũng báo động cho chúng tôi biết là có những vấn đề như vậy. Nên bằng tất cả biện pháp tổng hợp về hành chính, kinh tế, văn hóa, chúng ta phải làm sao cho những người đến thuê hoặc mua nhà nơi đây hiểu phải giữ nếp sống cho con người Hội An, giữ hồn phố cho Hội An nếu không sẽ không phát triển, không tồn tại được. Tôi tin văn hóa Hội An vẫn nổi trội, cảm hóa, lan truyền được để những người về đây sinh sống dần dần cũng phát triển theo chiều hướng của văn hóa Hội An. Nếu chúng ta biết nâng niu, gìn giữ và có những giải pháp đủ mạnh, tôi tin là sẽ làm được” - ông Sơn nói.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH