Tư liệu quý về thương mại ở xứ Quảng
Mặc dù hầu hết tư liệu thời Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn thiêu hủy, nhưng ở Quảng Nam, nhiều văn bản còn được lưu giữ, nay dần được phát hiện.
Tư liệu quý từ thời Tây Sơn. |
Những tư liệu lịch sử
Cách đây tròn 240 năm, vào năm Mậu Tuất 1778, dân chúng xứ Đàng Trong, Đại Việt chứng kiến một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng: Nguyễn Nhạc, anh đầu trong 3 anh em nhà Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức, đánh dấu sự lớn mạnh và chỗ đứng chính thức của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn trong lịch trình phát triển của dân tộc vào nửa cuối thế kỷ 18.
Vào thập niên 80 của thế kỷ 18, Quảng Nam là vùng đất tranh chấp giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn. Các tư liệu lịch sử cho biết từ cuối năm 1773 vùng đất Quảng Nam đã thuộc về Tây Sơn. Đại Việt sử ký tục biên, Đại Nam thực lục tiền biên đều ghi: “Tháng 6 năm Cảnh Hưng 34 (1773), Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn giữ thành Quy Nhơn “làm loạn” tự xưng Tây Sơn vương. Quân Thuận Hóa nghe tiếng đã chạy tan. Từ đèo Hải Vân trở về nam đều bị Nguyễn Nhạc chiếm cứ”. Từ năm 1775 nơi đây là địa bàn tranh chấp của 3 lực lượng: chúa Nguyễn, chúa Trịnh và Tây Sơn. Từ tháng 9 năm 1775 khi Hoàng Ngũ Phúc, tổng chỉ huy của đoàn quân chúa Trịnh rút quân từ Châu Ổ (Quảng Ngãi) về Phú Xuân (Huế) thì Quảng Nam lại thuộc về Tây Sơn quản lý.
Như vậy có thể nói phong trào Tây Sơn có mặt tại Quảng Nam khá sớm. Nhiều trận chiến lớn giữa Tây Sơn và các thế lực đối địch đã diễn ra tại các địa điểm phố Hội An, Câu Đê, Cẩm Sa, Tiên Đỏa… Nhiều chủ trương, chính sách của chính quyền Tây Sơn cũng đã được thực thi ở Quảng Nam. Tuy nhiên, do ý đồ “nhổ cỏ tận gốc” của triều Nguyễn sau này nên các tư liệu giấy tờ thời Tây Sơn nói chung, thời Tây Sơn ở Quảng Nam nói riêng đã bị cấm sử dụng, lưu hành dẫn đến sự mất mát, tiêu hủy gần hết. Các bộ chính sử thì được chỉ đạo biên soạn theo nhãn quan của thế lực cầm quyền, vì vậy rất ít ghi chép khách quan, chính xác về thời Tây Sơn.
May mắn là trong dân gian nhiều địa phương vẫn còn lưu giữ một số tư liệu văn tự về thời Tây Sơn, trong đó có Quảng Nam với nhiều văn bản thời Tây Sơn dần được phát hiện. Một điều lạ là cho dù triều Nguyễn quy định nghiêm ngặt không được lưu giữ các văn bản, giấy tờ liên quan đến Tây Sơn, ngay cả văn bia cũng phải đục bỏ nhưng nhiều làng xã ở Quảng Nam hiện vẫn còn những giấy tờ có niên hiệu Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, là các triều của vua Tây Sơn. Các tư liệu này cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tổ chức bộ máy, tình hình quản lý đất đai, dân số, các chính sách về kinh tế, văn hóa – xã hội thời Tây Sơn ở Quảng Nam. Trong số tư liệu này, chúng tôi tìm thấy một số văn bản thời Tây Sơn về các hoạt động mậu dịch, giao thương buôn bán ở phố Hội An và các bến cảng ở Đàng Trong. Các tư liệu này cho thấy những người cầm đầu phong trào Tây Sơn ngay từ khi mới tiếp quản Quảng Nam đã rất chú ý và có nhiều chính sách để ổn định và phát triển hoạt động kinh tế thương nghiệp ngoại thương ở Hội An và ở các thị tứ hải cảng ở Đàng Trong, khác hẳn với các ghi chép của một số giáo sĩ phương Tây về việc Tây Sơn đã phá phố Hội An thành “bình địa”.
Chấn chỉnh thương mại
Một trong những văn bản đó là chỉ cấm thời Thái Đức cấm các quan lại mua bán ép giá và hạn chế việc nhận quà biếu của các tàu buôn nước ngoài. Đây là bản sao từ bản gốc, toàn văn bằng chữ Hán xen chữ Nôm, được tạm dịch như sau:
Chỉ cấm các nhà quyền quý ở nội phủ, quan quân thủy bộ các nha cùng quan lại các phủ, hãy biết rằng, từ nay về sau hễ các tàu buôn đến nước ta buôn bán phải theo đúng giá thị trường mà thuận tình mua bán không được ỷ thế mua ép giá, nếu bất tuân cố tình chèn ép có người tố cáo tra đúng sự thật thì tội đó không tha.
Lại các tàu buôn vào cảng tặng lễ vật cho quý ông, quý bà ở nội phủ, quý nha phủ thì cũng phải chiếu lệ nạp thuế cảng nhằm giữ an ninh trong buôn bán. Do vậy nay cấm.
Cảnh Hưng năm 40 (1779) tháng 2 ngày 20.
Chỉ cấm này giao cho quan Đốc Chiến Mỹ Thiện hầu để chuyển truyền từ quý phủ cho đến các cửa biển ở Quảng Nghĩa, Thăng Điện (Thăng Hoa, Điện Bàn) để biết mà tuân theo.
Dựa vào thể thức văn bản và nội dung thì đây là bản chỉ cấm của nhà vua, người đứng đầu triều Tây Sơn bây giờ là Thái Đức. Văn bản cho thấy dù mới cầm quyền nhưng người đứng đầu triều Tây Sơn đã có biện pháp cấp thời để giải quyết vấn nạn nhũng nhiễu, mua hàng ép giá, yêu sách quà cáp của giới quan lại trong hoạt động thương mại – ngoại thương. Vấn nạn này từng bị một số đại diện thương mại nước ngoài phản đối, chê trách và là một rào cản lớn trong việc kết nối quan hệ thương mại giữa chính quyền sở tại với các đối tác nước ngoài thời bấy giờ.
Qua văn bản trên và một số văn bản khác thu thập được chúng ta có thể thấy rằng chính quyền Tây Sơn đã có nhiều chính sách kịp thời, tích cực nhằm ổn định tình hình xã hội ở Quảng Nam vốn rất rối ren, bất ổn sau các cuộc chiến tranh nội bộ, đã thực thi nhiều biện pháp để khôi phục sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động thương mại – ngoại thương ở các địa phương. Đây là nguồn tư liệu thực địa quan trọng, cần thiết, góp phần cùng chính sử làm sáng rõ hơn, đầy đủ và chính xác hơn những đóng góp của nhà Tây Sơn trong thời gian ngắn ngủi 23 năm cầm quyền.
TRẦN VĂN AN