Đi vào tiểu thuyết võ hiệp

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 14/02/2018 21:15

Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung xây dựng một thế giới phi thực tế trên nền thực tế là xã hội Trung Quốc ngày xưa hiếu võ; nhiều môn phái, bang hội, đạo giáo hoạt động tranh giành ảnh hưởng với các triều đại phong kiến. Một số chuyện kể về loài chó trong  một số tiểu thuyết của Kim Dung khá thú vị khiến cho ta có cảm giác nếu thiếu chó thì cái không khí võ hiệp giảm đi lắm lắm.

“Tiểu cẩu” Vi Tiểu Bảo cưỡi ngựa ngược trên đường lên Bắc Kinh. (Ảnh minh họa từ nguyên tác).
“Tiểu cẩu” Vi Tiểu Bảo cưỡi ngựa ngược trên đường lên Bắc Kinh. (Ảnh minh họa từ nguyên tác).

Cái bang là bang hội của người ăn xin; mỗi bang chúng đều tự sắm cho mình một cây gậy đánh chó. Cây gậy ấy được gọi là đả cẩu bổng, nhiều khi được dùng để đánh trộm chó làm thịt ăn. Trong các bộ tiểu thuyết Thiên Long bát bộ, Ỷ thiên Đồ long ký, Xạ điêu anh hùng truyện, cây gậy ấy được “nâng cấp”, trở thành tín vật thiêng liêng tượng trưng cho quyền uy của các bang chủ Kiều Phong, Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Lỗ Hữu Cước. Đó là cây gậy trúc xanh biếc, được chân truyền một bài đánh gậy thanh thoát, nhẹ nhàng gồm ba mươi sáu thế gọi là Đả cẩu bổng pháp.

Thiên Long bát bộ kể câu chuyện khá vui. Phong Ba Ác, một tay hiếu chiến nhất của phái Cô Tô, đánh nhau với Nguyễn trưởng lão của Cái bang. Trưởng lão này có môn Thông tí quyền, một loại quyền pháp khiến cánh tay người dài ra thêm, đánh vào miệng Phong Ba Ác. Hắn né người ra sau tránh thế đánh nhưng cánh tay của Nguyễn trưởng lão đột ngột dài thêm vài tấc. Biết mình sẽ bị thương, hắn há miệng cắn ngay làm tay của trưởng lão bị thương. Đồng bọn hắn đứng bên ngoài thấy “võ công” hạ lưu của Phong Ba Ác nhưng vẫn tán dương đó là chiêu Lã Động Tân giảo cẩu (Lã Động Tân cắn chó). Đúng ra, chiêu đó phải gọi là Cẩu giảo Lã Động Tân (Chó cắn Lã Động Tân) nhưng phe Phong Ba Ác không thể tự gọi mình là chó. Đồng bọn Bao Bất Đồng còn khoe: Lã Động Tân giảo cẩu đại cửu thức gồm chín thế, biến hóa cao thâm khó lường. Tiếc thay, môn võ công cao siêu ấy chỉ được dùng một lần duy nhất.

Trong Lộc Đỉnh ký, nhà văn Tra Kế Tá ngồi trong nhà uống rượu một ngày tuyết rơi, nhìn ra ngoài ngõ thấy một gã ăn mày đang đứng co ro trong tuyết. Nổi lòng lân mẫn, Tra Kế Tá bèn hâm rượu, mời gã ăn mày uống, tặng cho mười lạng bạc và một chiếc áo da dê chống lạnh. Năm sau, Tra Kế Tá tình cờ gặp lại người ăn mày trong một ngôi miếu nhỏ. Gã ăn mày nhìn ra, bèn mời ông ăn thịt chó nguội ngắt không hâm và uống mấy tợp rượu. Sau đó, Tra Kế Tá tham gia hiệu đính bộ sách Minh thư tập lược, bị nhà Thanh bắt, tưởng đã bị chết chém. Thế nhưng, họ Tra lại được thả ra với lời phê hành vi phạm tội không rõ ràng. Người cứu Tra Kế Tá là Ngô Lục Kỳ, hương chủ Hồng Thuận đường của Thiên Địa hội “nằm vùng” trong nội bộ Thanh triều, làm đề đốc tỉnh Quảng Đông. Ngô Lục Kỳ chính là gã ăn mày đã uống rượu với Tra Kế Tá và sau đó mời ăn... thịt chó không hâm!

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung bày một cách mà các chàng trai có người yêu là thiếu nữ cùng làng nên học tập và làm theo. Đó là ban đêm khi muốn đi thăm người yêu mà không bị chó nhà người yêu sủa nhặng xị lên thì nên bọc theo...  một miếng thịt nướng. Đến hiện trường, con chó mới hực lên một tiếng thì chàng trai “hối lộ” ngay miếng thịt nướng cho nó. Kim Dung kể với đòn phép giản dị ấy mà một anh trai làng đã làm cho cô gái có bầu ngay trong nhà của cô, đến nỗi ông bà già phải kính mời anh ta tới cho cưới gấp!

Khiến người ta cảm động nhất là đứa bé tên Cẩu Tạp Chủng trong Hiệp khách hành. Thạch Phá Thiên - con trai thứ nhì của Thạch Thanh và Mẫn Nhu bị bắt cóc từ lúc ba tháng tuổi. Kẻ bắt cóc là Đinh Phương Cô, vì ghen với Mẫn Nhu mà bắt đứa bé về nuôi. Phương Cô đặt tên cho đứa bé là Cẩu Tạp Chủng - Chó lộn giống; ý nói nửa của Thạch Thanh là người, nửa của Mẫn Nhu là chó! Cẩu Tạp Chủng lớn lên, trở thành một đại hào kiệt. Chàng cứ yên chí tên mình là Cẩu Tạp Chủng cho đến một ngày trở lại ngôi nhà trên núi, thấy mẹ mình đã chết với cánh tay còn dấu Thủ cung sa đỏ tươi. Thủ cung sa là dấu hiệu của người con gái trinh bạch. Chàng chính là con của Thạch Thanh và Mẫn Nhu.

Chữ Khuyển - chó, trong lối nói của văn chương kiếm hiệp là cách hạ mình. Người nào muốn nói về con trai mình cũng dùng từ “Khuyển tử” (thằng chó con). Trong Lộc Đỉnh ký, Vi Xuân Phương làm gái ở Lệ Xuân viện, không xác định được Vi Tiểu Bảo do mình đẻ ra là con ai, cứ gọi con là “Tiểu cẩu” - Chó nhỏ. Về sau, Vi Tiểu Bảo làm quan đến bá tước, được bọn quan lại đồng triều nịnh nọt làm tặng cho một tòa dinh phủ hoành tráng trong thành Bắc Kinh. Hắn chơi trò gián điệp “hai mang”, còn làm hương chủ Thanh mộc đường của Thiên Địa hội. Vua Khang Hy quyết đặt trọng pháo bắn giết đám Thiên Địa hội đang ở trong bá tước phủ của hắn. Nhà vua giở bản đồ tác xạ ra, chỉ ngay phủ bá tước của hắn, hỏi hắn đó là cái gì. Hắn nhìn ra nhà mình, khiêm tốn trình với Khang Hy “Hình như đây là ổ chó của vi thần”. Khang Hy cho lính bắn tan nát “ổ chó” ấy nhưng bọn Thiên Địa hội không chết mống nào. Họ đã được tin mật báo phải rút đi trước đó khi Vi Tiểu Bảo bị nhà vua giam lỏng lại trong hoàng cung.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

VŨ ĐỨC SAO BIỂN