Nghệ nhân của làng

THƯ QUÂN 13/02/2018 14:38

Các loại hình nghệ thuật dân gian cũng chính là tấm “căn cước” của vùng đất, là thứ được định danh “bản sắc”. Và hẳn, xúc cảm tự hào, xin được dành cho những nghệ nhân chân đất, trước tiên!

Hô hát bài chòi tại lễ hội Bà Thu Bồn.  Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hô hát bài chòi tại lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Người sắm vai

Ông Nguyễn Xuân Phú - vai “ông cái” trong đội sắc bùa Lệ Bắc (Duy Châu) cất điệu sắc bùa chào xuân: “Xuân mới muôn ngàn hoa nở. Rộ lòng dân, xuân mới lại về. Gọi lòng người đang giấc say mê. Mau thức dậy đón chào ngày xuân mới”. Khi “ông cái” vừa dứt lời, thì “các con” - đoàn người phía sau phụ họa theo: “Mở ngõ, mở ngõ. Đèn tỏ trong nhà. Sum họp vui vầy. Khai môn mở cửa”. Và cứ nhiều năm như vậy, đội sắc bùa Duy Châu vào giờ giao thừa, lại khiến không gian nơi này rộn lên âm sắc ngày đầu xuân. Ông Phú nói, mỗi điệu hát sắc bùa đều là những lời ca chúc tết đằm thắm, những bài ca về đạo lý làm người, về gia phong của gia đình, nền nếp xóm thôn. Vì cái suy tư đó, nên dầu tuổi cao, những người già nơi này vẫn cố để bền bỉ duy trì nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Và họ, được người dân địa phương trân trọng xem như một “báu vật” nhân văn sống. “Gầy dựng được sắc bùa trở lại vào mỗi dịp tết là sự cố gắng lớn của những người già như chúng tôi, của chính quyền, người dân địa phương…” - ông Nguyễn Xuân Phú nói.

Thẻ bài trong trò chơi bài chòi.
Thẻ bài trong trò chơi bài chòi.

Cái tâm ý này, hệt như ông nghệ nhân Nguyễn Đáng - anh hiệu của bài chòi Hội An. Rằng những năm đầu mới phục dựng nghệ thuật hô hát bài chòi, nếu không nhẫn nại, không si mê, không một hai vượt lên những khốn khó để theo đến hôm nay, thì chưa chắc gì nghệ thuật bài chòi đã có một “đời sống” sôi động như hiện tại ở Hội An…  Và thật khó mà diễn tả hết không khí phần “hội” khi được tạo nên từ chính chủ thể của vùng đất ấy. Tự thân sự đam mê lúc cất lên giai điệu đã tạo sức hút khó cưỡng của văn nghệ dân gian. Không phải là hào quang của ánh đèn sân khấu hay sự xưng tụng, tôn vinh, lực hút gắn bó họ với loại hình nghệ thuật này chính là đời sống văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Để rồi lớp người kế tục lại nhận lãnh phần trách nhiệm về mình mà đắm say với từng âm điệu.

Trên khắp cả nước, trong từng con xóm ngôi làng cổ, lớp người được gọi là “thế hệ vàng” như vậy còn nhiều. Ngay ở xứ Quảng, họ gần như “đóng đinh” trong tâm trí người địa phương là những người uyên thâm, uy tín và tài năng. Là nghệ nhân bài chòi Nguyễn Đáng, Phạm Đúng, hay những người cuối cùng ở làng có thể hát sắc bùa như cụ Nguyễn Xuân Phú hay Trương Văn Tám của làng Lệ Bắc, Duy Châu (Duy Xuyên)… Những hội hè mùa xuân, nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dẫu những trò chơi dân gian có lặp đi lặp lại mỗi mùa, nó vẫn là một sức hút riêng, là “tấm vải của tâm hồn làng”.

Đưa bài chòi xuất ngoại

Sở VH-TT&DL vẫn đang hoàn tất bộ hồ sơ dày dặn với danh sách 50 người, ở khắp mọi thôn xóm, phường xã, để công nhận họ là những nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của Quảng Nam. Âu là sự ghi nhận xứng đáng cho những dày công miệt mài của họ với vốn liếng tinh hoa của một vùng văn hóa.

Những ngày cuối năm, một tin vui đến với những nghệ nhân dân gian, khi một trò chơi - bộ môn nghệ thuật truyền thống được vinh danh trên toàn thế giới. Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại - nghệ thuật Bài chòi miền Trung, vốn đã được định danh hàng nhiều thập kỷ qua. Không kể ở 5 tỉnh thành khác, trò chơi dân gian bài chòi - đã là đặc sản của phố Hội từ nhiều năm nay, với du khách gần xa. Chưa kể, những lần “xuất ngoại”, cùng với một đội ngũ những người làm văn hóa dân gian chuyên nghiệp của đô thị di sản, trò chơi dân gian bài chòi vang lên trên các vùng văn hóa khác nhau, nơi cách nước Việt hàng vạn dặm.

Nghệ nhân Nguyễn Đáng, vẫn nhớ lần đầu tiên mình làm anh hiệu ở nước ngoài, những bước chân líu quíu bỡ ngỡ đã tan đi, bởi nhịp trống, câu hô, tiếng gõ quân bài mà người chơi vỗ theo… “Hồi ấy, tôi chỉ đi theo bà, nhưng nghe mãi rồi cũng quen dần cái âm điệu, chỉ cần hát lên, tôi đã biết đó là bài nào, trong thẻ bài nào được xóc lên” - nghệ nhân Nguyễn Đáng nói. Rồi sức sống bài chòi cổ chưa bao giờ tắt trong lòng người đàn ông này, để những ngày sau đó, ông đến miền biển, vô tận cái nôi của chòi là Bình Định tìm thầy học đạo. Nghệ nhân Nguyễn Đáng lý giải rằng, bài chòi lạ lùng lắm: “Nếu như trong vè, người ta sử dụng điệu lía nhiều, trong dân ca thì yêu cầu người hát phải có chất giọng mềm mượt, sâu lắng. Nhưng đối với chòi cổ lại ưa cái chất mộc mạc, chân chất như người lao động có sao nói vậy, lời lẽ rõ ràng”.

Và chắc rằng, điệu mộc mạc chân thành ấy đã dựng lại gốc gác thuần khiết bị chìm lấp lâu nay của văn nghệ dân gian. Những nghệ nhân chân đất vừa kịp nhóm lên một ngọn lửa hồng, để truyền đến những thế hệ sau về cái điều căn cốt của vùng đất. Rằng hãy dừng lại một nhịp, nghe một khúc dân ca bài chòi, lắng lòng với một điệu sắc bùa, rầm rập khí thế người làng biển trong một hơi bả trạo, rồi đi lên non, nghe đồng bào mình vỗ vai bằng điệu nói lý, hay xoay vòng tròn của trời đất trong điệu “tâng tung da dá”, điệu đấu chiêng của người Co…

THƯ QUÂN

THƯ QUÂN