Cây tr'đin trên núi

TẤN VỊNH 03/02/2018 10:00

Đồ ăn thức uống của người Cơ Tu thường ngày là những thứ được chế biến từ sản phẩm của núi rừng và do đồng bào tự làm ra. Bên cạnh rượu cần (buah), đồng bào còn có các loại rượu được thiên nhiên ban tặng như rượu tà vạt, rượu tr’đin. Đây là thức uống thơm ngon, bổ dưỡng, hấp dẫn của người dân trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong dịp lễ hội.

Người dân tộc Tà Ôi bên cây đùng đình trổ buồng. ảnh: Khánh Phong
Người dân tộc Tà Ôi bên cây đùng đình trổ buồng. ảnh: Khánh Phong

Người Cơ Tu gọi loại cây cho hương vị nồng nàn này là tr’đin, còn người Kinh gọi nó với nhiều tên khác nhau như cây móc, cây đủng đỉnh, cây đồng đình, cây đùng đình. Đây là cây hoang dại, thuộc họ cau, có tên khoa học là Caryota urens. Cây thường mọc ở rừng già, bên bờ suối, thích hợp nơi ẩm ướt, râm mát. Trên địa bàn miền núi Quảng Nam, cây đùng đình tìm thấy nhiều ở Nam Trà My, Tây Giang... Đây là loại cây thân cột to lớn, có thể cao đến 10 - 15m, đường kính thân 40 - 50cm. Bẹ lá xòe ra xung quanh, lá kép lông chim, xẻ hình tam giác, hình răng cưa không đều. Buồng quả thõng, dài tới 2 - 3m, trông từ xa như mái tóc xõa của các cô gái miền sơn cước. Khi đùng đình ra buồng trổ hoa thì ngọn phát triển kém. Hoa đùng đình có hương thơm và nhiều mật nên luôn thu hút ong bướm. Quả nhỏ hình cầu lõm, giống quả cau tây, màu đỏ nâu khi chín, có vỏ ngoài hơi dày, phía trong lớp vỏ có nạc ngọt. Quả đùng đình còn được khai thác, ngâm rượu để chữa bệnh đau khớp, nhức mỏi.

Bên cạnh loại đùng đình có thân cao, vùng đồng bằng, đồi núi ở nước ta còn có loại đùng đình bụi, tên khoa học là Caryota mitis. Bà con ở vùng cao lấy lá làm tấm lợp nhà, chòi rẫy. Đồng bào còn khai thác làm rau dùng trong các bữa ăn hàng ngày. Bộ phận dùng để làm rau đó chính là hủ cây, chồi non của lá, giống như hủ dừa. Đối với bà con ở vùng đồng bằng, cây đùng đình bụi cũng có nhiều hữu ích. Lá dùng để trang trí trong các dịp lễ hội, trang trí cổng ngõ trong đám cưới, làm chổi quét nhà, sân vườn. Nhiều nông dân treo bó lá đùng đình trong chuồng gia súc với quan niệm khử trừ rủi ro cho đàn gia súc. Hay treo lá cây này trước hiên nhà vì tin rằng nó có thể trừ được sự đột nhập của tà ma. Đùng đình bụi còn được trồng ở công viên, hoa viên, đường phố để làm cảnh vì có bộ lá rất đẹp.

Người Xê Đăng ở Nam Trà My sử dụng thân cây đùng đình để dẫn nước từ khe suối vào ruộng bậc thang.
Người Xê Đăng ở Nam Trà My sử dụng thân cây đùng đình để dẫn nước từ khe suối vào ruộng bậc thang.

Giống như cây tà vạt, cây tr’đin sinh trưởng tương đối nhanh. Một cây con mọc tự nhiên hay được trồng thì đến 6 - 7 năm sau sẽ khai thác được. Muốn lấy rượu thì đợi lúc cây ra buồng hoa, nhưng chưa nở, người ta làm cái thang trèo lên, lấy dao chặt và đục vào sát cuống buồng quả. Trước tiên phải xác định thời điểm, thông thường đọt cây (loom) nhú lên ngang bằng lá già thì lúc này người ta đục vào cây mới có nước. Cây đục xong thấy ở trong đọt trắng mềm thì sẽ cho nhiều nước. Chừng ba bốn ngày sau thấy có nước trăng trắng, sền sệt thì dấu hiệu cây bắt đầu ra nước. Người ta lấy ống hứng phía dưới để lấy nước tr’đin. Cái máng nhỏ đặt từ chỗ đục thân cây đến ống để dẫn dòng nước nhỉ ra. Trong ống đã bỏ sẵn vỏ cây apăng, cùng họ với cây bứa để lên men rượu. Mỗi ngày người ta đến cắt và lấy nước tr’đin về uống.

Trong bữa cơm tối, khi xong việc nương rẫy, đồng bào thường uống rượu tà vạt, tr’đin để thưởng thức, lấy lại sức sau ngày lao động mệt nhọc. Vào dịp lễ hội, mỗi nhà đều góp vài ché rượu cần, vài ống rượu thiên nhiên vừa khai thác được. Người ta rót rượu ra ống nứa mời nhau uống. Thứ thức uống thiên nhiên này là một phần cuộc sống của đồng bào. Trong các chủ đề trang trí nhà làng, ta thấy xuất hiện nhiều bức tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ về cây tà vạt, tr’đin, diễn tả cảnh người mang ống bương trèo cây lấy rượu, cảnh mời rượu nhau trong lễ hội, người say rượu… Nhiều tượng tròn miêu tả dân làng thưởng thức rượu tà vạt, tr’đin. Đó là đề tài quen thuộc mà ta thường thấy xuất hiện khá nhiều ở nhà làng truyền thống. Qua bức tượng gỗ miêu tả người đàn ông tay cầm ống lồ ô đựng rượu, vẻ mặt hân hoan, dáng người khỏe mạnh, gân guốc... tác giả muốn nói rằng, nhờ uống rượu tr’đin mà người này có sức khỏe và vui tươi như vậy.

Dân tộc Xê Đăng ở Nam Trà My là tộc người rất giỏi về canh tác ruộng bậc thang. Trên sườn núi Ngọc Linh chập chùng những thửa ruộng bậc thang. Đồng bào lấy thân cây đùng đình, ống tre lớn làm đường ống dẫn nước từ khe suối về các thửa ruộng bậc thang. Cây tr’đin là loài cây hoang dại của thiên nhiên, vừa tạo cảnh đẹp vừa mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống cộng đồng. Nhựa sống của cây đã được đồng bào khai thác, chế biến đơn giản thành nước uống có ga, men rượu say nồng, tạo nên hưng phấn và sức khỏe. Chính vì vậy rượu tr’đin là món ẩm thực tinh túy để bà con đãi nhau trong cuộc sống ngày thường cũng như ngày hội, tiếp dãi khách quý đến thăm làng. Cây tr’đin cũng làm nên chất men say tâm hồn, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian sáng tác như ca dao, hoa văn trang trí trên thổ cẩm, phù điêu, tranh vẽ, tượng trang trí cho công trình kiến trúc nhà làng truyền thống (gươl).

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH