Di cảo Nguyễn Bội Liên
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An vừa xuất bản tập Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên. Đó là di cảo của một học giả nổi tiếng, uy tín, lan tỏa học thuật trong và ngoài nước.
Buổi ra mắt sách tại Hội An. Ảnh: Khiếu Thị Hoài |
Di cảo Nguyễn Bội Liên là tập mới nhất trong 4 tập sách Di sản Hán Nôm Hội An do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xuất bản cho đến nay. Trước đó, 3 tập đã xuất bản gồm: Tập 1 - Văn bia; Tập 2 - Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường; Tập 3 - Tư liệu xã Minh Hương. Cách đây độ hơn nửa năm, khi có thông tin về khối lượng di cảo đồ sộ của Nguyễn Bội Liên, nhiều cá nhân, tổ chức đã liên hệ gia đình ông để mục sở thị và liên kết xuất bản. Nhưng do cơ duyên và có lẽ là cả trách nhiệm mà trung tâm đã xuất bản di cảo của ông trước nhất.
Tập di cảo này dày nhất trong số các tập sách nói trên, tuyển chọn một số tác phẩm của Nguyễn Bội Liên theo từng chủ đề và cấu trúc thành 3 phần: Phần I - Khảo cứu lịch sử - văn hóa Hội An, Quảng Nam (24 đơn vị tác phẩm); Phần II: Các sáng tác thơ - vịnh (về bản thân, gia đình: 14 bài; về bè bạn, người quen: 26 bài; về quê hương phong cảnh: 32 bài), đối liễn (12 đơn vị), văn tế (2 đơn vị), tuồng (2 tác phẩm: Anh hùng mạt lộ; Sao khuê lấp lánh); Phần III: Dịch thuật (4 đơn vị). Ngoài ra, di cảo còn có một số phần phụ kèm như Lời giới thiệu; Tư liệu ảnh; Thư mục di cảo; Phụ lục một số bài viết về Nguyễn Bội Liên của các nhà nghiên cứu Trần Văn An, Phùng Tấn Đông, nhà báo Trương Điện Thắng. Có thể vì nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau mà tập di cảo này chỉ mới “trích giới thiệu một số sáng tác, biên khảo, dịch thuật trong di cảo của nhà nghiên cứu, tác giả Nguyễn Bội Liên (…), là một phần nhỏ trong số trước tác của ông để lại” (Lời giới thiệu). Tất nhiên, sự sưu tập của trung tâm cũng chưa đầy đủ như liệt kê ở phần Thư mục, như nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho biết, ông còn giữ nhiều trang bản thảo khác nữa của Nguyễn Bội Liên.
Giá trị của tập di cảo trước hết ở chỗ “tập đại thành”. Sở dĩ như vậy là vì, lâu nay những tác phẩm, nhất là tác phẩm biên khảo nổi tiếng của Nguyễn Bội Liên nằm tản mác ở nhiều sách báo khác nhau, những độc giả hay nhà nghiên cứu sau này có phần khó tiếp cận, thì bây giờ có thể thuận lợi hơn trong việc tìm đọc chỉnh thể. Thứ hai, với sở học sở đắc của Nguyễn Bội Liên vốn được hấp thu từ “ba nguồn mạch văn hóa Việt - Hán - Pháp” (Phùng Tấn Đông) và thâu thái trong quá trình công tác của ông, những biên khảo, sáng tác, dịch thuật của ông thật sự có giá trị về nội dung. Do vậy người đời sau có thể hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của vùng đất Quảng Nam qua nhiều bài biên khảo: Góp ý kiến về địa danh Faifoo; Xác định lại địa danh Hải Phố và vị trí của nó ngày xưa; Tổ chức hải quan của chúa Nguyễn ở Đàng Trong; Ghe bầu Quảng Nam và các tỉnh phương Nam; Ghe bầu Hội An - xứ Quảng; Giao hôn với ngoại kiều ở Hội An xưa; Yến sào và làng yến ở Quảng Nam; Đôi guốc và dép qua các thời kỳ; Đức tiết kiệm của người xứ Quảng xưa qua một số bài thơ cổ; Nghệ thuật đối liễn; Thú chơi thơ của các cụ ngày trước; Bàn thai; Chơi xổ đề… Trong đó có một số đối tượng biên khảo của Nguyễn Bội Liên cũng đã không còn từ đương thời như miếu thờ ở cống Ông Đá (đoạn chợ Lai Nghi) “không rõ xây dựng từ bao giờ (…), người qua lại đốt hương đèn cúng vái (…). Miếu còn cho đến vụ phản công năm Mậu Thân, tết 1968 thì mới mất dạng. Ngày nay không còn dấu vết miếu” hay trò chơi dân gian Xổ đề không còn trên đất Quảng từ năm 1910. Cho nên những biên khảo như vậy kịp thời lưu giữ tri thức cho đời sau, tránh được “thời gian xa xôi làm phai mờ không được ai nhắc đến”.
Tác phẩm tuồng Anh hùng mạt lộ góp phần khắc họa chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, một nhân vật vốn có nhiểu ẩn khuất nhưng lại thiếu vắng tư liệu để tìm hiểu. Tác phẩm Sao khuê lấp lánh gồm 18 cảnh để dựng lại nhân vật Ức Trai bằng loại hình hát bội, tạo nên sự đa dạng đối với các loại hình nghệ thuật thể hiện danh nhân văn hóa nổi tiếng của Việt Nam - Nguyễn Trãi. Những bài thơ vịnh của Nguyễn Bội Liên về bản thân, gia đình, bè bạn, người quen, quê hương, phong cảnh cho thấy sự đa dạng về các mối quan hệ gia đình xã hội của ông với đủ thành phần giai tầng; ngôn từ sử dụng phong phú, có chỗ mang sắc thái trung đại (Hay về Tam Đảo, Bồng Lai/ Cùng bầy tiên nữ dưới đài Trường Sinh; Đa tình bến cũ Tầm Dương/ Lấy chi thấm ráo lệ chàng Giang Châu; Khơi nguồn “Yên sĩ” trăng Tiên Lãnh/ Gợi hứng “Thôi xao” gió Ngũ Hành…), có chỗ dung dị, thậm chí mang đậm âm điệu địa phương đất Quảng (Vội đi chi mấy anh ơi!/ Sóng dằng Cửa Đợi, mây phơi Lao Chàm; Ủa, chia tay ngày trước/ Cảnh Thần kinh ai xuôi bước trùng lai…)
Tập di cảo còn cho chúng tay thấy về phương pháp học thuật của Nguyễn Bội Liên mà Phùng Tấn Đông đã nhận ra “hẳn là những trải nghiệm điền dã của cụ từ bao nhiêu năm trước, (…) có lối miêu tả hết sức tỉ mỉ, đồng thời có cái nhìn so sánh “loại hình học” cụ thể kiểu “nói có sách, mách có chứng”… Ngoài ra, đọc di cảo, còn nhận thấy thái độ trung thực, tinh thần dẫn gợi trong nghiên cứu của Nguyễn Bội Liên như lời tự bạch: “Chúng tôi ghi lại đây những sự trạng hiện hữu từng tai nghe mắt thấy cùng vài ý kiến thiển cận không ngoài mục đích mách các bạn làm công tác văn hóa (…), nếu những ý nghĩ thành thật này mà được các bạn lưu ý đến, gia công sưu khảo, khai quật, tìm kiếm thêm những di vật, nghiên cứu bổ chỉnh, hầu góp sự phong phú cho lịch sử tỉnh nhà nói riêng và cộng thêm vào phần cổ tích chung của nước, tưởng cũng là một công trình không kém phần hứng thú và bổ ích” (tr.30). Ông cũng đã viết thành thật: “Đây tôi không sẵn sách để kê cứu (…). Tôi không dám nói đích xác vì không tra khảo” (tr.77). Nhiều tài liệu ngoại văn đương thời rất không phổ biến, nhưng khi sử dụng, ông đều có ghi chú nguồn rõ ràng.
Di cảo là sản phẩm trí tuệ và tâm huyết của Nguyễn Bội Liên đã thâu thái trong suốt đời người để giờ đây ý hướng của ông lan tỏa cả chiều kích không gian lẫn tuyến đoạn thời gian. Ông đã thành công trong việc “lập ngôn” - một trong “tam bất hủ” của quan niệm người xưa.
HƯƠNG THU