Tản mạn về cây trúc

LIÊU HÂN 21/01/2018 13:38

Trúc, cùng với mai, lan, cúc, là bốn loài cây được người xưa gọi là Tứ quân tử (bốn biểu tượng cho phẩm chất người quân tử), do những đặc điểm riêng hiếm có. Mai nở vào cuối đông và đầu xuân, vẻ đẹp bình dị nhưng chịu đựng được phong sương. Lan kiều diễm mảnh mai, có vẻ đẹp thanh nhã. Cúc giống mai ở điểm dầm trong sương giá mà chẳng héo hon. Trúc ngay thẳng, rỗng ruột giống như phẩm chất trung thực, vô tâm. Trúc xanh suốt cả bốn mùa, không bao giờ thay đổi, cho dù là trong cơn nắng đổ lửa mùa hè hay giữa sương tuyết mùa đông, đặc điểm tượng trưng cho tiết tháo của người quân tử. Cả bốn loại cây này đều là đề tài quen thuộc trong thi ca và hội họa phương Đông.

Rừng trúc ở Sơn Trà tịnh viên (Đà Nẵng).
Rừng trúc ở Sơn Trà tịnh viên (Đà Nẵng).

Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ có ghi lại một giai thoại về trạng nguyên đất Việt là Mạc Đĩnh Chi. Ông được cử đi sứ sang Tàu để mừng vua Nguyên là Nguyên Võ Tôn lên ngôi. Người Nguyên thấy ông thấp bé nên xem thường. Mạc Đỉnh Chi thấy trong phủ Tể tướng có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc, liền kéo bức tranh xuống xé nát ra. người Nguyên hỏi cớ sao thì ông mới giải thích: “Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này là đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi. (bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên cứu liên lạc văn hóa Á Châu, 2001, tr. 254).

Giai thoại này thật đáng để ta tự hào về bản lĩnh và tài trí của người Việt trong quá trình bang giao với phương Bắc.  

Vương Huy Chi, con trai nhà thư pháp lỗi lạc Vương Hy Chi, tự Tử Do, người đời Đông Tấn. Theo Thế Thuyết Tân Ngữ, Vương Huy Chi có lần đến ở trọ nhà người, bảo trồng trúc. Có người hỏi: “Ở tạm, sao phải phiền phức vậy?”. Vương chỉ cây trúc, bảo: “Hà khả nhất nhật vô thử quân? (Làm sao có thể một ngày thiếu người này được?). Không thể sống không có trúc, dù chỉ một ngày. Thử hỏi trong đời còn có mối tình tri kỷ nào sâu đậm hơn chăng?

Nhà thơ Tô Đông Pha có một bài thơ về trúc, nhan đề Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên (Hiên Lục Quân của vị tăng ở Ư Tiềm), rất được truyền tụng. Ư Tiềm là tên một huyện cũ của tỉnh Triết Giang. Trong ngôi chùa của vị tăng ở Ư Tiềm có hiên Lục Quân, trồng nhiều trúc. Bài thơ nói về những cây trúc này.

Ninh khả thực vô nhục,

Bất khả cư vô trúc.

Vô nhục linh nhân sấu,

Vô trúc linh nhân tục,

Nhân sấu thượng khả phì,

Sĩ tục bất khả y.

 (Thà ăn cơm không có thịt,

Chứ nơi ở không thể không có trúc.

Ăn không có thịt khiến người gầy,

Nơi ở không có trúc khiến người thô tục

Người gầy còn có thể mập lại,

Chứ kẻ sĩ đã thô tục thì hết thuốc chữa).

Câu “Bất khả cư vô trúc” có lẽ dựa vào câu nói “Hà khả nhất nhật vô thử quân?” của Hữu Quân.

Cùng thời với Đông Pha, có Văn Đồng (1018 - 1079), tự Dữ Khả, được xem là bậc thầy về vẽ trúc trong lịch sử hội họa Trung Quốc. Ông vẽ trúc đến mức xuất thần nhập hóa. Ông vẽ hàng trăm bức tranh trúc mà không có cây trúc nào giống cây trúc nào. Tương tự như một nghệ sĩ kiệt xuất chơi đàn theo cảm hứng, mỗi lần mỗi khác, và chỉ có một điểm giống nhau duy nhất: đó là sự tuyệt vời! Mỗi khi vẽ trúc thì Văn Đồng đắm chìm trong cảnh giới nội tâm, hoàn toàn quên hết ngoại cảnh, tất cả thế giới như đều biến thành cây trúc. Tô Đông Pha phải tán thán:

Dữ Khả họa trúc thời,

Kiến trúc bất kiến nhân.

Khởi độc bất kiến nhân,

Tháp nhiên di kỳ thân.

(Khi Dữ Khả vẽ trúc, chỉ thấy trúc chứ không còn thấy người.

Há chỉ không còn thấy người mà thôi đâu,

Ông ta còn quên hẳn bản thân mình nữa).

Tương truyền, có lần Dữ Khả vẽ một cây trúc, khi bức tranh hoàn thành, có một chú mèo con chạy đến nằm dưới bức tranh tắm nắng, vì ngỡ đó là cây trúc thật. Tô Đông Pha khen về tài vẽ trúc của ông là “thành trúc tại hung” (trúc đã có sẵn trong lòng). Có nghĩa là cây trúc trên bức tranh chỉ là sự tái hiện của cây trúc có sẵn trong tâm qua ngọn bút xuất thần của người nghệ sĩ.

Ngô Thế Lân nước ta cũng là người đáng để ta gọi “Trúc lấy Ngô Thế Lân làm tri kỷ”. Ông sống cuối thời Hậu Lê, tài cao học rộng, có tác phẩm Phong Trúc Tập gồm 2 quyển. Ông nhân tiếng trúc trong gió mà có được điều sở đắc, giống như các thiền sư nghe tiếng suối reo hay nhìn hoa đào nở mà ngộ đạo vậy. Lời mở đầu cuốn Phong Trúc Tập, với tôi, còn giá trị gấp vạn lần các bộ sách biên khảo về đạo học hiện nay. Chúng ta thử đọc:

“Gió là vật không có chất mà có khí, trúc là vật có chất mà không có tâm, cho nên trúc nhân gió mà thành tiếng, gió nhân trúc mà có hình tích. Bởi thế, gió đến thì trúc kêu, gió đi thì trúc thôi; gió lớn thì kêu lớn, gió nhỏ thì kêu nhỏ, đó là tại gió chứ không phải tại trúc. Trúc vốn là tự như, cao như tiếng hạc, lanh lảnh như tiếng rồng, ồ ồ như tiếng sóng, từ từ như tiếng trúc bội, tiếng u có thể sửa được lòng tục, tiếng thanh có thể sửa được nỗi phiền, càng kêu càng lạ, mà không bao giờ hết được, cũng là tại vô tâm, mà sự ứng diệu là ở gió vậy. Tuy thế mặc dù, cái mà làm cho thiên cơ xướng phát, chân vận du dương là cũng bởi cái thú tự đắc của thính giả. Nhã hay tục, thuần hay tì, có dự gì đến trúc. Trúc ôi! Trúc ôi! Cái hữu thủ của ta là ở trúc vậy. (theo bản dịch của Trần Trọng Kim trong tác phẩm Nho giáo).

Đạo học phương Đông cho rằng người ta có thể nhân nghe âm thanh mà ngộ được  chân lý. Ngô Thế Lân có lẽ là người đã ngộ ra diệu lý này. Rất tiếc tác phẩm  của ông không được lưu truyền cho hậu thế để chúng ta biết thêm được cao phong của cổ nhân. Và có lẽ cũng vì thế mà lịch sử Việt Nam không ghi tên tuổi ông cho xứng với tầm vóc của một nhà tư tưởng.

LIÊU HÂN

LIÊU HÂN