Chí sĩ Thái Phiên qua các tư liệu mới
“Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới” vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, được viết bởi một người không phải gốc Quảng – nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn. Tác giả sách này, quê gốc Nghệ An song như anh nói: “Xứ Quảng là quê hương thứ hai của tôi!”.
Cuốn sách Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới. |
Chính tình yêu đó và lòng tôn kính tiền nhân, Nguyễn Trương Đàn đã bỏ ra hàng chục năm để tìm hiểu về chí sĩ Thái Phiên. Với chừng ấy thời gian, anh đã tập hợp được hàng trăm trang sử liệu lưu tại các trung tâm lưu trữ ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt hay các thư viện quốc gia cùng bảo tàng các tỉnh miền Trung, cũng như tư liệu cá nhân của những nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa trong và ngoài nước có liên quan đến chí sĩ Thái Phiên. Trên hành trình đó, Nguyễn Trương Đàn đã nhận ra rằng: Còn một bộ phận sử liệu quan trọng đang ở ngoài Việt Nam, có thể anh chưa từng được tiếp xúc tận nguồn, nếu muốn dựng lại một cách đầy đủ, chân xác hơn cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân cũng như hai yếu nhân phong trào này là Thái Phiên và Trần Cao Vân. Qua giáo sư Nguyễn Thế Anh, hiện đang nghỉ hưu và sống ở thành phố Toulouse (Pháp) và qua giáo sư Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Trương Đàn và Hội Sử học Đà Nẵng đã có được toàn bộ hồ sơ về cuộc khởi nghĩa Thái Phiên – Trần Cao Vân, hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp.
Từ nguồn tài liệu nêu trên, Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng đã đăng ký với UBND TP.Đà Nẵng đề tài khoa học Khởi nghĩa Thái Phiên – Trần Cao Vân qua các tư liệu mới, do anh Nguyễn Trương Đàn làm chủ nhiệm đề tài. Được một thời gian ngắn, do áp lực công việc quá lớn, đau ốm liên miên, lại không quen việc điều hành, thực thi một đề tài khoa học cấp thành phố, anh Đàn đã nhiều lần xin rút. Trong thời điểm khó khăn đó, anh Đàn và tôi nhiều lần thống nhất xin thôi, không thực hiện đề tài này nữa; khó nhất là khâu liên quan đến việc mua sao tài liệu từ nước ngoài và kinh phí dành cho dịch thuật toàn bộ số tài liệu có được. Tuy nhiên, anh Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng “lệnh” cho tôi, bằng mọi giá phải thực hiện đề tài này. Thêm vào đó, sếp của tôi - anh Võ Công Trí lúc đó, cũng đe: “Đây không chỉ là uy tín của anh Đàn mà còn là danh dự của Hội sử học Đà Nẵng, cậu phải thay anh Đàn làm chủ nhiệm đề tài này!”. Vậy là tôi thay anh Đàn làm chủ nhiệm đề tài và may mắn được Hội đồng khoa học thành phố xếp loại “Xuất sắc” cho công trình này. Dông dài như vậy để lý giải vì sao Nhà xuất bản Đà Nẵng, lại đề nghị tôi viết Lời giới thiệu cho tập sách.
Với Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới của Nguyễn Trương Đàn, bạn đọc sẽ bắt gặp ở từng trang của sách này nguồn dẫn từ những tài liệu mới, đó thực sự là những sử liệu gốc, rất giá trị, mang hơi thở nóng hổi của sự kiện; phản ánh một cách đa dạng, phong phú song cũng không kém phần chi tiết cho mỗi sự kiện, từng số phận của tiền nhân gắn với phong trào đấu tranh yêu nước bi hùng này. Ta như thấy người xưa hiển hiện, đi lại, trò chuyện một cách sống động, nhất là qua những bản cung, những ghi chép của mật thám và điều tra viên người Pháp. Thông qua tập sách, người đọc bắt gặp hình ảnh của các viên công sứ ở những tỉnh Trung kỳ, các Thống sứ, Khâm sứ ở Bắc kỳ, Nam kỳ, các đại diện của Pháp ở các xứ trong hoặc ngoài Liên bang Đông Dương; những quan chức Pháp ở các Nha, Văn phòng thuộc Phủ Toàn quyền, Hiến binh, Thuế quan, Tòa án Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.
Về lực lượng khởi nghĩa, ngoài các thủ lĩnh Thái Phiên, Trần Cao Vân, vua Duy Tân, còn có nhiều vị quan lại, chức sắc từ trong triều đình đến các địa phương hàng tỉnh, huyện, tổng hay thường dân, binh lính, dân binh, nhân viên trong các cơ quan tại khắp Trung kỳ… Tất cả họ bằng những lời khai, ghi chép, báo cáo của mật thám Pháp, đã giúp chúng ta minh định những “huyền sử” hàng trăm năm qua về tài sản của Thái Phiên cung cấp cho cuộc khởi nghĩa, sự thực có bao nhiêu lần Thái Phiên – Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân và gặp ở đâu? Có bao nhiêu tờ chiếu liên quan đến sự kiện này? Có hay không sự trợ giúp của người Đức cho phong trào như lâu nay ta vẫn nghĩ? Lời đồn đoán của người xưa về các quan lại An Nam cộng tác đắc lực với thực dân Pháp, để đàn áp phong trào liệu có cơ sở xác tín?… Hơn hết, cuốn sách đã dựng lại không những hành trạng, sự nghiệp, tinh thần nghĩa khí, cương cường của các chí sĩ Thái Phiên, Trần Cao Vân trong phong trào khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916, mà còn cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về cuộc khởi nghĩa này trên phạm vi toàn cõi Trung kỳ, nhất là tấm gương hy sinh vì đại nghĩa của Thái Phiên, Trần Cao Vân và vua Duy Tân.
Với những công bố, phát hiện mới mẻ trên cho thấy đây là cuốn sách rất đáng đọc đối với những ai ham muốn tìm hiểu lịch sử xứ Quảng.
LƯU ANH RÔ