Đường mòn lưu dấu chân quen

LÊ QUÂN (thực hiện) 14/01/2018 08:27

Giới nghiên cứu, khảo cổ, chẳng mấy ai không biết tên ông. Với mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng, PGS-TS. Ngô Văn Doanh thậm chí gần như một người thân. “Lão giả an chi”, biết vậy, nhưng cái thôi thúc si mê từ sự kỳ bí huyền hoặc của một nền văn minh Chămpa xưa cứ kéo ông về miền Trung…

PGS-TS Ngô Văn Doanh trong một chuyến khảo cổ. Ảnh: L.Q
PGS-TS Ngô Văn Doanh trong một chuyến khảo cổ. Ảnh: L.Q

Và đều đặn vậy, những ấn phẩm về văn hóa Chămpa ra đời – như một sự tích cóp đáng nể mà PGS-TS. Ngô Văn Doanh muốn gửi đến bạn đọc gần xa… Trong nhiều lần chuyện trò, ông nói, điều làm ông đau đáu với những trầm tích văn hóa còn lại ở xứ Quảng, hay cả dải đất miền Trung, hẳn nhiên, vẫn là câu chuyện bảo tồn. Bởi dù đã nhận được rất nhiều tâm ý, công sức, thì cái khúc mắc về những chỉ dấu văn hóa vô giá này, liệu có được bao nhiêu thế hệ sau tìm tới nữa… Và cuộc chuyện trò giữa ông với tôi, quanh đi quẩn lại, vẫn là những điều đã ám ảnh ông già khảo cổ này suốt cả cuộc đời…

Theo PGS-TS. Ngô Văn Doanh, các di tích Chăm hiện còn ở Quảng Nam có ý nghĩa như thế nào?

PGS-TS. Ngô Văn Doanh từng đoạt nhiều giải thưởng lớn của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Di sản Việt Nam. Năm 2016, cuốn sách - công trình nghiên cứu “Phật viện Đồng Dương - Một phong cách của nghệ thuật Chămpa” của ông được giải Nhất của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nhà văn Nguyên Ngọc - một người bạn thân của PGS-TS. Ngô Văn Doanh nói, ông Doanh đã làm trọn một cuộc hành hương về thế giới Chămpa - “một cuộc hành hương vừa nhẹ nhàng, thú vị vừa lại cũng có thể thật sâu thẳm và thiêng liêng”.

Quảng Nam là trung tâm lớn nhất sở hữu các di tích Chăm, đây là vùng trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, tôn giáo của vương quốc Chămpa suốt nhiều thế kỷ, từ giai đoạn lập quốc, có thể nói là thế kỷ thứ 2 đến tận thế kỷ thứ 11. Sau đó, vì những lý do lịch sử, các vua chúa Chămpa mới dời đô về phía nam. Trong hơn mười thế kỷ, có thể nói Quảng Nam có những đô thành lớn là Simhapura và Indrapura, hay nay gọi là Trà Kiệu và Đồng Dương, cả về mặt lịch sử lẫn văn hóa, đều mang trong mình ý nghĩa rất lớn. Mặc dầu bây giờ vương quốc Chămpa không còn nữa, nhưng các di tích hiện còn tại Quảng Nam vẫn đủ để nơi này trở thành nơi sở hữu khối lượng lớn nhất các di tích Chămpa. Vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục khảo cổ, nghiên cứu về các di tích đền tháp như Mỹ Sơn chẳng hạn, hay câu chuyện của Đồng Dương…

Ông có thể chia sẻ một chút về Đồng Dương?

Những giá trị của Đồng Dương để trở thành di sản quốc gia đặc biệt thì không phải bàn cãi nữa. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hiện trạng của Đồng Dương, do nhiều lý do, từ chiến tranh, hoàn cảnh lịch sử… nên giờ đã là một phế tích, hiện vật của Đồng Dương còn lại rất ít ỏi. Muốn đưa Đồng Dương vào danh mục di sản thế giới, tầm cỡ quốc tế, thì qua nhiều cuộc hội thảo, tôi đã nhiều lần nói, là nơi đây phải làm khảo cổ. Khảo cổ của Đồng Dương không phức tạp lắm, nó chỉ cần hạ cốt, và nơi đây sẽ lộ ra các dấu vết kiến trúc, điêu khắc. Chỉ cần nó lộ ra và mình làm các động thái bảo vệ, cộng thêm các hiện vật đã đưa vào các bảo tàng ở Đà Nẵng và trên thế giới là có chứng cứ để thuyết phục. Những di sản kiến trúc độc đáo của nơi này, với tòa thành Đồng Dương và Phật viện Đồng Dương,  chúng ta được biết khá cụ thể về một thủ đô của vương triều. Cuộc khai quật năm 1902, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn vào loại bậc nhất và cũng là độc đáo nhất của Chămpa và khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở phân tích bố cục kiến trúc và các biểu tượng thờ phụng trong các đền miếu, các nhà nghiên cứu gần như đã khẳng định thành Đồng Dương là một đô thành thiêng tiêu biểu của Chămpa, còn Phật viện Đồng Dương chính là tu viện Lakshmindra Lokesvara mà bia ký nhắc đến…

Khá am tường về văn hóa Chăm, đặc biệt là những di tích, phế tích tại Quảng Nam, ông có thể chia sẻ về quãng thời gian đầu tiên khi ông đặt chân đến xứ Quảng?

Tôi đến Quảng Nam đầu tiên khi còn là thanh niên. Chính xác hơn là ngay sau giải phóng, 1976 tôi đã vào vùng đất này rồi. Sau giải phóng chúng ta phải quản lý các di tích cổ, đặc biệt tại miền Trung là những di tích đền tháp. Cùng với một nhóm học viên về bảo tàng, từ Nha Trang, chúng tôi ngược ra Quảng Nam – Đà Nẵng, để đi nghiên cứu tìm kiếm các di tích khảo cổ Chămpa. Nơi đoàn được yêu cầu phải đến và quan trọng nhất chính là Mỹ Sơn.

PGS-TS. Ngô Văn Doanh sinh năm 1949 tại Hà Nội. Năm 1974: Vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1984: Tiến sĩ về Lịch sử nghệ thuật tại Liên bang Nga. Từ năm 1994 đến 2011: Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Từ năm 1999 - 2006: Kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Từ năm 2004 đến 2014: Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia; nghỉ hưu năm 2014.

Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của ông rộng (lịch sử cổ trung đại Đông Nam Á, lịch sử kiến trúc cổ Đông Nam Á, lịch sử, văn hóa Chămpa - Tây Nguyên), với rất nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu. Nhưng nơi ông để lại nhiều dấu ấn và tác phẩm nhất là nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Chămpa - Tây Nguyên. (Nguồn: Wikipedia)

Lúc đó, Mỹ Sơn còn hoang vu và vẫn chưa có ai vào, các nhà khoa học vẫn còn khá lạ lẫm với di tích này. Thầy Nguyễn Duy Hinh và tôi là 2 nhà khoa học đầu tiên, sớm nhất vào Mỹ Sơn. Lúc đó Mỹ Sơn vẫn chưa có lối vào, phải đi bộ gần cả chục cây số mới đến khu đền tháp. Khi đó ngoài lối vào có một cái xưởng gạch, nhiều người dân ở đó khuyên chúng tôi không nên vào vì trong đó còn bom mìn khá nhiều. Sau năm 1978, công binh của chúng ta vào dò gỡ mìn, giải tỏa thì mới phát lộ ra Mỹ Sơn hoàn thiện. Nhưng lúc đó vì mình ỷ sức trẻ, lại nghĩ, đã đi đến đây rồi nhưng không vào tận Mỹ Sơn, thì sao cho đành, nên đâm liều. Cũng may, lúc đó chúng tôi nhìn thấy người dân vào khu Mỹ Sơn lấy củi, người ta cứ gùi củi đi từ trong đó ra, vì Mỹ Sơn là rừng, thế là bọn tôi cứ theo bước chân của những người dân này…

Đó là kỷ niệm lần đầu tiên chúng tôi đến xứ Quảng. Cũng trong dịp đó, các tháp như Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, Đồng Dương cũng bắt đầu được đưa vào các dự án nghiên cứu. Đến khi Kazic đến Mỹ Sơn thì tôi và ông ấy gặp nhau ở những ngày đầu, sau đó tôi đi nghiên cứu sinh tại Nga đến năm 1980 mới về lại, từ đó thực hiện nghiên cứu về Chămpa và lại gắn bó với Quảng Nam.

Và từ đó đến nay, dường như ông luôn quan tâm di tích Chăm ở các mảnh đất của xứ Quảng?

Di tích ở Quảng Nam nhiều nhất, đặc trưng nhất, xưa nhất và lại kéo dài nhất. Có thể nói 40 năm nay thì không năm nào tôi không vào Quảng Nam, miền Trung. Có những năm vào làm việc đến vài tháng. Lúc đầu thì đi ô tô, sau này đi tàu hỏa, rồi máy bay. Vào các địa phương thì lại di chuyển bằng xe đạp, đi các điểm để điều tra các di tích bằng xe đạp, ở lại tại địa phương. Bây giờ thì dễ dàng hơn rồi. Rất nhiều kỷ niệm gắn bó, thậm chí bây giờ về hưu rồi, vẫn còn gắn bó với miền Trung. Tôi thuộc thế hệ đầu tiên, sau tôi thì bạn bè, học trò nhiều người tham gia công tác bảo tồn di tích, theo các hướng khác nhau, có người chuyên về khảo cổ, nhân học, phong tục tập quán hay bảo vệ di tích...

Với di tích Chăm, tôi nghĩ mình có một say mê đặc biệt. Từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi đi cơ sở, gặp anh em ở huyện, có những người gặp ở xã, sau gặp lại họ đã lên cấp tỉnh, hoặc ở tỉnh thì đã ra Trung ương chẳng hạn, nhưng có một điều rất hay là những người quen kia gặp lại hay hỏi mình: “chú/anh vẫn nghiên cứu văn hóa Chămpa à?”. Người ta cứ nghĩ những nhà nghiên cứu thì cứ phải lên lên, tức là làm nghiên cứu để thành ông nọ bà kia, chứ không phải bám chặt một lĩnh vực như mình đã làm. Và chính đó cũng là điều để mình nhận được nhiều tình cảm đáng quý của mọi người. 

Sau này tôi cũng tự ngạc nhiên, tại sao suốt 40 năm trời tôi chỉ chuyên nghiên cứu về văn hóa Chăm. Từ công trình nghiên cứu đầu tiên của tôi được mọi người biết đến là về văn hóa Chămpa, năm 1978, cho đến ngày hôm nay sách vở của tôi chuyên về văn hóa Chămpa đã lên đến hàng trăm. Năm tới tôi sẽ phát hành cuốn Tháp cổ Chămpa. Cả cuộc đời gần như tôi chỉ chú tâm tới điều này. Nó là một tình yêu, đam mê. Nhiều người cứ đùa tôi là hình như ông bị ma hời ám sao đấy, và tôi bảo là mình cũng không biết nữa. Cả cuộc đời nghiên cứu chỉ gắn với một đối tượng và kéo dài, mà chắc chắn là sẽ đến cuối đời. Khi nào còn sức thì mình còn đi…

LÊ QUÂN (thực hiện)

LÊ QUÂN (thực hiện)