Đọc kinh, sử với người xưa

LIÊU HÂN 07/01/2018 11:37

Nhắc tới cái học khoa cử ngày trước, không mấy ai là không nhớ đến thành ngữ “xôi kinh nấu sử” hay “dùi mài kinh sử”, dùng để chỉ công phu học tập chăm chỉ, ôn luyện miệt mài để giành được công danh chốn trường thi. Ca dao còn lưu truyền những câu: “Trai thời đọc sách ngâm thơ. Dùi mài kinh sử để chờ đại khoa”, hay “Sĩ thì nấu sử xôi kinh. Làm nên khoa bảng công danh để truyền”.

Đọc sách (ảnh minh họa). Ảnh: Internet
Đọc sách (ảnh minh họa). Ảnh: Internet

Kinh và sử là hai nội dung chính giúp sĩ tử ngày xưa bước vào hoạn lộ. Bối cảnh cuối mùa của cái học “xôi kinh nấu sử” ở Việt Nam có lẽ hiện rõ trong hai tác phẩm Lều chõng của Ngô Tất Tố và Nhà Nho của Chu Thiên.  Người Trung Quốc phân kho tàng cổ thư của họ thành bốn loại: kinh, sử, tử, tập. Gọi là tứ bộ. Kinh bộ dùng để chỉ kinh điển nho gia, bao gồm Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), Ngũ Kinh, (Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu), Thập Tam Kinh (Tứ Thư, Ngũ Kinh và thêm số tác phẩm khác như Hiếu Kinh và Nhĩ Nhã...). Sử bộ dùng chỉ những tác phẩm về lịch sử, gồm chính sử, biệt sử, địa lý... Tử bộ dùng chỉ những tác phẩm của bách gia chư tử thời Tiên Tần, gồm các học phái như nho, đạo, pháp, mặc, binh, nông, y, âm dương... bao quát các vấn đề triết học, thiên văn, thuật số, nghệ thuật... Nhưng về sau thường được dùng để chỉ chung những tác phẩm không thuộc kinh bộ của nho gia. Tập bộ dùng chỉ những tác phẩm thơ văn như Sở Từ...

Bên cạnh công phu “xôi kinh nấu sử” để dùng trong trong thi cử, các nhà nho uyên bác như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Ngô Thế Lân... còn thâm cứu cả bách gia chư tử. Đối với các vị đó, có lẽ kinh, sử chỉ là phương tiện giúp họ bước vào chốn quan trường để thực thi hoài bão. Và tử, tập giúp họ tìm thêm cái đẹp giữa cõi nhân gian.

Người Trung Quốc thích phối ghép các sự kiện trong sinh hoạt xã hội tương ứng với những hiện tượng trong vũ trụ, theo lẽ “thiên nhân cảm ứng”, như ghép bốn mùa với bốn phương, với ngũ hành..., nên một tay tài tử đời Thanh là Trương Trào cũng theo quy luật đó để ghép cách đọc tứ bộ với bốn mùa. Mùa nào bộ nấy! Đọc sách với tâm trạng khác nhau, bối cảnh khác nhau sẽ có sự thể hội khác nhau. Trương Trào bảo: “Kinh nên đọc vào mùa đông, vì tinh thần chuyên nhất; sử nên đọc vào mùa hè, vì ngày dài; chư tử nên đọc vào mùa thu, vì tư tưởng khác biệt; sách các nhà khác nên đọc vào mùa xuân, vì khí trời thoải mái. Kinh truyện nên ngồi đọc một mình, mà sử giám nên có bạn cùng đọc”.

Kinh điển là tác phẩm của thánh hiền, khi đọc thì tinh thần cần chuyên chú để có thể lĩnh hội được cảnh giới thâm diệu vô ngôn. Có lẽ Trương Trào cho rằng mùa đông cảnh vật tiêu điều, lạnh lẽo, có hình tượng khắc khổ của sự tôn nghiêm nên phù hợp với chuyện đọc sách thánh hiền? Hay vào mùa đông, chung quanh không có tiếng chim ríu rít, không có hương hoa lãng đãng, nên tinh thần dễ tập trung để đọc kinh điển chăng? Tôi thì cho rằng thanh, sắc, hương, vị đôi khi lại giúp chúng ta tập trung tư tưởng. Ngồi thiền, tập trung quán tưởng một ảnh tượng cũng là cách chú tâm. Ngồi đọc sách với một chút rượu, trà cũng là cách tăng thêm ý vị. Người xưa xông trầm, đốt nhang để đọc sách thánh hiền, thậm chí đọc Đường thi, cũng đâu ngoài ý muốn tăng thêm vẻ tôn nghiêm để dễ tập trung tư tưởng? Mà vào mùa đông giá buốt, nếu được an nhàn nằm co ro trong mền ấm để đọc sách, không phải bận tâm đến chuyện gió mưa, thì sách nào lại chẳng hay?

Sử bàn chuyện cổ kim, luận lẽ hưng vong thành bại, hà cớ gì nên đọc vào ngày hè chỉ vì lý do là ngày dài? Có lẽ ý muốn nói đọc sử vào ngày hè để có nhiều thời gian bàn luận với nhau chăng?

Nội dung của tử bộ là phần phong phú nhất, hấp dẫn nhất trong tứ bộ, đưa người đọc đến những cảnh giới tinh thần khác nhau. Có đạo gia với tư tưởng phiêu dật, phóng túng, như mây vắt ngang trời; có nông gia với tư tưởng bình đạm thiết thực, như nương lúa, vồng khoai; có danh gia với những biện luận lắt léo như muốn khóa miệng người; có âm dương gia với tư tưởng thần bí như đưa con người vào chỗ huyền ẩn của đất trời... Mùa thu là mùa cỏ cây bắt đầu rơi rụng, trời đất sắp đi vào cảnh tượng điêu tàn, nhưng ý vị mùa thu lại miên man, gợi cho con người bao nguồn cảm xúc. Cho nên thu là thời điểm thích hợp nhất để đọc chư tử bách gia.

Tập bộ chủ yếu là những tác phẩm thơ ca để ngâm vịnh, biểu hiện những cảm xúc vui buồn, hân hoan, sầu muộn trong lòng. Vào mùa xuân, cây cỏ phát triển xanh tươi, muôn chim đua hót, sinh khí ngập tràn trời đất khiến cảm xúc trong lòng người thêm bồng bột, há chẳng phải là lúc đọc tập bộ hay sao?
Kinh, ở đây được dùng để chỉ kinh điển nho gia, ghi chép những luận bàn cao xa của thánh hiền về vũ trụ, nhân sinh, chủ yếu để chỉnh đốn phong tục, giáo hóa nhân luân. Truyện là những lời chú thích và giảng giải của người sau về các tác phẩm kinh điển ấy. Kinh là học vấn về dưỡng tánh, tu tâm để chiêm nghiệm lẽ biến hóa của tự nhiên cùng sự vận hành trong vũ trụ, bởi vậy đọc kinh thì nên ngồi đọc một mình để tự mình suy ngẫm và thể hội đạo lý thâm diệu bên trong. Ngồi đọc là để tỏ lòng thành kính và sự nghiêm cẩn. Ngồi đọc lặng lẽ một mình cũng là điều kiện trợ duyên để ta có thể thể hội thêm phần tâm truyền nằm ngoài trang sách. Đọc tác phẩm kinh điển một cách chí thành trong bối cảnh trang nghiêm, ta sẽ nghiệm ra nhiều ý vị khác.

Sử dùng để phiếm chỉ những tác phẩm lịch sử soạn theo thể kinh truyện, nổi tiếng nhất là tác phẩm Sử Ký bất hủ của Tư Mã Thiên - được Kim Thánh Thán xếp vào một trong Lục Tài Tử Thư. Giám dùng để phiếm chỉ những tác phẩm lịch sử soạn theo thể biên niên, nổi tiếng nhất là tác phẩm Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang. Mục đích của sử giám là ghi lại lịch sử, tường thuật lẽ hưng vong, giúp người đời sau hiểu rõ nguyên nhân của thành bại, họa phúc để lấy đó làm gương mà trị thế, bởi vậy nên đọc cùng bạn để cùng nhau luận bàn cho thêm sáng nghĩa.

Nhưng có phải người đọc sách nào cũng may mắn có được bạn để sẻ chia khi đọc sử, giám đâu? Cho nên Vương Cảnh Châu bảo: “Nếu như không có bạn hiền thì bạn hồng nhan cũng được vậy”. (Như vô hảo hữu, tức hồng hữu diệc khả dã). Lý thú thay! Và hạnh phúc thay cho những ai đọc sách mà bên cạnh là một bạn hồng nhan!

LIÊU HÂN

LIÊU HÂN