Âm vang của Đá - Những kiệt tác Chăm

TRẦN TRUNG SÁNG (thực hiện) 07/01/2018 11:30

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa tổ chức ra mắt tập sách ca-ta-lô với nhan đề Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Danang Museum of Cham Sculpture (Âm vang của Đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Sách dày 300 trang, với 400 bức ảnh, tập hợp nhiều bài nghiên cứu của các học giả hàng đầu trong nước và quốc tế về nghệ thuật Chăm.

Trần Kỳ Phương.
Trần Kỳ Phương.

Đây là cuốn sách có nội dung và hình ảnh phong phú nhằm giới thiệu ý nghĩa, nội dung những hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Dịp này, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, thành viên trong nhóm biên soạn tập sách dành cho chúng tôi cuộc trao đổi.

Ông có thể giới thiệu sơ lược đôi nét về tập sách này?

- Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi trưng bày và bảo quản những tác phẩm quan trọng nhất của nền điêu khắc Chămpa. Đây là sưu tập duy nhất sở hữu những tác phẩm có niên đại từ thế kỷ 5 cho đến thế kỷ 15, trong đó có nhiều pho tượng và phù điêu bằng sa thạch, một ít bằng đồng và kim loại quý. Hầu hết chúng là những kiệt tác điêu khắc của nghệ thuật Chàm. Lịch sử của bảo tàng này được đánh dấu bởi những ấn phẩm về nó qua từng thời kỳ.

Ca-ta-lô  Âm vang của Đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Ca-ta-lô Âm vang của Đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Sách ca-ta-lô đầu tiên của bảo tàng được biên soạn năm 1919 bởi Henri Parmentier, nhà khảo cổ học và kiến trúc sư người Pháp, ông được xem là người đặt nền móng cho những công trình nghiên cứu về nghệ thuật Chàm. Trong thời chiến, vào năm 1972, một cuốn sách ảnh khoảng 150 bức ảnh chụp các pho tượng đang trưng bày, được Carl Hefley - Giám đốc Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Đà Nẵng thực hiện dưới sự hỗ trợ của ông Nguyễn Xuân Đồng - quản thủ của bảo tàng đương thời. Sau chiến tranh, năm 1987, một cuốn sách nhỏ gồm 50 bức ảnh giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu cho từng phong cách nghệ thuật Chàm, được biên soạn bởi Trần Kỳ Phương, do Nhà xuất bản Ngoại Văn tại Hà Nội và Sở Văn hóa - thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) phối hợp xuất bản.

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với những phát triển về kinh tế và ngoại giao, những tác phẩm giá trị của bảo tàng cũng được “du hành” vòng quanh thế giới; kèm theo đó là những sách ca-ta-lô về bảo tàng cũng được nghiên cứu chuyên sâu hơn cùng với những hình ảnh sắc sảo hơn được xuất bản tại Tokyo (1994), Paris (2005), New York (2009 & 2015). Trong thời kỳ này, trước hết phải kể đến sách “Le Musée de Sculpture Cam de Da Nang” được xuất bản năm 1997 dưới sự tài trợ của Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) và Hội Những người bạn phương Đông (AFAO) ở Paris. Đây là công trình được biên soạn chủ yếu bởi Jean Boisselier, một chuyên gia lớn về nghệ thuật Đông Dương, và đó cũng là tác phẩm cuối cùng của ông trước khi ông qua đời vào năm 1995. Vào năm 2001, sách ca-ta-lô này được xuất bản bằng Anh ngữ bởi River Books, do Emmanuel Guillon, một trong những người tham gia biên soạn công trình. Sau đó, quyển ca-ta-lô tương đối đầy đủ về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng được giới sành nghệ thuật đánh giá cao là công trình xuất bản năm 2005 nhân dịp triển lãm về nghệ thuật điêu khắc Chàm tại Bảo tàng Guimet, Paris.

Tuy nhiên lần này là một quyển ca-ta-lô đầy đủ nhất về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và lần đầu tiên được xuất bản bằng Anh ngữ, trong đó tập hợp sự tham gia của nhiều nhà lịch sử và lịch sử nghệ thuật uy tín về văn minh Chămpa; hơn nữa còn có sự đóng góp của các học giả Việt Nam, đặc biệt những nhà nghiên cứu trẻ, đánh dấu sự trưởng thành của ngành “Chămpa học” nước nhà. Cuốn sách giới thiệu 92 tác phẩm với sự nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ từng chi tiết về lịch sử cũng như nghệ thuật tạo hình. Đây chính là cuốn sổ tay cho giới nghiên cứu và thưởng lãm về nghệ thuật Chàm.   

Cuốn sách được thực hiện trong thời gian bao lâu? Ngoài những chuyên gia Việt Nam còn có sự tham gia của những cá nhân, tổ chức nào của quốc tế, thưa ông?

- Công trình được tài trợ bởi Quỹ Alphawood Scholarship thông qua Trường Nghiên cứu Á - Phi (SOAS), thuộc Đại học London. Khoảng cuối năm 2015, tiến sĩ Peter Sharrock, một trong 3 chủ biên của ca-ta-lô, người đại diện của SOAS đã gặp gỡ và trao đổi ý định hỗ trợ làm sách cho bảo tàng với các giới chức hữu quan của Đà Nẵng. Ý tưởng này được ủng hộ và giao cho Bảo tàng Chăm phối hợp thực hiện. Quá trình thực hiện được thuận lợi nhờ nhiệt tình của cán bộ, nhân viên bảo tàng, đặc biệt sự tổ chức chu đáo để chụp ảnh hiện vật. Việc chụp ảnh được nhà nhiếp ảnh Paisarn Piemmettawat của River Books thực hiện. Cũng lưu ý là River Books có trụ sở tại Bangkok là nhà xuất bản có uy tín chuyên về sách nghệ thuật Đông Nam Á, cho nên sách được chăm sóc cẩn thận để có hình ảnh đẹp và trình bày trang nhã.

So với những tập sách về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng trước kia, cuốn ca-ta-lô lần này có bổ sung thêm những nội dung nào mới lạ?

- Để đánh giá về nội dung của sách, có thể dựa theo nhận định của giáo sư John Whitmore của Đại học Michigan: “Đây là một công trình vừa tóm lược những nghiên cứu trước đây về Vương quốc Chămpa, vừa giới thiệu những kiến giải mới về quá khứ của vương quốc này và những mối quan hệ năng động của nó với các dân tộc láng giềng, cả ở Đông Nam Á hoặc xa hơn, đặc biệt vào thế kỷ 12 - 13. Đây là một hòa hợp tuyệt đẹp giữa nghệ thuật và lịch sử. Tôi thật hân hạnh đã được tham gia vào công trình này”.

Dự kiến bao lâu nữa cuốn sách sẽ có phiên bản tiếng Việt? Theo ông, khi ấn hành bản tiếng Việt có cần thiết bổ sung điều chỉnh gì không?

- Theo cam kết giữa SOAS và chính quyền thành phố Đà Nẵng, sách sẽ được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam trong một tương lai gần. Về mặt dịch thuật thì không có gì trở ngại, tuy nhiên để xuất bản được sách nghệ thuật có chất lượng cao, với hơn 150 bức ảnh, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cũng tùy thuộc vào số lượng độc giả có nhu cầu. Vì nội dung của sách đã được biên tập và trình bày cẩn thận cho nên tôi không nghĩ là sách cần bổ sung hay điều chỉnh gì khi xuất bản bằng Việt ngữ. Đặc biệt, rất thuận lợi là River Books đã có nhã ý tặng toàn bộ số ảnh chụp hiện vật cho ban quản lý của bảo tàng.

TRẦN TRUNG SÁNG (thực hiện)

TRẦN TRUNG SÁNG (thực hiện)