Bút tích Đặng Huy Trứ ở Hội An
Trong quá trình sưu tầm tư liệu liên quan đến Phật giáo ở Hội An, chúng tôi may mắn được tiếp xúc một văn bản Hán Nôm do danh nhân Đặng Huy Trứ viết về thiền sư Quán Thông trụ trì chùa Phước Lâm ở Hội An.
Chùa Phước Lâm tọa lạc tại thôn Cửa Suối, xã Cẩm Hà, TP.Hội An. Chùa do thiền sư Ân Triêm khai lập vào giữa thế kỷ 18. Thiền sư Ân Triêm là Tổ đời thứ 35, dòng Lâm Tế Chúc Thánh, là đệ tử của Hòa thượng Minh Hải, người khai lập dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An vào cuối thế kỷ 17. Lúc đầu, chùa là một thảo am nhỏ để Thiền sư Ân Triêm tu thiền, đến đời Hòa thượng Minh Giác trụ trì đã cho xây dựng lại toàn bộ chùa. Trải qua các lần trùng tu vào các năm 1864, 1891, 1965… chùa vẫn giữ lại được nét kiến trúc cổ kính tồn tại đến ngày nay. Chùa Phước Lâm có nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử lâu đời như hoành phi, liễn đối, bia ký, chuông đồng, kinh Phật, tượng …
Văn bản Hán Nôm này chúng tôi có được do Đại đức Thích Như Tịnh - trụ trì chùa Viên Giác cung cấp. Tập tư liệu gồm 3 tờ giấy được đóng lại với nhau bằng sợi chỉ, gồm 6 mặt, mỗi mặt gồm có 7 dòng, trong đó dòng dài nhất có 27 chữ, dòng ngắn nhất có 4 chữ, riêng mặt cuối chỉ có một dòng 7 chữ. Tư liệu này được viết vào năm Tự Đức thứ 27 (1874), do danh nhân Đặng Huy Trứ viết. Hiện nay, tại Hội An lưu giữ nhiều bút tích của Đặng Huy Trứ như bức hoành phi tại Văn thánh miếu Minh Hương, văn bia ở chùa Ông... Qua tham khảo bản dịch của thầy Thích Đồng Ngộ, chúng tôi giới thiệu một số nội dung của tập tư liệu Hán Nôm viết về thiền sư Quán Thông như sau:
Về người viết, danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) tự là Hoàng Trung, quê ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, nay là xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1864 ông được bổ nhiệm giữ chức Bố chánh Quảng Nam. Lý giải về việc quy y ở chùa của Đặng Huy Trứ, văn bản trên cho biết, từ thuở lọt lòng, vì sợ khó nuôi nên gia đình sớm cho ông quy y tam bảo. Sau lớn khôn mới cho vào Quảng Nam học hành. Ở đây, ông gặp được thiền sư Quán Thông, sau đó đi dự thi và đỗ giải nguyên khoa thi Đinh Mùi năm 1847. Cảm nhận được khí chất của thiền sư Quán Thông nên ông quy y Lâm Tế Chánh Tông pháp danh Hải Đức và viết về hành trạng của thiền sư Quán Thông. Lúc này ông đang đảm nhiệm chức Tam Tuyên quân thứ, thương biện quân vụ.
Về cuộc đời và hành trạng của thiền sư Quán Thông, tư liệu trên cho biết thiền sư Quán Thông là người thôn Thanh Liêm, tổng An Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trước đây ở chùa Phước Lâm có hòa thượng Minh Giác tu hành, thiền sư mến đức của hòa thượng Minh Giác nên xin làm đệ tử, cần khổ tu hành. Sau khi được truyền y bát, thiền sư xin về ở chùa Thập Tháp tại Bình Định. Khi Hòa thượng Minh Giác viên tịch, vào năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn - 1832), do tìm người kế thừa không được nên tăng chúng chùa Phước Lâm mời thiền sư Quán Thông về trụ trì. Năm Mậu Tuất (1838), thiền sư cho tu sửa chùa Chúc Thánh. Đến năm Tự Đức thứ 2 (Kỷ Dậu - 1849), do bệnh dịch lan tràn nên thiền sư phát nguyện mở đại trai đàn thủy lục 7 ngày đêm tại Đại Chiêm, Hội An. Sau khi pháp sự viên thành, thiền sư về lại Bình Định xây chùa Báo Ân. Năm Nhâm Tuất (1862), thiền sư đảm nhiệm trụ trì chùa Tam Thai.
Qua nguồn tư liệu này, góp phần cung cấp nhiều thông tin có giá trị góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.
PHẠM PHƯỚC TỊNH