Chữ Ngộ

PHÙNG TẤN ĐÔNG 06/01/2018 10:42

Chữ “ngộ” trong phương ngữ Quảng Nam có nghĩa là “lạ”, là “quái” (theo nghĩa tích cực). “Ngộ” trong ý nghĩa đó còn có hàm nghĩa là cá biệt, đặc biệt, là thú vị, độc đáo, đẹp… Thích nhan sắc của một cô em mô đó, anh chàng khoe “ôi, em nớ “ngộ” lắm”. Thấy tài năng đặc biệt của một đứa bé mô đó, người lớn quở “thằng nớ “ngộ” lắm”… Trong rừng kinh luận mông mênh của đạo Phật, “ngộ” lại là thuật ngữ để chỉ sự thức tỉnh tức thời đối với một vấn đề, một sự việc, hiện tượng nào đó… Như khi ta nhìn cảnh nước chảy, mây trôi, bãi biển hóa nương dâu, ta ngộ ra một điều là mọi vật trên thế gian biến đổi không ngừng, không thường hằng (vô thường). Người khai ngộ có được cái thấy biết trực nhận, chính xác hiện thực khách quan khi trí huệ lóe sáng trong khoảnh khắc ngắn ngủi… Ngộ có “tiệm ngộ” (ngộ sau một khoảng thời gian tu tập lâu dài) và “đốn ngộ” (ngộ trong khoảnh khắc, tức thời)…

Sở dĩ người viết viện dẫn ý nghĩa của chữ “ngộ” dài dòng như vậy là để kể một câu chuyện đời, một chuyện chẳng biết để buồn hay vui bởi dòng sống vốn vô thường…

Hơn ba mươi năm trước lúc người viết còn đeo đuổi chuyện “sách đèn” ở Huế có quen thân một anh chàng rất “ngộ”. Anh chàng người vùng đầm phá Tam Giang vì cảnh nhà nghèo, sớm thôi học lên phố làm thợ bánh mì kiêm việc bán bánh bột lọc, bỏ mối rượu nấu ở quê… Điều lạ là anh chàng có ngoại hình rất “võ biền” lại rất mê văn, mê triết, đa tình, đa cảm… Anh chàng mê truyện kiếm hiệp Tàu của Kim Dung, Cổ Long… Mới gặp nhau, T. (tên anh chàng) sau vài ly rượu gạo đã có “khẩu khí” của Đoàn Dự, rằng “tại hạ vốn xem trọng nhan sắc hơn tính mệnh”. T. yêu Tám, một cô em thợ may vùng An Cựu, mắt đen tròn, da trắng, tóc dài. Một cặp đôi hoàn hảo tựa “Kim Đồng - Ngọc Nữ”, bạn bè văn chương thoắt trông đã đầy lòng ngưỡng mộ…

Ngày ấy “cơm cao gạo kém”, mấy anh em những đêm “đói lòng” cứ chực nghe T. gọi, khi thì ổ bánh mì nóng, khi thì mấy cái bánh bột lọc nguội, vài ly rượu cốt và đôi khi mấy củ khoai lang của Tám… cũng đủ để anh em ngồi lại, luận bàn thiên hạ sự trong đó có Phật, có thiền.

Đùng một cái, T. “hốt nhiên đại ngộ” bèn “xuống tóc quy y” ở một ngôi chùa xa, nghe đâu ở tận cùng đất nước, lại ngoài đảo khơi. Tất nhiên người đau khổ nhất là Tám. Anh em thấy cô nàng đau khổ đòi đoạn mà “khổ theo” mà thấm thía cho cái khổ của tình đôi lứa - gọi tên là “ái biệt ly khổ” (khổ vì yêu nhau mà phải biệt ly).

Hơn ba mươi năm sau, cũng “đùng một cái” lại gặp T. tóc dài nghệ sĩ, ăn vận xuề xòa. Sau câu hỏi “xin lỗi có phải sư T.?”, rồi “ừ… T. đây”. Vẫn “nhỏ nhẹ” kiểu Huế, T. kể T. “về tục” hồi đầu năm ni và, sau một hồi ngẫm nghĩ T. nói “chuyện dài lắm, mấy ông biết không, phải mất hơn ba mươi năm, tui mới ngộ ra một điều…”. Đám bạn cũ nhao nhao “ngộ được điều chi?”, T. nói, nhẹ như gió thoảng “tui ngộ ra một điều là… tui tu không được”.

Một người bạn thốt lên “ôi ước chi trên đời ni mấy ông quan bất tài “ngộ” ra sớm được thì hay biết mấy”. Một người khác hỏi “Rứa Tám răng rồi?”. T. lại nhỏ nhẹ đáp “thì tui về với bả, bả lấy chồng, bỏ chồng, có hai con riêng, có cháu nội, cháu ngoại hết rồi, chừ ở một chắc (một mình), thôi chi thì chi cũng “hồng nhan tri kỷ”, tra (già) hết rồi, sống rày chết mai…”.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG