Sản phẩm thủ công truyền thống: Đợi những điều mới mẻ
Một năm với những cơ hội quảng bá các sản phẩm văn hóa trong hàng loạt sự kiện mang tính quốc tế vừa kết thúc. Tuy nhiên, với các sản phẩm thủ công truyền thống, xem chừng vẫn cần những cuộc đổi thay ngoạn mục hơn...
Trong một lễ hội, gian hàng thủ công truyền thống luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh: LÊ QUÂN |
Từ cơ hội của văn hóa
Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI được đánh giá là một kỳ hội quy mô nhất từ khi bắt đầu lễ hội văn hóa này vào năm 2003. Quy tụ rất nhiều nền văn hóa cả trong và ngoài nước, mảnh đất Quảng Nam gần như được tiếp cận ở mọi phương diện, đặc biệt với các di sản văn hóa. Cơ hội quảng bá những gì tinh túy nhất của xứ Quảng đã được “tận dụng”. Lượng khách đến chỉ trong riêng kỳ lễ hội diễn ra hồi tháng 6.2017 gần 1 triệu lượt người, với những chi tiêu và sử dụng dịch vụ trong ngành văn hóa - du lịch đã đủ để thấy mức độ thành công của kỳ hội. Chưa kể, ngay trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, sự tập trung về những di sản văn hóa phi vật thể, với dụng ý đưa bài chòi đến với đông đảo lượng người xem hơn, trong đó có các vị khách đến từ 21 quốc gia nằm trong UNESCO, đã góp phần nào đó vào sự công nhận Di sản văn hóa phi vật thể thế giới cho bộ môn nghệ thuật bài chòi. Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài – người đã trực tiếp tổ chức xuyên suốt các kỳ festival chia sẻ, mục đích lớn nhất của những kỳ hội văn hóa vẫn là quảng bá dấu ấn của vùng đất, di sản và tạo nên “sinh kế” từ du lịch cho chính những nơi biết quý trọng, bảo tồn vốn liếng văn hóa của mình.
Trống trời – một sản phẩm biến tấu từ làng nghề đúc đồng Phước Kiều. |
Ngay khi kết thúc kỳ festival, Quảng Nam lại tiếp tục chuẩn bị để đón một sự kiện mang tính quốc tế ở quy mô rất lớn. Năm APEC 2017 chọn Quảng Nam là một trong những địa phương để tổ chức các hoạt động kinh tế, đầu tư và văn hóa. Lần này, Quảng Nam với lợi thế về những vùng đất di sản, đã không làm thất vọng những vị khách đặc biệt. Tại sự kiện này, các địa danh di sản đã khéo léo được đưa vào trong “tour” của các bạn quốc tế. Một chiến lược về quảng bá hình ảnh, văn hóa được xây dựng rõ rệt nhằm mang lại những ấn tượng tốt nhất về xứ sở. Chưa kể, một trong những sản phẩm quà tặng dành cho các đại biểu của APEC là đèn lồng Hội An – đặc trưng của phố Hội. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, ngoài những kiến trúc di sản đã được công nhận, các sản phẩm truyền thống của Hội An cũng mang những dấu ấn văn hóa riêng biệt và góp phần không nhỏ tạo nên “diện mạo” văn hóa của thành phố này. “Ngay từ những năm 2000, khi xác định Hội An sẽ phải đi con đường phát triển nền “công nghiệp không khói”, thì định hướng về một thành phố văn hóa, sinh thái bắt đầu được đề ra. Tạo nên những sản phẩm văn hóa đặc trưng trên nền tảng những thứ hiện hữu lâu đời là điều mà Hội An đang làm” - ông Sơn nói.
Thổ cẩm Cơ Tu được chọn để ứng dụng vào các bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trong nước và quốc tế. |
Và chờ đợi sản phẩm truyền thống
Tuy nhiên, có nắm bắt được hay không những cơ hội từ các sự kiện văn hóa tạo ra dành cho làng nghề truyền thống, vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Ông Nguyễn Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh chia sẻ, bản thân các làng nghề vẫn cần phải thay đổi hơn nữa thì mới có thể biến những sự kiện văn hóa này trở thành sản phẩm của mình. Ngay cả câu chuyện về một địa phương làm du lịch văn hóa chuyên nghiệp như Hội An, ông Nguyễn Hai nói, chỉ có một số cơ sở làm nghề biết cách tận dụng “lễ hội” để quảng bá sản phẩm, còn lại đa số người làm nghề truyền thống ở đây vẫn thờ ơ. Tìm kiếm cơ hội cho mình đồng nghĩa với việc phải tự đứng lên bằng chính các thay đổi trong sản phẩm của mình. Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 được nhìn nhận đã bước đầu tạo một con đường cho những sản phẩm thủ công từ nguồn xuống biển. Bằng cách mở rộng không gian hội lễ lên tận vùng núi như Lễ hội văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, hay mở về phía nam với Ngày hội biển Tam Thanh, cánh bắc xứ Quảng với kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm... đưa hình ảnh sản phẩm thủ công truyền thống vào những không gian đông người.
Một cuộc đi mới đang chờ đợi những làng nghề truyền thống biết cách vượt lên cái bóng quá khứ của mình. “Lối thoát” cho các nghề và làng nghề truyền thống là phải “lột xác” mẫu mã, thương hiệu, thậm chí cả công năng sử dụng của những sản phẩm thủ công và nhắm vào thị trường hàng hóa xa xỉ, là điều mà nhiều khu vực và thế giới đã làm. “Điều này đòi hỏi phải có một thế hệ trẻ tài năng, nhanh nhạy với thị trường và có kiến thức vững chắc về mỹ thuật và thiết kế. Bản thân chính quyền địa phương cũng nên có những chính sách thích hợp để kích thích người làng nghề” - ông Famio Kato, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ. Ông này kể câu chuyện về xưởng dệt Hosoo ở quận dệt vải Nishijin, Kyoto, Nhật Bản: vốn nằm ở một nơi khuất nẻo nhưng xưởng dệt Hosoo hiện là địa điểm du lịch nổi tiếng cho các chính khách và nghệ sĩ trên thế giới khi đến thăm Nhật Bản. Họ đến để biết, không chỉ về làng nghề Nishijin một thời. Hiện tại Hosoo đã cộng tác với nhà thiết kế nội thất thời trang nổi tiếng Peter Marino, nghệ sĩ điêu khắc Teresita Fernández ở New York và bắt tay với nhà thiết kế giày cổ quái Masaya Kushino để chuyển đổi từ dệt vải làm kimono truyền thống sang các sản phẩm thời trang và đồ nội thất. Hiện nay Hosoo là nhà cung cấp cho nhiều hãng thời trang danh tiếng như Luis Vuitton, Chanel, Dior... Từ đây lại nhìn thấy một cơ hội lớn cho những sản phẩm nghề truyền thống của Quảng Nam, bởi gần như những “chất liệu” làm nghề đều đã được các nghệ sĩ điêu khắc, tạo hình và thiết kế nhìn nhận. Nguyễn Văn Huy – nhà điêu khắc của xứ Quảng đang bắt tay cùng một nghệ nhân của làng đúc đồng Phước Kiều cho dự án nghệ thuật dài hơi sắp tới của anh, với chất liệu và kỹ thuật tạo tác từ làng nghề, trong khi mẫu mã sẽ do anh phác thảo. Cùng với đó, một cặp đôi nghệ sĩ đến từ Anh, cũng như Aldegonde van Alseno – nhà thiết kế người Bỉ - đã bị mê hoặc bởi những hoa văn do đôi tay người phụ nữ Cơ Tu tạo ra, và chọn cách tạo mẫu từ những thổ cẩm Cơ Tu này.
Một hành trình mới sẽ bắt đầu khi ngày càng nhiều những chất liệu truyền thống được tôn vinh và sử dụng phổ biến trong đời sống hiện tại. Chạm ngõ với cơ hội này như thế nào để có được những sản phẩm ứng dụng – trên nền những sản phẩm thủ công truyền thống, cần nhiều hơn sự nỗ lực của các nghệ nhân hay những người làm nghề…
LÊ QUÂN